Mỗi gia đình có một phương pháp và quan điểm giáo dục khác nhau, nhưng hầu hết các bậc cha mẹ đều thừa nhận họ đã học được rất nhiều điều từ khi có con. Bố mẹ nào cũng mong cho con mình những điều tốt đẹp nhất, mỗi đứa trẻ lại là một cá thể riêng biệt. Để đưa ra được phương pháp đúng đắn và hiệu quả cần thời gian quan sát, thấu hiểu tính cách của các em bé.
Dù bạn là ai, giàu hay nghèo thì việc chăm sóc và nuôi dạy con cái cũng đem lại những bài học ý nghĩa. Học cách làm cha làm mẹ, học cách xây dựng hạnh phúc gia đình và học cách cùng con phát triển mỗi ngày là điều nên làm. Theo TS. Phillips từng chia sẻ trung bình những người lần đầu làm cha mẹ mất ít nhất 3 giờ mỗi tuần để học cách “làm cha mẹ”.
Nó không gói gọn chỉ là học từ sách vở mà bằng nhiều cách như từ người thân, bạn bè… thậm chí là học được những bài học mới từ chính con của bạn. Vậy những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng cha mẹ cần phải rèn giũa mỗi ngày để nuôi dạy những đứa con hạnh phúc là gì?
1. Học cách suy nghĩ và dùng ngôn ngữ tích cực với con
Điều này tưởng dễ nhưng lại không hề dễ dàng. Nó cần quá trình tôi luyện bản thân, thậm chí phải trải qua nhiều sai lầm. Khi con còn bé, cha mẹ nào cũng nâng niu, chiều chuộng bé, nhưng khi chúng lớn hơn, tới tuổi đi học, dậy thì… thì dường như những trận đòn roi, quát mắng lại tăng lên theo cấp số nhân.
Nhiều cha mẹ chia sẻ lúc đó do quá nóng giận nên họ đã đánh đập con, tuy nhiên sau khi bình tĩnh lại cảm thấy có lỗi. Và việc yêu thương, suy nghĩ cùng hành động, ngôn ngữ tích cực dành cho con quả thực không dễ dàng. Bao nhiêu lần trong ngày bạn đã mắng con khi bé làm chưa đúng, bao nhiêu lần bạn nói “không” với con của mình trong 1 ngày?
Thực tế, khoa học chứng minh việc làm vậy không mang ý nghĩa giáo dục, thậm chí làm hành vi trẻ khó dạy bảo hơn. Ngược lại, học cách nói tích cực và giáo dục tích cực sẽ mang hiệu quả giáo dục cao. Khi bạn dạy trẻ, cũng hãy giữ 1 thái độ tích cực. Nhớ rằng: tích cực không phải là dễ dãi với trẻ khi trẻ làm lỗi mà là đưa ra các quyết định /lời nói có lí trí và hợp lý, hơn là để cảm xúc dẫn dắt như tức giận, la mắng.
2. Học cách dành thời gian chất lượng cho con
Dành thời gian cho trẻ khác với việc ngồi cạnh con nhưng mắt hướng về tivi, tay bấm điện thoại hay làm việc. Có bao giờ bạn đồng ý chơi cùng con nhưng không chú tâm, thậm chí còn lơ là những điều trẻ nói. Trong khi con rất mong muốn được chơi cùng bố mẹ thì phụ huynh đôi lúc lại làm tổn thương tâm hồn trẻ.
Hãy dành it nhất 10 phút tích cực mỗi ngày với trẻ, dù bạn bận thế nào. 10 phút tích cực là thời gian bạn đi dạo, đọc sách, bày trò chơi… cùng trẻ. Những ngày cuối tuần nếu có thời gian rảnh rỗi, bố mẹ có thể đưa con đi công viên, cùng nhau vào bếp, có các hoạt động vui vẻ bên gia đình. Miễn có tương tác 2 chiều giữa bố mẹ và trẻ là đã rất tốt rồi.
3. Học cách nói “không” với trẻ
Điều này có nghĩa là cha mẹ không nên quá nuông chiều, bảo bọc, không cho trẻ được tự lập và lớn lên. Yêu con không có nghĩa là làm mọi việc thay bé mà phải tìm ra phương pháp giáo dục con thích hợp. Kỷ luật khi cần và yêu thương đúng lúc.
Bạn cần cho trẻ hiểu về giới hạn. Tại sao nó quan trọng? Trẻ không có khái niệm giới hạn trừ khi học cách hiểu nó từ sớm. Mỗi độ tuổi trẻ sẽ hiểu giới hạn khác nhau. như,
Theo chuyên gia Anh Nguyễn, tác giả cuốn “Làm mẹ không áp lực” thì: Trẻ dưới 2 tuổi hiểu giới hạn qua thái độ 1 là 1, 2 là 2, cho là cho, không là không của cha mẹ. Nếu người cha người mẹ không rõ ràng, kiểu gì cũng chiều, cũng hứa, cũng ừ thì đứa trẻ sẽ rất khó hiểu giới hạn. Mới đầu ai cũng khó chịu khi biết có giới hạn, đứa trẻ cũng vậy. Tuy nhiên, khi trẻ đã hiểu thì trẻ sẽ làm tốt nó.
Trẻ từ 2-6 tuổi: hiểu giới hạn thông qua luật và nguyên tắc. Độ tuổi này trẻ bắt đầu có thái độ độc lập. Việc từ chối khăng khăng của cha mẹ sẽ gặp phản ứng mạnh của trẻ. Để tránh điều này thì cha mẹ nên bắt đầu áp dụng luật và nguyên tắc, cho trẻ hiểu rõ nó trước khi áp dụng. Ví dụ, luật ăn cơm, luật đi ra ngoài chơi… còn nguyên tắc như nguyên tắc nói chuyện, không khóc, không lè nhè…
Các luật và nguyên tắc phải chi tiết các thành phần nào được phép, không được phép, hậu quả nếu vi phạm và thưởng nếu làm tốt. Trẻ con lúc này thích là chính mình và rất thông minh để làm tốt các luật và nguyên tắc khi trẻ được trao quyền quyết định cách trẻ ứng xử.
4. Học cách trở thành tấm gương tốt cho con
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con. Trẻ dễ bắt chước và học theo thói quen của bố mẹ rất nhanh. Những phụ huynh mê thiết bị điện tử, hay nói tục, hay quát mắng… không thể mong đứa con ngoan ngoãn, nghe lời, nói lời hay ý đẹp, thích đọc sách… được.