Những giá trị dược lý tốt của trà đối với sức khỏe đã được chứng minh bằng y học hiện đại. Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trà có tác dụng giúp cho đầu óc minh mẫn, tốt cho người già và cả người trẻ. Caffeine dưới dạng hợp chất tanat giúp cho tinh thần sảng khoái, tăng hoạt động của tim, giảm mệt nhọc. Khác với caffeine tự do của cà phê thì caffeine tanat của trà không cản trở hấp thu canxi vào cơ thể.
Dùng trà giúp giảm lượng cholesterol xấu, tăng độ đàn hồi của cơ tim, chống xơ cứng mạch máu, tăng độ bền thành mạch, giảm các bệnh tim mạch, phòng chống đột quỵ.
“Các nghiên cứu cho thấy chất gallotanin trong trà xanh có tác dụng ngăn chặn quá trình tự hoại của tế bào não và những tổn thương ở não sau khi đột quỵ. Những người uống trà xanh hàng ngày sẽ giảm được các tác hại do đột quỵ và tránh tử vong.
Các chất polyphenol của trà tiêu diệt các gốc tự do (mạnh gấp trăm lần vitamin C, vitamin E) – nguyên nhân làm tổn hại các DNA; EGCG (Epigallocatechin gallate) ức chế sự tăng trưởng khối u và sự di căn các tế bào ung thư trong cơ thể“, bác sĩ Tấn Vũ nói.
Uống nước trà xanh giúp bảo vệ các vi khuẩn có ích ở ruột như acidophylus chống rối loạn tiêu hóa; ngăn cản sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh kiết lỵ, thương hàn.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu trên chuột và thấy việc uống trà giúp sáng mắt. Sau khi cho chuột uống trà xanh, tiến hành phân tích các mô mắt, phát hiện thấy có các Catechin (tác dụng của các chất này kéo dài 20 giờ). Võng mạc là nơi hấp thu Galocatechin cao nhất.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ cho hay, uống trà có tác dụng lớn trong việc giảm đau do viêm khớp do EGCG ngăn ngừa phá hủy sụn, giảm sưng. Uống trà thường xuyên còn giúp hạn chế sự phát triển bệnh đái tháo đường và các biến chứng nguy hiểm của bệnh về đường huyết.
Catechin của trà có tác dụng tăng chuyển hóa chất béo, giảm cân rất an toàn nếu kết hợp uống trà với tập luyện.
Ngoài ra, trà còn có tác dụng chống độc và giải độc cho cơ thể: các hợp chất tanin sẽ trung hòa các chất độc nguồn gốc alcaloid như: thuốc phiện, mã tiền…; trung hòa lượng sắt dư thừa trong cơ thể. Các hợp chất theobromin, theophylline và muối kali là chất lợi tiểu mạnh, giúp cơ thể thải độc.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ cho biết, trà dù rất tốt cho sức khoẻ nhưng vẫn có chống chỉ định khi dùng.
– Không nên uống nước trà lúc bụng rỗng vì dễ bị say, nhất là trà tươi.
– Không dùng trà đặc với lượng trên 10g trà khô/lần/người. Nếu dùng trà với lượng này sẽ làm giảm hấp thu sắt và axit folic có trong thức ăn, gây bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
– Không uống trà ngay sau uống thuốc sắt và một số dược chất khác. Khi uống nước trà bình thường cũng phải cách xa giờ uống thuốc có sắt; có alcaloid (như: mã tiền, cà độc dược…), có Aspirin, Ibuprofen, Warfarin, Paracetamol, Phenylpropanolamin, Ephedrin, Phenytoin, Methotrexat, axit Folic (vitamin B9), Nadolol.
– Không cho người bệnh cần phẫu thuật uống nước trà trước và sau khi mổ 1 ngày, để phòng chảy máu do khó đông máu.
Bác sĩ Tấn Vũ lưu ý, trà làm tăng chuyển hóa vitamin B1 thành thiamine pyrophosphate gây thiếu thiamin. Người uống nhiều trà hàng ngày hoặc dùng viên nhộng chứa chiết xuất trà xanh, cần bổ sung mỗi ngày 10mg vitamin B1 vào lúc trước khi ngủ tối.
Trà là loại nước uống tao nhã giúp tinh thần phấn khởi, nâng cao sức khoẻ. Uống trà đúng cách sẽ giúp bạn có một sức khỏe tốt phòng ngừa bệnh hiệu quả.