Nhiều bậc cha mẹ cho rằng giáo dục hoàn toàn là vấn đề của trường học và giáo viên. Trên thực tế, điều này không đúng. Thành tích và kết quả của những đứa trẻ khác nhau trong cùng một lớp với cùng một giáo viên có thể hoàn toàn khác nhau. Thiếu đi sự dạy dỗ của cha mẹ, con cái sẽ không thể trở nên ưu tú.
Giáo dục gia đình là then chốt. Thầy cô không thể thay thế cha mẹ, giáo dục nhà trường không thể thay thế giáo dục gia đình.
Nhật báo Nhân dân (Trung Quốc) trong bài viết “Quan điểm giáo dục gia đình” mới nhất, không ngừng nhấn mạnh: Một quan niệm giáo dục gia đình lành mạnh là không thể thiếu cho sự phát triển toàn diện của trẻ em. Mỗi bước phát triển của trẻ đều cần có sự tham gia của cha mẹ.
Cha mẹ, luôn là người đầu tiên chịu trách nhiệm giáo dục gia đình
Zhu Yongxin từng nói: “Trong tất cả những đứa trẻ có vấn đề, chúng ta đều có thể tìm thấy nguyên nhân xuất phát từ gia đình chúng”. Vắng cha mẹ, một gia đình không có sự quan tâm, không thể nuôi dạy nên những đứa con xuất sắc. Dù giáo dục ở trường có xuất sắc tới mấy, giáo dục gia đình vẫn là điểm khởi đầu của mọi nền giáo dục. Thầy cô có trách nhiệm đến mấy vẫn luôn có những việc thầy cô không thể xen vào, và đó là trách nhiệm của cha mẹ.
Chiều cao mà bạn đạt được sẽ là bàn đạp cho chiều cao của con bạn.
Tầm nhìn của bạn sẽ giúp mở rộng tầm nhìn cho con bạn.
Cha mẹ nào cũng nên có suy nghĩ rằng: sự trưởng thành của con cái, gắn liền với trách nhiệm của tôi.
Giáo viên có giỏi đến mấy, cũng không tốt bằng lời nói và việc làm của bố mẹ
Giáo dục không thể chỉ dựa vào giáo viên. Giáo viên là người giảng dạy, truyền đạt. Họ chỉ có thể dạy cho trẻ những kiến thức trong sách giáo khoa, không thể dạy cho trẻ những phẩm cách cần thiết trong quá trình trưởng thành của mình.
Ảnh hưởng của giáo viên đối với trẻ có thể chỉ kéo dài từ 3 đến 5 năm, nhưng ảnh hưởng của cha mẹ đối với trẻ có thể kéo dài suốt cuộc đời.
Bạn là kiểu cha mẹ ra sao, bạn sẽ nuôi dạy nên những đứa con như vậy.
Suhomlininsky từng nói: “Mỗi khoảnh khắc bạn nhìn thấy con mình là bạn cũng nhìn thấy chính mình. Khi bạn giáo dục con cái, bạn cũng đang giáo dục bản thân và kiểm tra nhân cách của chính mình”.
Hãy dạy bằng lời nói và việc làm, dạy con cũng là đang dạy chính mình. Trên con đường giáo dục, so với mọi nguồn lực giáo dục, cha mẹ là những người không thể vắng mặt.
Sự tôn trọng, giáo dục cơ bản nhất cho trẻ
Giáo dục phải dựa trên mối quan hệ bình đẳng, không phân biệt giáo viên và học sinh, hay cha mẹ và con cái. Ở bất kỳ thời điểm nào, điều kiện tiên quyết đầu tiên để giáo dục trẻ chính là sự tôn trọng. Những đứa trẻ không được tôn trọng sẽ không bao giờ học được sự tôn trọng và rất dễ gặp trở ngại trong xã hội. Nếu không có nhân cách lành mạnh, trí tuệ đẹp đẽ thì kiến thức sẽ chỉ trở thành công cụ khiến trẻ trở nên hư hỏng.
Như Tyman Johnson đã nói: “Giáo dục gia đình thành công tạo ra những đứa trẻ thành công, giáo dục gia đình thất bại tạo ra những đứa trẻ thất bại”.
Trẻ em bình đẳng với chúng ta. Hãy nhìn thẳng vào sự tồn tại của con, hiểu nhu cầu của con, khẳng định sự tiến bộ của con và đánh giá cao những ưu điểm của con. Giáo dục đòi hỏi phải có tình yêu thương và sự tôn trọng.
Xuất sắc hay không, quan trọng là bố mẹ nhìn nhận ra sao
Hai nghìn năm trước, Khổng Tử đã đề xuất “dạy học trò theo năng khiếu” và “dạy không phân biệt”.
Không phải đứa trẻ nào cũng có thể đạt được 100 điểm, nhưng đứa trẻ nào cũng có những ưu điểm riêng. Trẻ thích đọc sách ước mơ trở thành nhà văn, trẻ yêu thể thao ước mơ trở thành vận động viên, trẻ thích giúp đỡ người khác ước mơ trở thành giáo viên… Không có đứa trẻ nào không giỏi, chỉ có những người cha người mẹ không nhìn ra được ưu điểm của chúng.
Chủ đề chính trong giáo dục gia đình chính là học cách trân trọng trẻ và khám phá tiềm năng của chúng. Mọi con đường đều dẫn đến Rome và giáo dục cũng vậy. Là cha mẹ, bạn nên là người cố vấn cho con mình và giúp con phát triển thành một người tốt nhất có thể.
Cha mẹ quyết định tính cách của con, tính cách quyết định số phận của con
Li Meijin chỉ ra: “Trí thông minh là bẩm sinh nhưng tính cách có thể rèn luyện được. Muốn bồi dưỡng nhân cách tốt cho con cái thì việc giáo dục trong gia đình là rất quan trọng”.
Tư duy của người cha và tâm trạng của người mẹ quyết định tương lai của đứa trẻ. Đằng sau những đứa trẻ thành công là một người cha thành đạt, là tấm gương sáng cho con cái và nêu gương cao cả. Cảm xúc của người mẹ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của con mình. Giữ cho cảm xúc của bản thân ở trạng thái bình tĩnh là cách giáo dục tốt nhất cho con.
Hiện tại của con bạn là ngày hôm qua của bạn và hiện tại của bạn là ngày mai của con bạn.
Sự giàu có tốt nhất, đó là làm cho trẻ giàu có về mặt tinh thần
Giáo dục không thể đạt được chỉ bằng cách tiêu tiền. Tiền bạc không thể giúp trẻ hình thành quan điểm đúng đắn về cuộc sống, vật chất cũng không thể làm phong phú thế giới nội tâm của trẻ.
Mức độ làm giàu cao nhất nên là nuôi dưỡng tâm hồn, trau dồi thế giới tâm linh và trau dồi các giá trị. Để trẻ có trái tim giàu có, biết tự trọng, biết yêu bản thân, biết phân biệt trên dưới, biết điều gì đúng, điều gì sai, biết nhân ái, biết ơn.
Bất kể trẻ có phải đối mặt với môi trường nào hay gặp phải khó khăn gì, họ cũng đều có thể bình tĩnh xử lý và giải quyết nó, không dễ dàng thỏa hiệp hay thu mình lại. Giáo dục thực sự không liên quan đến sự giàu có hay đẳng cấp mà liên quan mật thiết với tâm hồn.
Cho trẻ sự lựa chọn, thay vì một mệnh lệnh
Vai trò tồi tệ nhất của cha mẹ là làm “chỉ huy” của con cái, ra lệnh cho con. Những đứa trẻ bị “thao túng” dần dần phải dựa dẫm vào cha mẹ, nếu không sẽ nổi loạn và đổ lỗi cho người khác về hậu quả thất bại.
Thầy Yin Jianli từng nói: “Tóm lại, hãy cho con bạn sự lựa chọn thay vì ra lệnh”.
Mỗi đứa trẻ đều xứng đáng là chính mình và là duy nhất. Học cách lựa chọn, đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm cho hậu quả là bước khởi đầu cho quá trình trưởng thành của trẻ. Rất nhiều khi, tất cả những gì cha mẹ phải làm là: buông tay và để con mạnh dạn tiến về phía trước.
Bất kỳ hình thức bạo lực gia đình nào cũng không nên được xuất hiện trước mặt con trẻ
Bạn không bao giờ tưởng tượng được một tổn thương có thể thay đổi số phận của một đứa trẻ ra sao. Cho dù đó là những vết sẹo trên cơ thể do một cú đấm hay một cái tát, hay những vết sẹo trong lòng do bị khiển trách, lăng mạ, hay nỗi sợ hãi do bạo lực lạnh. Dấu vết do bạo lực để lại đối với trẻ sẽ là cái bóng đeo bám suốt cuộc đời chúng. Mục tiêu cuối cùng của kỷ luật là điều chỉnh hành vi của trẻ chứ không phải khiến trẻ tức giận.
Gia đình phải là thiên đường ấm áp và xinh đẹp để trẻ phát triển chứ không phải là nơi nuôi dưỡng bạo lực. Tôi mong các bậc cha mẹ có thể là người chèo lái cuộc đời con mình, cảm nhận bằng trái tim, bao dung bằng tình yêu thương và cho phép con mạnh dạn bước từng bước trưởng thành.
Đừng bắt con cái thay bạn thực hiện ước mơ của mình
Không có đứa con hoàn hảo, cũng không có cha mẹ hoàn hảo. Vì chúng ta không hoàn hảo, tại sao chúng ta lại phải ép con cái đi theo con đường đã định trước?
Sẽ là rất ích kỷ khi ghép những ước mơ của chính bạn vào cuộc sống của con cái bạn. Dạy trẻ cũng giống như việc trồng cây, nó nằm ở quá trình hơn là kết quả.
Chúng ta nên nuôi dưỡng từ “gốc rễ” của con cái mình thay vì suốt ngày suy nghĩ xem con cái chúng ta sẽ nở hoa và kết trái ra sao.
Nhà thơ Gibran đã nói: “Con cái của bạn thực ra không phải là con của bạn, chúng là những đứa trẻ được sinh ra từ khát vọng của cuộc sống”. Sau cùng, chúng ta phải học cách buông bỏ một cách tự do và để con cái học cách sống tự lập.
Mong rằng tất cả các bậc cha mẹ đều yêu thương con mình một cách đúng đắn.
Mong rằng tất cả trẻ em đều lớn lên một cách khỏe mạnh và kiên cường.
Nguồn tin: https://cafef.vn/chieu-cao-cua-ban-se-la-ban-dap-cho-chieu-cao-cua-con-ban-tam-nhin-cua-ban-se-la-canh-cua-tuong-lai-cua-con-ban-cha-me-khong-lam-guong-con-dung-mong-uu-tu-188240511140542234.chn