Cốc thủy tinh, bình pha lê hay khay đựng thức ăn bằng thủy tinh từ lâu đã là lựa chọn quen thuộc trong các gian bếp nhờ vẻ đẹp sáng bóng và cảm giác sạch sẽ. Nhưng không phải ai cũng biết, đằng sau vẻ ngoài long lanh ấy có thể tiềm ẩn một “kẻ thù thầm lặng” đối với sức khỏe – đó chính là chì.
Thủy tinh có thể chứa chì, vì sao?
Theo Tiến sĩ Vũ Thị Tần (giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội), bản chất thủy tinh thông thường là hỗn hợp các oxit như silic (SiO₂), canxi (CaO) và natri (Na₂O). Những sản phẩm cao cấp hơn như thủy tinh chịu nhiệt (borosilicate glass) còn chứa thêm oxit boron (B₂O₃) giúp chống sốc nhiệt và an toàn hơn khi sử dụng trong lò vi sóng, tủ đông…

Tuy nhiên, ở một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ hoặc hàng nhái, người ta vẫn trộn oxit chì (PbO) vào thủy tinh để đạt được một số lợi ích nhất định trong sản xuất. Việc bổ sung chì giúp sản phẩm:
– Trong và sáng hơn nhờ tăng khả năng khúc xạ ánh sáng.
– Dễ nóng chảy, tiết kiệm chi phí sản xuất.
– Mềm và dễ tạo hình hơn, dễ cắt gọt trang trí.
Chính vì thế, nhiều loại bình, ly, khay trưng bày giá rẻ, không nhãn mác rõ ràng thường có nguy cơ chứa chì cao hơn so với hàng chính hãng.

Chì trong thuỷ tinh ảnh hưởng thế nào đến người dùng?
Chì là kim loại nặng độc hại với cơ thể con người. Một khi hấp thu qua đường ăn uống, nó không bị đào thải mà tích tụ dần, gây ra hàng loạt hậu quả nghiêm trọng có thể kể đến như tổn thương hệ thần kinh, đặc biệt ở trẻ nhỏ (chậm phát triển, giảm trí nhớ, kém tập trung); ảnh hưởng đến chức năng thận, gan, máu; thậm chí làm giảm khả năng sinh sản ở cả nam và nữ cũng như tác động xấu đến phụ nữ mang thai.
Điều đáng lo là lượng chì trong thủy tinh có thể thôi nhiễm ra thức ăn, nhất là khi chứa chất lỏng nóng hoặc có tính axit như nước chanh, giấm, rượu…
Vậy làm sao để phân biệt thủy tinh có chì?
Mặc dù cốc, bát thuỷ tinh trông bề ngoài có vẻ giống nhau nhưng vẫn có cách phân biệt được các loại. Nếu không có nhãn mác rõ ràng, bạn có thể thử một vài cách đơn giản sau:
Thứ nhất là quan sát, thủy tinh có chì thường rất trong, sáng lấp lánh như pha lê nhưng khi cầm lên sẽ thấy nặng tay hơn bình thường vì chì làm tăng khối lượng riêng. Trong khi thuỷ tinh không chì thì ít lấp lánh hơn, độ trong ở mức vừa phải, không chói sáng như thủy tinh pha lê, đồng thời nhẹ tay hơn.

Thứ hai là gõ nhẹ, nếu phát ra tiếng ngân vang như kim loại, đó có thể là dấu hiệu có chì. Còn thuỷ tinh thường sẽ phát ra âm thanh phát ra cụt, đục, không ngân vang.
Thứ ba, có thể thử bằng cách dùng đèn UV vì dưới tia cực tím, thủy tinh có chì sẽ phát ánh tím hoặc xanh dương.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thử với giấm. Cách làm là đổ giấm trắng vào và ngâm khoảng 24 giờ. Nếu có chì, lớp bề mặt có thể bị ố hoặc mờ. Ngoài ra, bạn có thể dùng que thử chì chuyên dụng, loại que có đầu bông sẽ đổi màu nếu phát hiện chì.
Lưu ý khi mua và sử dụng đồ thủy tinh
Vì hàng chất lượng và kém chất lượng lẫn lộn nên khi mua, bạn cần ưu tiên chọn các sản phẩm có thương hiệu uy tín, ghi rõ “Lead-free” (không chứa chì), đặc biệt là đồ đựng thực phẩm, khay nướng, bình nước. Với sản phẩm mới mua về, có thể ngâm trong giấm trắng 24 giờ và rửa sạch lại trước khi sử dụng để giảm nguy cơ thôi nhiễm chì (nếu có).
Nguồn: Tổng hợp
Nguồn tin: https://cafef.vn/coc-thuy-tinh-chua-chi-la-ke-thu-cua-suc-khoe-doc-meo-phan-biet-nay-de-tranh-benh-vao-tu-mieng-18825042422122459.chn