“Tôi nghĩ những kinh nghiệm của bản thân có thể sẽ giúp ích được cho người khác”
Đó là những gì mà Niamh O’Connor, cô gái trải qua 7 năm “vật lộn” với chứng biếng ăn, chia sẻ trên trang People.
Cô gái 24 tuổi đến từ West Midlands, Vương quốc Anh, cho biết, ngay từ năm 12 tuổi, cô đã trải qua những dấu hiệu cảnh báo về “mối quan hệ không lành mạnh với thực phẩm” và những thay đổi trên cơ thể. Tuy nhiên, cô không được chẩn đoán mắc chứng biếng ăn cho đến năm 17 tuổi. Và điều này ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của cô.
“Tôi là người cầu toàn. Thế nên, khi nỗ lực giảm cân để khỏe mạnh nhất có thể, tôi nhận ra mình rất giỏi việc này. Tôi nhanh chóng cảm thấy hứng thú khi con số trên cân liên tục giảm xuống. Nó giống như thành tựu và cho dù giảm cân nhiều nhưng tôi vẫn muốn tiếp tục”, cô cho biết.
Thế nhưng sau đó O’Connor trở nên “ám ảnh” với việc giảm cân: “Tôi nhanh chóng nhận ra rằng không có điểm kết thúc đối với mục tiêu cân nặng của mình. Lần nào tôi cũng đạt mục tiêu đề ra, thậm chí còn hơn thế. Tôi đã không nói chuyện với bất cứ ai về nó bởi vì tôi không nghĩ đó là một vấn đề lớn. Tôi không nghĩ mình mắc chứng rối loạn ăn uống vì tôi thấy mình vẫn ổn”.
O’Connor đã giảm gần một nửa trọng lượng cơ thể vào thời điểm đó. Các thành viên trong gia đình cô nhẹ nhàng chia sẻ về sức khỏe của cô nhưng đều bị cô bỏ qua. Cuối cùng, họ phải thực hiện các biện pháp can thiệp. “Gia đình tôi rất sợ hãi về những gì đang xảy ra. Các giáo viên thì đe dọa sẽ liên hệ với hệ thống dịch vụ xã hội. Hai người bạn thân nhất của tôi thậm chí còn ngồi nguyên một ngày trò chuyện với tôi về những gì họ lo lắng. Tôi thì vẫn cho rằng mình không cần giúp đỡ. Mặc dù vậy tôi vẫn đến bệnh viện để xoa dịu những lo lắng của mọi người”, cô nói thêm.
Niamh O’Connor tại bệnh viện để phục hồi chứng biếng ăn. Ảnh People
Cuối cùng O’Connor được kết luận mắc chứng biếng ăn và được đưa vào bệnh viện chuyên phục hồi sau rối loạn ăn uống. Ban đầu cô chống đối điều này vì không muốn tăng cân nhưng không ngờ hành trình phục hồi của cô lại không hề suôn sẻ.
“4 năm sau đó tôi phải ở nhiều bệnh viện khác nhau. Mỗi lần xuất viện không quá 3 tháng cân nặng của tôi lại giảm nghiêm trọng và tôi cần nhập viện lại khẩn cấp. Tôi cũng đã thử một số hình thức trị liệu nhưng dường như không hiệu quả”, O’Connor chia sẻ.
“Chỉ trong 3 năm trở lại đây tôi mới thực sự nỗ lực để thay đổi suy nghĩ của mình. Mỗi lần nhập viện trở lại, sức khỏe của tôi lại kém hơn lần trước và tôi nhận ra rằng có thể mình sẽ không thể trụ được lâu hơn. Tôi đã chứng kiến căn bệnh này cướp đi sinh mạng của bạn bè và điều này thật đau lòng. Vì vậy, tôi buộc bản thân phải thử thay đổi”, cô nói thêm.
O’Connor nói rằng, giờ đây, ngoài việc điều trị với một nhà trị liệu tâm lý, cô luôn tìm kiếm các cách đẩy mạnh mối quan hệ với thực phẩm, tập thể dục và giữ cân nặng khỏe mạnh. Khi đạt được cân nặng khỏe mạnh hơn, O’Connor cũng bắt đầu trở lại phòng tập thể dục – nơi cô yêu thích – và tập luyện với một huấn luyện viên cá nhân để đảm bảo không bị giảm cân quá nhiều.
“Đây là cách tôi quản lý bản thân. Mặc dù còn lâu mới hồi phục nhưng tôi cần đảm bảo có sự hỗ trợ để giữ sức khỏe ổn định và sống một cuộc sống trọn vẹn trở lại”, cô nói.
Căn bệnh biếng ăn khiến Niamh O’Connor có cột sống như người 80 tuổi
Để giúp mọi người hiểu được ảnh hưởng của chứng rối loạn ăn uống, Niamh O’Connor không ngần ngại tiết lộ những gì cô phải chịu trong suốt những năm qua chứ không phải chỉ là thân hình gày gò.
“Tim tôi bị tổn thương, thận cũng vậy. Khả năng sinh sản của tôi bị ảnh hưởng và lần chụp X-quang gần đây nhất cho thấy tôi có cột sống của một phụ nữ 80 tuổi trong khi bản thân mới 21 tuổi vào thời điểm đó. Da, tóc, răng và hệ miễn dịch của tôi đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Toàn bộ hệ thống tiêu hóa bị tổn thương mãn tính. Tôi cũng mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính và đau cơ xơ hóa”, O’Connor giải thích trên tài khoản TikTok của mình.
O’Connor cho biết hiện tại cô phải dùng thuốc hàng ngày để tăng cường sức khỏe xương và hệ tiêu hóa do nhiều năm suy dinh dưỡng. Và mặc dù duy trì cân nặng khỏe mạnh, cô hiểu rằng đó vẫn là một thách thức tinh thần trong tương lai.
Các triệu chứng của chứng biếng ăn
Biếng ăn là một tình trạng rối loạn ăn uống ảnh hưởng đến nhiều người. Nếu nghĩ rằng mình có thể mắc chứng biếng ăn, bạn nên liên hệ với chuyên gia y tế.
Một trong những dấu hiệu chính của chứng biếng ăn là không ăn đủ thức ăn. Bạn có thể không ăn vì nghĩ rằng giảm cân sẽ trông hoàn hảo hơn. Nhưng bỏ đói bản thân có thể khiến bạn bị bệnh nặng, hoặc thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy bạn cần được giúp đỡ.
Đói không phải là dấu hiệu duy nhất của chứng biếng ăn. Những triệu chứng khác của tình trạng rối loạn ăn uống này có thể bao gồm:
– Thường xuyên lo lắng về chế độ ăn kiêng, thực phẩm, calo và cân nặng.
– Bạn phàn nàn rất nhiều về việc “béo”.
– Bạn từ chối ăn toàn bộ các nhóm thực phẩm, như carbohydrate.
– Bạn giả vờ như bạn không đói trong khi thực sự bạn đang đói.
– Bạn tuân thủ một lịch trình tập thể dục khó khăn.
– Bạn tránh bạn bè và không quan tâm đến các hoạt động thông thường.
– Bạn nói dối về lượng thức ăn bạn đã ăn.
– Bạn kiểm tra bản thân trong gương rất nhiều.
– Không muốn ăn ở nơi công cộng.
– Bạn mặc nhiều lớp quần áo để mọi người không thể biết bạn nặng bao nhiêu.
Khi bạn không ăn đủ, bạn sẽ bỏ đói cơ thể các chất dinh dưỡng cần thiết. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề như ngất xỉu, mệt mỏi, cơ bắp yếu, nhịp tim chậm, huyết áp thấp… Nó thậm chí có thể khiến cuộc sống của bạn gặp nguy hiểm. Bạn cần phải nhận được sự trợ giúp y tế trước khi quá muộn.