Bài viết của tác giả họ Vương, 66 tuổi trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)
Trước khi nghỉ hưu, tôi và đồng nghiệp rất thoải mái thảo luận về việc ăn gì vào buổi tối, cuối tuần đi đâu và làm gì khi không cần đi làm nữa. Thế nhưng một thời gian sau, tôi phát hiện ra rằng những kỳ vọng đẹp đẽ của hầu hết mọi người đều tan vỡ, thay vào đó là cuộc sống tẻ nhạt, mệt mỏi hơn cả khi làm việc.
Hầu hết những phiền muộn tuổi già đều liên quan đến con cái, lương hưu. Các con vẫn cần sự hỗ trợ của cha mẹ để chăm lo các cháu, thậm chí trả nợ thế chấp. Tôi cũng giống như hầu hết các bậc cha mẹ, khi con lớn thì trong mắt tôi chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ cần được quan tâm.
Thế nhưng những câu chuyện xung quanh khiến tôi có góc nhìn khác về việc sống ra sao khi về già. Đầu tiên là một người dì hàng xóm 80 tuổi. Người phụ nữ này từng giúp 3 con trai chăm sóc, nuôi nấng 5 người cháu, gần như dành cả cuộc đời chăm lo gia đình. Thế nhưng sau một trận ốm nặng khiến dì đi lại khó khăn, cả con cái lẫn cháu nội đều bận rộn với sự nghiệp bên ngoài, ít ai đến chăm sóc. Dì nói với tôi rằng rất hối hận khi không sống một cuộc sống hưu trí tự do và nghĩ cho bản thân mình hơn.
Anh họ tôi có duy nhất một người con trai nên rất yêu thương con, không cho động tay vào làm việc gì. Con lớn anh cũng mua nhà, cho tiền và bán nhà để lên thành phố chăm sóc cháu trai. Kết quả là con trai ngày càng trở nên phụ thuộc, ỷ lại vào sự hỗ trợ của bố. Chỉ một lần anh tôi không chuyển tiền lương hưu cho con, kết quả liền bị chính con mình quát tháo, trách móc không ngừng.
Từ những thực té này, tôi nhận ra về già việc hỗ trợ con cái là cần thiết nhưng chỉ nên dừng lại ở mức vừa đủ. Việc này vừa giúp các con tự lập, vừa để bản thân có thời gian nghỉ ngơi, làm những điều bản thân không phải hối tiếc. Vậy nên khi bước qua tuổi 65, tôi đã từ chối 3 yêu cầu của con cái để có cuộc sống thoải mái và hạnh phúc hơn.
1. Chăm sóc các cháu trong thời gian dài
Từ lúc về hưu năm 55 tuổi, tôi qua lại nhà con gái và con trai thường xuyên để giúp vợ chồng các con chăm cháu. Cháu ngoại vừa 5 tuổi, học mẫu giáo là lúc cháu nội chào đời nên tôi gần như “luôn chân luôn tay”, tận tâm vì các cháu.
Nhưng khi cháu nội chuẩn bị vào Tiểu học, tôi nói rõ với con trai và con dâu rằng cháu đã cứng cáp, đã đến lúc tôi thực sự nghỉ ngơi. Việc hỗ trợ của người lớn tuổi giúp vợ chồng trẻ không bị bỡ ngỡ khi mới lần đầu có con nhưng lúc nào cũng xuất hiện bên cạnh không phải điều tốt. Suy cho cùng, cha mẹ mới là người chịu trách nhiệm chính đối với tương lai của con cái và sự giáo dục trực tiếp của cha mẹ sẽ giúp trẻ tốt hơn về mọi mặt.
2. Bán nhà ở với con trai
Sau khi tôi trở về quê, con trai lại có ý định đón tôi về nhà ở với lý do sợ mẹ cô đơn, muốn phụng dưỡng tôi lúc về già. Con trai khuyên tôi nên bán nhà hiện tại để cùng vợ chồng con mua căn nhà lớn hơn, gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống thoải mái.
Đối với yêu cầu này của con trai, tôi trực tiếp từ chối luôn. Không phải vì tôi không muốn gần gũi con cháu mà là do tôi biết giữa người trẻ và người lớn tuổi luôn tồn tại khoảng cách thế hệ, có nhiều điểm khác biệt trong thói quen sinh hoạt. Như vậy ở bên nhau lâu ngày sớm muộn cũng nảy sinh mâu thuẫn.
Theo quan điểm của tôi, dù con cái hiếu thuận tới đâu, người già nên có một căn nhà cho riêng mình. Bán nhà đi, nếu một ngày tôi cảm thấy không hạnh phúc khi sống với con cái, tôi sẽ không còn nơi nào để về. Việc này giống như “chừa cho mình đường lui”, giảm bớt nỗi lo khi bất cứ rủi ro nào xảy ra.
3. Cho con nhiều tiền quá mức
Tôi luôn chiều chuộng các con từ khi chúng còn nhỏ, chỉ cần con muốn là tôi sẵn sàng đáp ứng. Khi lớn lên con không có tiền sinh hoạt, tôi vẫn thường cho chúng tiền. Trong 10 năm sau khi nghỉ hưu, số tiền tôi hỗ trợ con cái đã lên tới 300.000 NDT (hơn 900 triệu đồng). Số tiền này bao gồm cả tiền của chồng tôi trước khi qua đời và tiền tiết kiệm nửa đời người của tôi.
Thế nhưng ở tuổi 65, sau khi về quê sống riêng, tôi cắt đứt hoàn toàn sự giúp đỡ tài chính với các con. Tôi vẫn còn 200.000 NDT (hơn 600 triệu đồng) trong tay và tự nhủ dù các con xin tôi cũng không “rút ví” thêm lần nào nữa. Điều này khiến các con giận dỗi tôi một thời gian nhưng tôi biết mình có lý do chính đáng để làm như vậy.
Thứ nhất tôi đã 65 tuổi, muốn tiết kiệm để dùng tiền trong những lúc cần thiết như ốm đau bệnh tật. Thứ hai là các con tôi đã U40, không còn trẻ nữa mà thiếu tiền lại cầu cứu mẹ như trẻ con. Tôi cần để chúng ngừng dựa dẫm vào mẹ và tự mình vun vén cuộc sống của bản thân. Nếu không tương lai khi tôi không còn nữa, các con sẽ sống khó khăn gấp nhiều lần.
Theo Toutiao