Một đứa trẻ Mỹ hỏi cha mình: “Ba ơi, chúng ta có giàu không?”
Người cha trả lời: “Ba giàu, nhưng con thì không.”
Vì vậy, con cái của người Mỹ ngay khi còn nhỏ sẽ tự mình làm việc chăm chỉ, khi kế thừa cơ nghiệp của cha mẹ, chúng cũng sẽ dạy dỗ con cái của mình như vậy.
Một cậu bé Trung Quốc hỏi cha mình: “Ba ơi, chúng ta có giàu không?”
Người cha trả lời: “Nhà mình có rất nhiều tiền, sau này tất cả sẽ là của con”.
Cứ như vậy, những đứa trẻ nhà giàu ở Trung Quốc được chiều chuộng từ nhỏ, chúng tiêu xài hoang phí, không tu chí làm ăn.
Vì vậy người xưa mới có câu: “Không ai giàu ba họ”.
Mùa hè năm ngoái, một người bạn Trung Quốc đã gửi cậu con trai 13 tuổi của mình đến nhà của Mary, một người bạn của anh ở Úc, nói rằng muốn con mình nhìn ra thế giới và nhờ Mary chăm sóc cậu bé. Và đây là cách “chăm sóc” con trai của bạn mình của Mary.
Ngay khi đón cậu bé từ sân bay, Mary đã nói với cậu bé: “Cô là bạn của ba cháu, trong một tháng cháu nghỉ hè ở Australia, ba cháu nhờ cô chăm sóc cháu. Nhưng cô muốn cháu biết một điều rằng, chăm sóc cháu không đồng nghĩa với có trách nhiệm, bởi cô không nợ ba cháu, ba cháu cũng không nợ cô, vì vậy giữa chúng ta là bình đẳng. Cháu 13 tuổi rồi, cũng nên biết chăm sóc cho bản thân rồi, bắt đầu từ ngày mai, cháu phải dậy đúng giờ, cô không có trách nhiệm phải gọi cháu. Sau khi ngủ dậy, hãy tự làm bữa sáng bởi lẽ cô cần phải đi làm, không thể làm bữa sáng thay cháu, ăn xong dọn dẹp rửa bát đĩa, vì cô sẽ không rửa thay cháu, đó không phải trách nhiệm của cô.
Trong nhà có phòng giặt đồ, quần áo của cháu cháu cần tự mình giặt. Ngoài ra, ở đây có một một bản đồ thành phố và lịch trình di chuyển của xe buýt, cháu tìm hiểu trước xem muốn đi nơi nào, cô sẽ cùng cháu đi vào thời gian rảnh, nhưng nếu cô không có thời gian, cháu cần tự mình tìm hiểu tuyến đường và lịch trình đi, và có thể tự đi một mình. Nói chung, cháu cần tự giải quyết tất cả những vấn đề cuộc sống của mình. Bởi vì cô cũng có việc cần làm, mong rằng sự có mặt của cháu không làm xáo trộn cuộc sống của cô.”
Cậu bé 13 tuổi chớp mắt nghe lời Mary không cho phép cậu gọi cô là “cô” và nhất định phải gọi cô bằng tên.
Sau cùng, khi Mary hỏi cậu bé có hiểu không, cậu bé trả lời: “Cháu hiểu rồi ạ!”
Đúng vậy, cô ấy nói rất đúng, cô ấy không nợ ba, càng không nợ cậu, cậu cũng đã 13 tuổi rồi, là một đứa trẻ lớn rồi, cậu đã có thể tự mình làm được rất nhiều việc, bao gồm cả việc tự làm bữa ăn sáng, tự đi tới những nơi mà mình thích.
Một tháng sau, cậu bé quay trở về Bắc Kinh.
Người nhà cảm thấy rất ngạc nhiên, con trai thay đổi rất nhiều, thay đổi theo hướng việc gì cũng biết tự mình làm, biết sắp xếp quản lý cuộc sống của mình: Tự gấp chăn sau khi ngủ dậy, ăn sáng xong tự mình rửa bát, quét dọn nhà cửa, biết sử dụng máy giặt, đi ngủ đúng giờ, cũng rất lễ phép lịch sự với người khác…
Một bộ phận cha mẹ Trung Quốc và ở một vài quốc gia có nét văn hóa tương đồng thường quá yêu chiều con cái, họ luôn cố gắng để có thể cho con cái tất cả những gì tốt đẹp nhất, dù bản thân mình có hay không.
Khi con còn nhỏ, họ bao bọc con dưới đôi cánh của mình. Con lớn rồi, thậm chí lập gia đình rồi, họ vẫn lo lắng, họ sống cả đời vì con vì cháu thay vì cho chính mình. Bất kể là cha mẹ trẻ hay cha mẹ già, con cái không chỉ cần tình yêu của chúng ta, chúng còn cần chúng ta buông tay ra đúng lúc để chúng tự mình trưởng thành. Con cái của chúng ta thực ra đều rất giỏi, tất cả chúng đều có năng lực đi tạo ra một cuộc sống mà mình mong muốn.
Hãy học cách buông tay!
Bất kể là trong giáo dục hay chăm sóc con cái, tất cả các bậc phụ huynh chúng ta đều cần nhớ rằng cha mẹ không nợ con cái, ông bà cũng không nợ con cái cháu chắt.
Mỗi người đều cần được trang bị khả năng độc lập xây dựng cuộc sống của riêng mình, con cái sau này có thể tự mình lo liệu được cho cuộc sống của bản thân hay không, phương thức giáo dục của cha mẹ đóng một phần rất quan trọng!