Suborno Bari (sinh năm 2012, tại Mỹ) được mệnh danh là thần đồng. Cậu bé biết nói lúc 6 tháng tuổi. Năm 2 tuổi, cậu bé đã thuộc lòng bảng tuần hoàn các nguyên tố Hóa học và đã đi làm giảng viên thỉnh giảng tại các trường đại học ở Ấn Độ từ năm 7 tuổi. Tháng 9 tới đây, Suborno Bari sẽ theo học Đại học New York (Mỹ) với học bổng toàn phần, cho hai chương trình cử nhân Toán và Vật lý. Trước đó, cậu bé là thí sinh nhỏ tuổi nhất từng tốt nghiệp tại trường trung học Malverne ở Mỹ. Trong suốt quá trình đi học, Suborno Bari đều luôn trong trạng thái học vượt lớp. Năng lực học tập vượt trội của Bari cho phép cậu bé thi vượt lớp với tốc độ “nhảy cóc”, từ lớp 4 lên thẳng lớp 8, từ lớp 9 lên thẳng lớp 12. Cậu bé từng lập kỷ lục thế giới khi đạt 1.500/1.600 điểm SAT ở tuổi 11.
Với chuỗi thành tích nêu trên, Suborno Bari trở thành niềm tự hào của gia đình, đất nước. Vào năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi thư khen ngợi Suborno Bari. Nhiều người tò mò về bí quyết nuôi dạy con của bố mẹ cậu bé này.
Phát hiện tiềm năng của con trẻ để “nuôi dưỡng và phát triển”
Ông Rashidul Bari từng chia sẻ trên CNBC Make It rằng: “Hãy cố gắng khám phá những gì con bạn tiềm năng, những gì chúng thích và yêu thích. Một khi bạn phát hiện ra điều đó, hãy cố gắng đáp ứng nhu cầu của chúng xung quanh những lĩnh vực đó“. Theo đó, ngay từ nhỏ, Suborno Bari đã bộc lộ tài năng thiên bẩm. Cha mẹ là người đầu tiên phát hiện, ủng hộ cậu bé, đồng thời vạch ra định hướng để cậu bé được thỏa sức phát triển.
Ban đầu ông Rashidul Bari và vợ đã phát hiện ra con giỏi toán trước khi lên 2 tuổi. Ông nhớ lại: “Lúc đó vợ tôi đang dạy con. Một ngày, cô ấy dạy cháu một cộng một và thằng bé trả lời ngay ‘Mẹ ơi, một cộng một bằng hai'”, Rashidul kể. “Sau đó mẹ cháu hỏi tiếp, ‘thế một cộng hai bằng mấy?’ Cháu trả lời ‘ba’. Và sau đó cháu sẽ hỏi mẹ, ‘nếu một cộng một bằng hai, mẹ có thể cho con biết, n cộng n bằng mấy không?'”. Cậu bé liên tục đưa ra nhiều câu hỏi về toán học, ông và vợ luôn tìm cách giải đáp, khơi dậy trí tò mò và tinh thần ham học hỏi cho cậu bé.
Thời gian đầu, bà Shaheda (mẹ của Suborno Bari, một giáo viên tiểu học) dạy cậu bé học Toán. Sau đó, nhiệm vụ này được giao lại cho bố. Tuy nhiên, đến lúc cậu bé được 4 tuổi, đã nắm vững nhiều kiến thức toán học, vượt ngoài khả năng giảng dạy của cả bố và mẹ. “Khi thằng bé được 4-5 tuổi, chúng tôi thậm chí đã phải bỏ cuộc. Bởi vì tôi chỉ có thể làm được đến thế thôi”, ông Rashidul Bari, hiện đang giảng dạy vật lý tại Trường Trung học Kỹ thuật Brooklyn và là ứng viên tiến sĩ vật lý tại Đại học Columbia cho biết.
Nhưng không dừng lại, ông đưa con trai đến các lớp đại học và giới thiệu hoàn cảnh của con mình với các giáo sư, mong nhận được lời khuyên và sự hỗ trợ. Những năm sau đó, bố và mẹ Suborno Bari thay phiên nhau đưa con đi – về tại các trường đại học trên thế giới, từ Brooklyn College (Mỹ) đến Đại học Mumbai (Ấn Độ) – nơi Suborno đã làm giảng viên thỉnh giảng về Vật lý khi mới 7 tuổi.
Mục tiêu trong tương lai của Suborno Bari là trở thành tiến sĩ, giáo viên giống như bố mẹ. Cậu bé nói: “Cháu muốn giúp mọi người hiểu về sự thú vị của toán và các bộ môn khoa học tự nhiên nói chung. Mục tiêu của cháu là trở thành giáo sư và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn”. Đồng thời, gia đình vẫn sắp xếp lịch trình phù hợp để cậu có thời gian chơi với những đứa trẻ cùng tuổi và tham gia các lớp học kỹ năng sống, vui chơi,…. Điều này giúp trẻ được phát triển đồng đều về cả thể chất, tinh thần lẫn trí tuệ. Gia đình cho biết cậu còn có năng khiếu hội họa, tranh luận và chơi piano,…
Suborno Bari cũng từng đăng tải bài viết cảm ơn bố mẹ mình – người giúp cậu có được thành công ngày hôm nay: “Con sẽ không thể nào làm được những việc này nếu không có sự nỗ lực đồng hành của cha mẹ. Cha đã luôn thu xếp công việc để đưa đón con đi học. Lịch trình học tập của con đòi hỏi hai cha con liên tục di chuyển giữa trường trung học và các trường đại học. Nhiều khi quãng đường di chuyển trong một ngày lên tới 200km. Con cảm ơn cha mẹ rất nhiều!”.
Hãy là người bạn đồng hành cùng con cái
Trên thực tế, ông Rashidul Bari và vợ luôn tâm niệm cả hai chỉ phát hiện và tạo điều kiện để con trai được phát triển năng khiếu, đam mê của mình. Thế nên, Rashidul Bari đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh là đừng nên bắt ép con. “Hầu hết trẻ em không nhớ bảng tuần hoàn ở độ tuổi còn quá nhỏ. Đó là chuyện bình thường. Điều đó đồng nghĩa với việc phụ huynh không nên ép con phải tiếp cận với chúng khi chưa đủ nhận thức. Hãy lắng nghe chúng và làm mọi thứ có thể để hỗ trợ sở thích của chúng”, cha của Suborno Bari chia sẻ.
Theo Education Endowment Foundation, nghiên cứu cho thấy trẻ em có xu hướng học tập tốt hơn khi bố mẹ tham gia vào việc học của chúng, như đọc sách cho trẻ nghe từ sớm, hoặc tham gia vào các hoạt động ở trường khi chúng lớn hơn.
Nhà tâm lý học trẻ em Tovah Klein chia sẻ rằng việc cha mẹ dành thời gian cho con cái và thể hiện sự quan tâm về sở thích của trẻ sẽ là tín hiệu giúp các em cảm nhận rằng suy nghĩ và cảm xúc của chúng quan trọng. Từ đó, kích thích trẻ thể hiện sự tò mò, đặt câu hỏi và tự do thể hiện sở thích, tài năng của mình.
Thế nên, cha mẹ cũng không cần phải áp lực chuyện bản thân phải có nhiều bằng cấp hay giỏi về bộ môn mà con bạn đam mê. Chỉ cần cha mẹ đồng hành cùng con, thông qua những việc đơn giản như tìm lớp học phù hợp, đưa đón con đi học, nhắc nhở lịch học,…. là được. “Khi con bạn giải một bài toán, và bạn không phải là người giỏi toán? Chúng sẽ rất hứng khởi khi có bạn ngồi cạnh. Chỉ hành động đơn giản này của cha mẹ có thể thay đổi cuộc sống của chúng”, Rashidul Bari chia sẻ.
Nguồn: NBC New York, CNN.
Nguồn tin: https://cafef.vn/ong-bo-bat-mi-bi-quyet-day-con-tu-nho-cau-be-12-tuoi-do-dai-hoc-2-tuoi-thuoc-long-bang-tuan-hoan-cac-nguyen-to-hoa-hoc-188240805220943896.chn