Quảng NamĐang là một nhạc công nhưng vụ tai nạn 7 năm trước đã khiến Trần Bình Phương liệt tứ chi, chỉ một ngón tay cử động.
Trần Bình Phương, 32 tuổi, là con út trong một gia đình nông dân hai chị em ở phường Thanh Hà, TP Hội An. Từ bé anh đã thể hiện niềm đam mê với các làn điệu dân ca xứ Quảng, điệu đàn xuân nữ, câu hát bài chòi và có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc.
Năm 2014, tốt nghiệp cấp ba Phương theo học chuyên ngành đàn nhị, khoa âm nhạc truyền thống Học viện âm nhạc Huế. Đang học năm thứ hai, gia đình xảy ra biến cố, chàng trai nghỉ học quay lại phố cổ Hội An chạy show biểu diễn đàn nhị ở các nhà hàng, khách sạn, resort kiếm tiền giúp đỡ gia đình.
Cuối tháng 11/2017, Hội An mưa lũ, nhiều tuyến đường ngập nước. Trong đêm tối đi xe máy về nhà Phương bị tai nạn nằm bất tỉnh. Tại Bệnh viện Đà Nẵng các bác sĩ xác định anh bị chấn thương tủy sống, sau phẫu thuật sẽ liệt tứ chi, ngồi xe lăn suốt đời.
Chàng trai trẻ đối diện với cuộc sống đảo lộn, mọi việc đều phải nhờ mẹ. Ba năm sau đó, Phương ngày đêm luyện tập phục hồi chức năng nên có thể đi được vài bước và cử động được một ngón tay cái.
“Mỗi ngày tôi ngồi trên xe lăn được mẹ đẩy ra trước nhà nhìn ra đường, còn lại ở trong phòng bốn bức tường vây quanh rồi tự hỏi phải làm gì? Chẳng lẽ mang gánh nặng cho gia đình?”, Phương kể.
Anh bắt đầu nghĩ về tương lai song không sự định hướng nào. Chàng trai thử viết sách, bán hàng online nhưng đều bế tắc.
Năm 2021, một lần ngồi mày mò ứng dụng sáng tác nhạc trên điện thoại, Phương cho ra đời ca khúc “Về Thương Thanh Hà”. Anh nhờ bạn bè thuê ca sĩ hát, thu âm đưa lên mạng xã hội. Sản phẩm đầu tay viết về nơi mình sinh ra được lập tức được nhiều người đón nhận.
“Tôi không tin vào sự thật. Ai ngờ ca khúc nhận được nhiều lời khen và động viên”, Phương kể. Vài người bạn đã gợi ý nên sáng tác bài hát gửi đi dự thi.
Do không đi được thực tế, anh lên mạng, đọc sách báo để tìm kiếm thông tin về vùng đất, con người để sáng tác. Đêm xuống không gian yên tĩnh là lúc những bản nhạc ra đời.
“Nếu mọi thứ được làm trên laptop thì sẽ thuận tiện và dễ dàng hơn, nhưng tôi chỉ có thể dùng được điện thoại nên bất tiện”, Phương kể. Mỗi lần anh viết xong bản thảo trên điện thoại thì gửi cho bạn bè nhờ sao chép trên phần mềm chuyên nghiệp ở laptop.
Phương cho hay thông thường ở mỗi nhạc sĩ hoặc là một người sáng tác ca khúc, họ vừa chơi đàn và vừa viết. Nhưng với Phương hiện tại không chơi được đàn cho nên mọi giai điệu mình đều sắp xếp trong đầu và viết ra mà không có nhạc cụ hỗ trợ.
Phương tự nhận thấy không có nhiều kiến thức về cấu trúc ca khúc vì đây không phải chuyên ngành anh được học. Để bù đắp, anh lên mạng tìm hiểu học hỏi và nhờ thầy cô chia sẻ thêm. Lâu dần thành quen, Phương tập luyện và thuần thục sáng tác trên điện thoại. “Tôi là người bất tiện không bất hạnh, bản thân có niềm tin và một khối óc sáng tạo thì mọi khó khăn cũng chỉ là thử thách”, anh chia sẻ.
Anh bắt đầu thuê ca sĩ thu âm các bài hát của mình để gửi đi dự thi. Nhưng bốn cuộc thi liên tiếp đều thất bại và Phương đối diện với nợ nần, nhiều người không tin việc này cho kết quả.
Anh tìm đến các cuộc thi khác vì âm nhạc là đam mê từ nhỏ, nhất là với một người khuyết tật còn là niềm vui, niềm tin trong cuộc sống. Âm nhạc đã giúp Phương có tinh thần vui vẻ, suy nghĩ tích cực và quên đi những cơn đau từ việc bị co rút mỗi đêm trái gió trở trời.
Sau bốn lần thất bại, chàng trai trẻ sử dụng vay mượn người thân sáng tác ca khúc “Những đóa hoa tuổi trẻ” tham dự cuộc thi Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII và giành giải B, năm 2022.
“Đây là viên gạch nền móng giúp cho mọi người và gia đình có niềm tin với tôi hơn. Ngày nhận được bằng khen và giấy chứng nhận của Trung ương Đoàn, tôi không tin là sự thật”, Phương nói. “Mất niềm tin là mất tất cả nhưng tôi có niềm tin thì mọi thứ đều trở nên tốt đẹp. Đó là điều tôi đã nhận ra và học được quý giá nhất”, Phương nói về cách sống.
Tiếp tục sáng tác, Phương tiếp tục giành được những giải thưởng cao như ca khúc “Khát vọng của thanh xuân” đoạt giải Nhì ở đại hội Công đoàn tỉnh Bắc Giang; “Mây nghiêng bóng phố”, đoạt giải Ba ở TP Cao Bằng. Đến nay anh đã sáng tác gần 20 ca khúc.
“Âm nhạc giúp người khuyết tật như tôi có thêm niềm tin và động lực để cố gắng tập luyện phục hồi chức năng mỗi ngày. Hiện sức khỏe của tôi đang dần ngày cải thiện, tay chân bắt đầu phục hồi tốt hơn”, anh nói. Tiền bản quyền âm nhạc đem lại cho Phương một khoản để trang trải cho cuộc sống và thuốc men.
Tháng 8/2023, anh cùng sáu thành viên thành lập nhóm sản xuất âm nhạc với tên gọi Tiếng Thu Bồn. Phương phụ trách sáng tác, những người còn lại được phân công sản xuất. Nhóm nhận được nhiều người đặt hàng sáng tác theo cầu. Các ca khúc được anh sáng tác theo âm hưởng dân ca mang hơi thở hiện đại, đến gần với giới trẻ và mọi người hơn.
Ông Trương Hướng, Phó chủ tịch phường Thanh Hà đánh giá Phương là một người đầy bản lĩnh, nghị lực để vượt lên chính mình.
“Vừa qua, phường cũng đã tuyên dương, động viên Phương cố gắng hơn nữa để cuộc sống thêm ý nghĩa. Tôi hy vọng Phương sẽ thành công trên con đường mình đã chọn”, ông Hướng nói.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chang-trai-sang-tac-bang-mot-ngon-tay-4725013.html