Gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn sản sinh độc tố axit bongkrekic đã xảy ra tại Trung Quốc, gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm, đặc biệt là các món ăn từ bột gạo lên men. Đáng nói, những món ăn này cũng được người Việt rất chuộng.
Axit bongkrekic là gì? Chúng nguy hiểm như thế nào?
Gần đây, trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, thực phẩm dễ bị ôi thiu, biến chất. Bún, phở, bánh cuốn, bánh canh… cùng các loại nấm như mộc nhĩ, nấm tuyết sau khi ngâm nước lâu ngày trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, rất dễ bị nhiễm khuẩn Pseudomonas cocovenenans, sản sinh độc tố axit bongkrekic.
Việc ăn uống những thực phẩm này rất dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Các ban ngành chức năng tại một số địa phương tại Trung Quốc đã ra thông báo, người dân cần thận trọng khi ăn các món bún, bánh canh.
Ngày 29/7, phóng viên Báo Thẩm Dương (Trung Quốc) đã phỏng vấn GS Đặng Bảo Thành (Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện thứ 2 trực thuộc Đại học Y Trung Quốc) để giải đáp những thắc mắc về loại độc tố nguy hiểm này.
Giáo sư Đặng Bảo Thành cho biết, axit bongkrekic là độc tố do vi khuẩn Burkholderia gladioli sản sinh ra.
GS Đặng Bảo Thành cho biết thêm, axit bongkrekic có khả năng chịu nhiệt rất mạnh. Ngay cả khi đun sôi ở 100 độ C hoặc hấp trong nồi áp suất, cũng không thể phá hủy độc tính của nó. Sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm độc tố này, chỉ cần 1mg cũng có thể gây tử vong. Axit bongkrekic gây tổn thương gan, thận, tim, não và nhiều cơ quan quan trọng khác của cơ thể. Hiện tại, y học vẫn chưa tìm ra thuốc giải độc đặc hiệu cho axit bongkrekic. Tỷ lệ tử vong do ngộ độc loại độc tố này rất cao.
Những vụ ngộ độc axit bongkrekic cần được cảnh báo
GS Đặng Bảo Thành cho biết, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc axit bongkrekic.
Tháng 7/2018, một gia đình ở Kim Hoa (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) đã ăn phải mộc nhĩ ngâm lâu ngày dẫn đến 3 người bị ngộ độc, 1 người tử vong.
Tháng 8/2020, 11 thực khách ở thị trấn Thần Tuyền, huyện Huệ Lai, thành phố Yết Dương (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) sau khi ăn bánh canh tại một nhà hàng địa phương, đã lần lượt xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm như nôn mửa, tiêu chảy… Kết quả là 1 người tử vong và 2 người bị thương nặng.
Ngày 5/10/2020, 12 người trong một gia đình ở huyện Kê Đông, thành phố Kê Tây (tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc) đã cùng nhau ăn bữa tối. 9 người lớn tuổi trong gia đình đã ăn món canh chua tự làm lên men hơn một năm và tử vong.
Tháng 7/2023, 2 người phụ nữ ở thành phố Vĩnh Thành (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) đã ăn phải bánh phở. Kết quả là 1 người tử vong, 1 người bị thương nặng.
Những thực phẩm dễ sản sinh axit bongkrekic
GS Đặng Bảo Thành cho biết, vi khuẩn Burkholderia gladioli có thể sinh trưởng và phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ (26-28 độ C) và độ ẩm thích hợp, đồng thời sản sinh ra axit bongkrekic. Các loại thực phẩm bị nhiễm độc chủ yếu là thực phẩm lên men tự chế biến tại nhà, phổ biến là 3 loại sau:
– Các sản phẩm lên men từ bột ngô như canh chua, bánh phở, bánh trôi, bánh canh.
– Các sản phẩm lên men từ khoai, sắn như miến dong, tinh bột khoai lang, tinh bột sắn…
– Mộc nhĩ, nấm tuyết, rong biển, mực khô sau khi ngâm nước bị biến chất.
Triệu chứng và cách phòng tránh ngộ độc axit bongkrekic
GS Đặng Bảo Thành giới thiệu, thời gian ủ bệnh của ngộ độc axit bongkrekic thường từ 20 phút đến 12 tiếng, một số ít trường hợp là 1-2 ngày. Mức độ ngộ độc phụ thuộc vào lượng axit bongkrekic có trong thực phẩm và lượng thức ăn được ăn vào.
Người bị ngộ độc axit bongkrekic thường có các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng vùng thượng vị, chóng mặt, tiêu chảy, mệt mỏi toàn thân… Trường hợp nặng có thể xuất hiện vàng da, nôn ra máu, chảy máu dưới da, tiểu ít, tiểu ra máu, gan to, bồn chồn, lú lẫn, co giật, hôn mê… Bệnh nhân bị ngộ độc nặng có thể tử vong do suy hô hấp.
Nếu nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm cần ngừng ăn ngay thực phẩm nghi ngờ. Cố gắng nôn ra ngoài để giảm bớt độc tố hấp thụ, giảm tổn thương cho cơ thể. Nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Cách phòng tránh ngộ độc axit bongkrekic
Axit bongkrekic có khả năng chịu nhiệt rất mạnh, ngay cả khi đun sôi ở nhiệt độ 100 độ C hoặc nấu bằng nồi áp suất cũng không thể phá hủy được. GS Đặng Bảo Thành cho biết, chỉ có quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thói quen ăn uống lành mạnh, mới có thể ngăn chặn triệt để loại ngộ độc này.
Lựa chọn thực phẩm từ những cơ sở uy tín
Tuyệt đối không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc. Nên mua thực phẩm tại các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.
Người tiêu dùng cần đọc kỹ nhãn mác sản phẩm, chú ý đến cảm quan và hạn sử dụng của sản phẩm.
Khi mua hàng, người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ bao bì sản phẩm, nhà sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng…
Chú ý thời gian bảo quản và sử dụng thực phẩm kịp thời
Không nên ngâm mộc nhĩ, nấm tuyết quá lâu, sau khi ngâm cần chế biến và sử dụng ngay.
Không sử dụng mộc nhĩ, nấm tuyết và các sản phẩm từ mộc nhĩ, nấm tuyết đã ngâm qua đêm.
Tuyệt đối không được tự ý hái và sử dụng mộc nhĩ, nấm tuyết tươi.
Thường xuyên thay nước khi chế biến thực phẩm lên men từ bột gạo
Cần đảm bảo vệ sinh thực phẩm, không để thực phẩm có mùi lạ.
Sau khi xay bột, cần phơi khô hoặc sấy khô ngay.
Khi bảo quản bột cần để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh bụi bẩn.
Khi bột xuất hiện các đốm màu hồng, xanh lá cây, vàng xanh, đen… tuyệt đối không được sử dụng.
(Nguồn: China News)
Nguồn tin: https://cafef.vn/sat-thu-tren-dau-luoi-chi-1mg-cung-gay-tu-vong-hien-chua-co-thuoc-giai-doc-dac-hieu-188240731134801779.chn