Bà Giang thảnh thơi trong những năm tháng cuối đời vì không còn phải phục vụ ai, cũng chẳng phải sống vì ai. Sau khi chồng qua đời, bà đã biết sống cho bản thân!
Câu chuyện thực tế của bà Giang đăng trên Toutiao (MXH của Trung Quốc) đang nhận được sự quan tâm của mọi người.
Tôi tên là Giang, 71 tuổi, sinh sống ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Tôi là mẫu người phụ nữ truyền thống, cả cuộc đời chịu nhiều vất vả.
Năm 23 tuổi, tôi lấy chồng, chồng hơn tôi 6 tuổi, nhà chồng ở xa nhà bố mẹ đẻ. Chồng tôi là người gia trưởng, gia đình chồng bắt tôi sinh liền 3 đứa con sau 5 năm kết hôn. May mắn cuối cùng tôi cũng sinh được 1 bé trai theo mong muốn của gia đình chồng.
Tôi nghĩ sinh được con trai sẽ giúp tôi được bố mẹ chồng đối đãi tốt hơn, có vị thế hơn trong nhà. Nhưng không, sau khi con cai sữa lúc 7 tháng, gia đình chồng bắt tôi làm việc đồng áng đến tối mịt, về nhà lại lụi cụi nấu cơm, dọn dẹp. Chồng tôi nghiện rượu nặng, suốt ngày say xỉn, dễ nổi nóng với vợ con.
Chuỗi ngày đó quả thực rất kinh khủng. Đến năm thứ 6 của cuộc hôn nhân, tôi thậm chí còn nghĩ đến việc trốn thoát khỏi ngôi nhà đó. Nhưng nhìn 3 đứa con khiến tôi không đành lòng, phải nghiến răng chịu đựng. Rồi cũng tới lúc con cái khôn lớn, lập gia đình, ra ngoài làm việc, còn bố mẹ chồng qua đời do tuổi già. Đến lúc này, tôi bắt đầu có chút tự do trong cuộc sống.
2 con gái của tôi đi lấy chồng, tôi sống cùng con trai. Mỗi tháng, ngoài chi phí sinh hoạt 2800 NDT (khoảng 9,4 triệu đồng), tôi còn phải đưa thêm 2000 NDT (khoảng 7,7 triệu đồng) cho vợ chồng con trai. Đến khi cháu cứng cáp hơn, tôi về nhà sống cùng chồng. Lúc này, tôi lại phải phục vụ chồng bởi chồng mắc nhiều bệnh như tiểu đường, huyết áp cao,… Cuộc sống hưu trí của tôi thật tẻ nhạt, mệt mỏi.
Gần 10 năm sau nghỉ hưu, tôi chẳng có thời gian dành cho bản thân như khiêu vũ, đi du lịch hay hạnh phúc bên chồng con,… Với gia đình, tôi thấy mình đang hy sinh thầm lặng. Tôi làm việc vất vả nhưng chồng con chẳng để ý. Chồng tôi dù đau ốm nhưng tính khí nóng nảy, thường xuyên quát mắng, thậm chí “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Các con cũng không quan tâm đến điều này, chỉ biết xin tiền tôi khi cần, khiến tôi đau lòng và thất vọng.
3 năm trước, chồng tôi qua đời vì bệnh tiểu đường nặng, tôi mới tỉnh ngộ. Để theo đuổi hạnh phúc ngắn ngủi cuối đời, tôi đã “chia tay” với 4 việc, nhiều người nói tôi nhẫn tâm nhưng tôi mặc kệ.
1. Không trợ cấp cho con trai
Sau khi chồng mất, tôi lủi thủi sống một mình, cả 3 đứa con đều không muốn đón tôi về sống cùng. 2 con gái không đón tôi là điều có thể thông cảm, nhưng con trai cũng không khiến tôi thất vọng, trong khi tôi vẫn chu cấp hàng tháng cho con. Tôi thấy con sống ích kỷ, chỉ biết đòi hỏi, thiếu sự quan tâm tới mẹ.
Nếu các con không thể đón tôi tới sống cùng thì cũng nên thường xuyên liên lạc hỏi thăm mẹ. Nhưng các con cũng không, chỉ về nhà vào dịp Tết. Đặc biệt là con trai, sau khi có gia đình nhỏ đã quên đi người mẹ đáng thương này.
Chính vì vậy, tôi quyết định cắt trợ cấp cho con trai. Tôi sẽ không đặt nhiều hy vọng vào con trai, tự sống hạnh phúc bằng khoản hưu trí của mình.
2. Không cho các cháu về chơi trong dịp nghỉ lễ dài ngày
Sau khi sống một mình, tâm lý tôi đã thay đổi. Trước đây, trong dịp nghỉ lễ, tôi thích con cháu về chơi. Nhưng sau khi chồng qua đời, tôi lại muốn ở yên tĩnh, không thích náo nhiệt. Việc con cháu về nhà ăn uống, trò chuyện, đánh cờ ầm ĩ khiến tôi mệt mỏi.
Không phải tôi vô tâm mà khi con cháu về, tôi rất vất vả trong việc nấu nướng, dọn dẹp. Các con không phụ giúp, đùn đẩy trách nhiệm cho tôi. Hàng ngày, tôi dậy lúc 5 giờ sáng để đi chợ nấu nướng, tối phải dọn dẹp nhà cửa, hơn 10 giờ đêm mới được lên giường. Chính vì thế, tôi trở nên ghét những dịp lễ Tết.
Tôi từ chối khi con cháu ngỏ ý muốn về nhà những dịp lễ Tết. Dù mỗi dịp đó, tôi cũng ghen tỵ khi thấy gia đình người khác sum vầy hạnh phúc, chuyện trò vui vẻ. Nhưng tôi không thay đổi quyết định. Cảm giác sống cô đơn vẫn tốt hơn là để con cháu trở về, gây ồn ào.
3. Huỷ kết giao với người thân, bạn bè tồi
Từ khi chồng lâm bệnh rồi qua đời, cuối cùng tôi cũng đã nhìn thấu bộ mặt thật của nhiều người thân, bạn bè xung quanh. Ngày xưa, khi điều kiện gia đình tốt, không bệnh tật, không tai hoạ, họ thường tới nhà chúng tôi chơi và nhờ vả.
Nhưng khi chồng tôi đổ bệnh, tốn nhiều tiền chữa trị, số họ hàng và bạn bè tới thăm không nhiều. Họ còn thẳng thừng từ chối khi tôi ngỏ lời vay tiền đóng viện phí.
Vì thế sau khi chồng mất, tôi huỷ kết giao với những người thân, bạn bè tồi, kể cả đó là mối quan hệ với nhà chồng.
4. Bán căn nhà cũ và vào viện dưỡng lão
Sau khi chồng qua đời, tôi sống trong căn nhà 2 vợ chồng vất vả mua được. Dù ốm đau, tôi cũng chỉ có một mình, chẳng thể dựa vào ai. Trước đây, tôi từng nghĩ sẽ trông cậy con trai nhưng con chỉ xin tiền hưu, mà chẳng đoái hoài đến tôi. Với một người con như vậy, tôi có nên dựa vào lúc tuổi già sức yếu?
Vì vậy vào năm ngoái, tôi bán căn nhà được giá 700.000 NDT, cùng số tiền tiết kiệm trước kia, tôi có tổng cộng 800.000 NDT. Sau đó, tôi quyết định vào viện dưỡng lão. Với số tiền này cùng lương hưu, tôi sẽ có cuộc sống thoải mái, chẳng phải trông cậy vào ai.
Làm 4 điều trên, nhiều người chê trách nhưng tôi mặc kệ. Họ không trong hoàn cảnh của tôi làm sao có thể thấu hiểu. Bây giờ, tôi sống rất hạnh phúc trong viện dưỡng lão, hàng ngày ăn uống, chơi mạt chược, ca hát, tán gẫu cùng nhóm bạn lớn tuổi. Tôi không còn phải phục vụ ai, cũng chẳng phải sống vì ai nữa.
(Theo Toutiao)