Vào mùa hè, điều khiến không ít người lo lắng chính là làn da bị cháy nắng và đen sạm. Chính vì vậy mà họ che chắn cho làn da mình rất cẩn thận, nhất là các chị em phụ nữ. Thế nhưng, trên thực tế, không phải để bảo vệ da khỏi cháy nắng mới cần phải cẩn thận vì thời tiết nóng cũng là yếu tố kéo theo các bệnh ngoài da khác.
Theo BS CK1 Trần Huyền Trâm – BS chuyên khoa Nội tiết – Da liễu, mùa hè khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, dẫn đến đổ mồ hôi, bít tắc lỗ chân lông, viêm nhiễm trên da… Đây chính là những nguyên nhân gây ra các bệnh ngoài da trong mùa hè. Không chỉ có cháy nắng, vào mùa hè, mọi người cũng cần chú ý đề phòng 6 bệnh ngoài da phổ biến thường gặp sau đây:
6 bệnh về da mùa hè
1. Rôm sảy
Rôm sảy hay còn gọi là phát ban do nhiệt, phát ban mồ hôi hoặc mụn kê. Đây là một loại phát ban da gây ra do tình trạng tắc nghẽn hoặc viêm các ống tuyến mồ hôi dưới da. Biểu hiện lâm sàng của bệnh rôm sảy là những đốm đỏ nhỏ ở những nơi mồ hôi tích tụ, chẳng hạn như nách, lưng, dưới ngực, ngực, bẹn, nếp gấp khuỷu tay và mặt sau đầu gối và thắt lưng.
Tình trạng rôm sảy thường xảy ra khi cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường nên thường gặp trong những tháng mùa hè nắng nóng, đặc biệt là ở những người vận động, chơi thể thao nhiều hoặc trẻ em hiếu động.
2. Mụn trứng cá
Mụn trứng cá là tình trạng viêm da mạn tính. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là những sẩn, mụn mủ, nhân mụn vùng tiết bã. Có 4 cơ chế chính hình thành mụn trứng cá là: Hiện tượng tăng nhờn, hiện tượng viêm, bít tắc lỗ chân lông và tăng sinh vi khuẩn mụn.
Mùa hè nắng nóng làm cho da tăng tiết mồ hôi và bã nhờn nhiều hơn, tạo môi trường cho vi khuẩn mụn P.acne tăng sinh, phát triển, từ đó gây nên tình trạng mụn trứng cá.
3. Viêm nang lông
Viêm nang lông là tình trạng viêm và nhiễm trùng vùng nang lông. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là các sẩn, mụn mủ vùng nang lông. Sang thương do viêm nang lông có thể xuất hiện ở mặt, ngực, lưng, tay, chân và cả vùng da đầu. Bệnh thường gặp vào mùa hè, do vào mùa hè da có xu hướng đổ mồ hôi và tiết nhờn nhiều. Ứ mồ hôi, nhờn và bụi bẩn trên da cùng với môi trường nóng ẩm là điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây nên hiện tượng viêm nang lông.
4. Nấm da
Bệnh nấm da là loại bệnh nhiễm trùng da do nhiễm vi nấm hoặc rối loạn hệ vi nấm trên da. Nấm da thường xuất hiện trên các vùng da ẩm ướt hoặc các vùng tăng tiết mồ hôi nhiều như vùng nách, nếp dưới vú, nếp bẹn, ngực, lưng… Nấm da cũng thường gặp trên những cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc đang sử dụng các thuốc ứng chế hệ miễn dịch.
Vào mùa hè, da thường có xu hướng tăng tiết mồ hôi và tiết nhờn, tạo môi trưởng nóng ẩm. Nếu các vùng da này không được vệ sinh tốt sẽ tạo môi trường cho vi nấm phát triển gây nên bệnh nấm da.
5. Chốc
Đây là một tình trạng nhiễm khuẩn nông thường gặp ở da. Bệnh có đặc trưng là mụn mủ, bọng nước và các vết trợt đóng vảy tiết màu mật ong. Hầu hết trẻ bị chốc đều trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và số bệnh nhi tăng hơn khi vào mùa hè.
6. Bỏng da, tăng sắc tố trên da
Tia UV từ ánh mặt trời có khả năng gây tổn thương da. Vào mùa hè, cường độ tia UV thường cao, nếu không bảo vệ da đầy đủ có thể gây những tổn thương trên da. Trường hợp bỏng da cấp tính có thể do nắng, biểu hiện là những vùng da xuất hiện hồng ban kèm cảm giác châm chích bỏng rát trên da.
Ngoài ra, da còn có thể xuất hiện tình trạng tăng sắc tố như tàn nhang, đồi mồi, nám da xuất hiện nhiều hơn. Tiếp xúc với tia UV lâu ngày còn tăng khả năng lão hóa và ung thư da về sau.
Phòng ngừa các bệnh về da trong mùa hè
Để phòng ngừa những tổn thương da vào mùa hè thời tiết nắng nóng, BS Huyền Trâm khuyến cáo mọi người cần phải làm những việc sau:
– Tránh nắng tốt, bảo vệ da khi đi ngoài nắng. Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trực tiếp trong khoảng thời gian từ 10h sáng đến 16h chiều vì tia UV trong ánh nắng có thể làm tổn thương da. Có thể sử dụng kem chống nắng và các vật dụng che chắn cho da.
– Làm sạch da, loại bỏ lượng dầu thừa và mồ hôi trên da để phản ứng viêm trên da.
– Giữ gìn vệ sinh cá nhân, tránh để mồ hôi, bụi bẩn ứ trên da lâu. Làm mát da sau khi ra ngoài nắng.
– Mặc quần áo bằng chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt như cotton.
– Chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung thêm các thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa để tăng khả năng bảo vệ của da.
– Uống đủ nước.
– Không cào gãi, chà xát, cậy nặn da… Điều này có thể gây tổn thương da, làm vi khuẩn dễ xâm nhập.
– Khi có dấu hiệu mắc các bệnh da liễu, hãy đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.