Tương tự tình yêu, tình bạn cũng sẽ có lúc phai nhạt và mọi người chủ động rời bỏ mối quan hệ này.
Trong một tình bạn, nếu cảm thấy không còn phù hợp nữa, một người sẽ chủ động xa lánh người còn lại. Theo tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Miriam Kirmayer (Canada) người bạn rút lui trong im lặng thường khó phân biệt với người đang trải qua thời gian khó khăn. Các dấu hiệu có thể khác nhau nhưng tựu chung đều cho thấy sự thay đổi đáng kể.
Chuyên gia cho rằng, việc một tình bạn trải qua thăng trầm là điều tự nhiên khi cả hai gặp phải những thay đổi lớn trong cuộc sống, chẳng hạn có những mối quan hệ mới hay chuyển ra nước ngoài sinh sống. Song, nếu nhận thấy một số thay đổi bất thường trong cách tương tác, chúng có thể là dấu hiệu họ đang lặng lẽ rút lui.
Họ hiếm khi chủ động liên lạc
Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất là người bạn đó “không liên lạc thường xuyên, không phải người chủ động nhấc máy và gọi cho bạn, hay khởi xướng kế hoạch nữa”. Đây cũng là lúc bạn nên để ý tới đặc trưng của họ.
Một số người không giỏi kết bạn nên họ không nhất thiết là người chủ động kết nối, lên kế hoạch. Ngược lại, nếu bạn của bạn không còn gửi ảnh hài hước hay hỏi thăm bạn như trước, đó có thể là dấu hiệu họ có ý định rời bỏ.
Họ không chia sẻ nhiều như trước
Theo Kirmayer, âm thầm rút lui đồng nghĩa với việc họ không đầu tư vào cảm xúc của tình bạn nữa. Họ có thể trả lời tin nhắn nhưng chỉ bằng một từ hoặc cụt lủn, hoặc chỉ nghe điện thoại một cách hờ hững, hoặc thông báo vắn tắt thay đổi lớn trong cuộc sống mà không đi vào chi tiết, ngay cả khi bạn tiếp tục đặt câu hỏi.
Tất nhiên, có những người không cởi mở tự nhiên như người khác, nhưng nếu bạn từng biết hết tên bạn bè của họ mà giờ đây lại không biết họ đi chơi với ai, đó là một điều đáng chú ý.
Họ ngừng hỏi những câu hỏi sâu hơn
Khi không còn hứng thú với cuộc sống của bạn nữa, họ sẽ hỏi ít hơn. Cuộc trò chuyện trở nên tẻ nhạt, nông cạn và không còn nhiều khơi gợi. Lắng nghe và chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt trong câu chuyện của bạn bè là điều cần thiết để tình bạn phát triển. Nếu một người từng nói chuyện thâu đêm suốt sáng với bạn bây giờ lại hiếm khi hỏi han về bạn, tình bạn ấy chắc chắn không còn như xưa.
Họ không đi chơi riêng với bạn
Nếu hai bạn chơi trong một nhóm lớn hơn, họ sẽ chỉ gặp gỡ bạn khi nhóm chung tụ tập. Họ không còn muốn đi chơi riêng với bạn nữa mà thường gạt đi khi bạn đề nghị hoặc thường hủy cuộc hẹn.
Họ lờ bạn
Đôi khi, một người bạn đẩy bạn ra xa chỉ vì họ đang gặp rắc rối với nhiều thứ, hoặc trầm cảm, kiệt sức, trải qua đau khổ. Trong những trường hợp đó, điều quan trọng là bạn nên trò chuyện cởi mở, trung thực và hỏi trực tiếp bạn mình có ổn không.
Nếu quan hệ bạn bè vẫn bình thường, họ sẽ đưa ra câu trả lời rõ ràng, nói về vấn đề mà bạn không biết họ đang gặp phải. Ngược lại, họ sẽ giữ khoảng cách dù bạn hỏi bao nhiêu lần đi chăng nữa.
Bạn bối rối về tình bạn của mình
Nếu một người bạn chủ động rút lui, bạn có thể cảm thấy không chắc chắn về trạng thái quan hệ này. Bạn vẫn xem họ là bạn thân nhưng lo ngại họ chỉ xem bạn như người quen bình thường.
“Khi không có sự cân xứng trong kỳ vọng hoặc đầu tư vào tình bạn, việc từ bỏ trong im lặng khá đau đớn”, tiến sĩ Kirmayer nói.
Bà cũng lưu ý rằng, đôi khi bạn bè không có ý như thế nhưng họ sẽ thay đổi mức độ ưu tiên. “Khi trưởng thành, chúng ta có thể cảm thấy bị giằng xé giữa các mối quan hệ và trách nhiệm khác nhau trong cuộc sống”, bà nói.
Bà khuyên nên chia sẻ với người bạn đó về cảm giác của bạn. Tình bạn có thể chấm dứt đơn phương, hoặc do người bạn đó cảm thấy ghen tị với bạn và muốn lùi lại một bước. Dù không thể ngăn cản tình bạn biến mất, ít nhất bạn cũng đã không ngần ngại tìm kiếm lý do.
Huy Phương (Theo Insider)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/6-dau-hieu-tinh-ban-dang-bien-mat-4722341.html