Chuyện cô bé nấu cho mẹ bữa cơm lại bị mắng
Gần đây, mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện một đoạn video khiến nhiều người phẫn nộ: “Con gái 14 tuổi bị mẹ mắng vì làm bữa trưa thịnh soạn”. Người đăng tải là một bà mẹ ở Giang Tây (Trung Quốc).
Trong video, cô bé 14 tuổi dậy sớm học bài. Sau khi làm xong bài tập về nhà, em quyết định tự tay nấu một bữa cho mẹ.
11 giờ trưa, cô bé đã chuẩn bị xong một bàn ăn thịnh soạn. Canh sườn với ngô, xúc xích xào ớt xanh, trứng xào cà chua, cải thìa xào, còn có hai món nguội khác và đĩa trái cây.
Tưởng mình sẽ nhận được lời khen từ mẹ nhưng không ngờ lại là lời trách mắng: “Mẹ phải khen con sao? Nhiều món như vậy thì làm sao ăn hết? Nói cho mẹ biết mau!”.
Nghe thấy lời này, bé gái chỉ biết im lặng, mặt buồn thiu đầy thất vọng. Nhưng người mẹ hoàn toàn không để ý đến cảm xúc của con mà đăng đoạn video lên mạng với lời phàn nàn: “Mới 11 giờ trưa mà con gái đã chuẩn bị nhiều món ăn như vậy, lại sắp lãng phí rồi”.
Ý định ban đầu của người mẹ này là chia sẻ cuộc sống bình thường nhưng không ngờ video lại “gây bão”trên mạng xã hội. Vô số cư dân mạng bày tỏ sự bất bình, cho rằng cách dạy con của cô có vấn đề, không tôn trọng hay yêu thương con mình.
Bà mẹ tỏ ra không phục sau khi đọc những bình luận của cư dân mạng. Ngày hôm sau, cô gọi con gái đến và quay lại đoạn video.
Cô hỏi con: “Trên mạng có rất nhiều người mắng mẹ, nói mẹ không xứng làm mẹ. Con có cho rằng mẹ không xứng làm mẹ con không? Mẹ nghỉ việc để chăm sóc con và em gái, mẹ có phải là người mẹ tốt không?”.
Giọng điệu của cô tuy bình tĩnh nhưng thái độ lại vô cùng cứng rắn.
Bé gái mỉm cười và nói: “Mẹ rất tốt”.
Nhưng cô lại hỏi tiếp: “Mẹ có xứng làm mẹ con không?”.
Nụ cười trên mặt bé gái không còn nữa, em thì thầm: “Đó không phải con nói là được”. Nói rồi em bỏ đi.
Nỗi buồn của con gái gần như đã viết rõ trên mặt nhưng người mẹ vẫn không cảm nhận được, thậm chí cô còn dùng câu trả lời của con gái làm bằng chứng để bào chữa và đăng lại lên mạng.
Không ngạc nhiên khi cô lại một lần nữa bị cư dân mạng chế giễu. Sau khi xem phần bình luận, bà mẹ này càng tức giận hơn và cảm thấy không phải ai cũng hiểu mình.
Trên thực tế, sau khi chụp ảnh bàn ăn do con gái chuẩn bị, cô còn nói cụ thể rằng con gái chuẩn bị sẵn vào lúc 11 giờ. Từ góc độ này có thể thấy ngoài việc trách móc con gái mình lãng phí, cô cũng có ý khoe khoang.
Con gái hiểu chuyện, rõ ràng là rất tự hào, nhưng tại sao khi nói ra lại trở thành câu chuyện hoàn toàn khác?
Có lẽ trong một vài quan niệm nào đó, “đánh là yêu, mắng là yêu” đã khắc sâu trong tư tưởng của nhiều người. Đồng thời, nhiều ông bố bà mẹ phương Đông cũng không quen với việc “khen ngợi con”, “nói lời yêu thương con”.
Như mọi người đều biết, việc chèn ép trẻ một cách mù quáng không những không khiến trẻ tốt hơn mà còn làm tổn thương lòng tự trọng và khiến chúng mặc cảm tự ti. Đây là kiểu giáo dục “đàn áp” phổ biến ở các nước phương Đông.
Điều đáng sợ hơn cả sự “đàn áp”
Cách đây một thời gian, một đoạn video “bánh bao hấp chấm canh” đã trở nên rất phổ biến trên Internet.
Chuyện là cô con gái vui mừng sau khi nhận tháng lương đầu tiên nên quyết định dẫn cả nhà đi ăn cá nướng. Kết quả là, giữa bữa ăn, bố mẹ lại đi mua bánh bao hấp ăn cùng với canh cá. Họ làm điều này chỉ để con gái có thể ăn thêm nhiều cá nướng hơn.
Cô gái nhìn thấy cảnh này thì tự trách mình không đủ năng lực, ra ngoài ăn còn để bố mẹ tự chuẩn bị bánh bao.
Không ai nghĩ rằng một đoạn video bình thường về “bánh bao hấp chấm canh” lại thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Bình luận được nhiều lượt thích nhất là: “Có thể cảm nhận sự ngột ngạt qua màn hình”.
Điều đáng sợ hơn cả giáo dục “đàn áp” là giáo dục “mang nợ”. Trong cuộc sống thực, tin rằng hầu hết mọi người đều từng trải qua tình trạng giáo dục “mang nợ” này:
“Mẹ không nỡ ăn, để lại cho con, lớn lên đừng quên”.
“Bán hết đồ đạc trong nhà cho con đi học. Nếu không chăm chỉ học hành, liệu con có xứng đáng với bố mẹ không?”.
Bản chất của cảm giác tội lỗi là sự thống trị về mặt cảm xúc.
Một khi cha mẹ phát triển ý thức về sự hy sinh này, trong tiềm thức họ sẽ tin rằng con cái nợ họ điều gì đó, và cố gắng sử dụng sự hy sinh như một con bài thương lượng để đổi lấy cảm giác tội lỗi và sự vâng lời của con cái.
Những đứa trẻ sống với mặc cảm tội lỗi không dám trái lời cha mẹ dù không muốn, nếu không sẽ cảm thấy mình đã làm cha mẹ thất vọng. Kết quả là, họ che giấu con người thật nhất của mình, đặt cha mẹ lên hàng đầu trong mọi việc và phấn đấu trở thành “con ngoan” trong mắt cha mẹ.
“Ông hoàng kinh doanh” Nhật Bản, Inamori Kazuo từng nói:
“Đối với cha mẹ, con cái giống như những chủ nợ từ kiếp trước.
Nếu con cái không đủ năng lực, cha mẹ sẽ cố gắng làm một chiếc thuyền nhỏ đưa con đi xa nhất có thể trước khi nhắm mắt.
Nếu con cái có đủ khả năng, chúng sẽ là những con tàu du lịch cưỡi gió và sóng. Cha mẹ lại muốn làm phao cứu sinh trên tàu du lịch, nếu có chuyện gì xảy ra vẫn có thể đưa con vào bờ.
Cha mẹ bình thường mà vĩ đại như thế đó”.
Giáo dục có trình độ là nhìn vấn đề từ góc độ của trẻ, khẳng định và khuyến khích quan điểm của trẻ, sau đó giúp trẻ phân tích một số hậu quả có thể xảy ra theo quan điểm của người lớn.
Chỉ bằng cách cho đi tình yêu, bạn mới có thể tạo ra tình yêu.
Nguồn: Zhihu