1. Học thạc sĩ
Sau khi học đại học, “Có nên tiếp tục học lên cao học, thạc sĩ không?” là câu hỏi băn khoăn của rất nhiều sinh viên. Mặc dù tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân đã đủ để đáp ứng chuyên môn cho nhiều công việc, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường việc làm ngày càng có nhiều cạnh tranh, thì giáo dục chuyên môn cao như các bậc học sau đại học sẽ giúp người lao động tự tin hơn cho nhiều vị trí, nhất là các vị trí quản lý cấp cao.
Bạn Minh Chiến (22 tuổi, Đại học Quốc gia) chia sẻ: “Sau khi học xong đại học, nếu chưa có việc làm thì học thạc sĩ là lựa chọn tối ưu nhất. Vừa được bố mẹ tiếp tục nuôi, vừa học thêm được bằng cấp để phục vụ cho công việc sau này. Ngay sau khi ra trường, không phải ai cũng tìm được một công việc tốt, phù hợp với đúng ngành nghề mà mình theo đuổi. Mình chọn học lên thạc sĩ để có thể nâng cao chuyên môn trong ngành nghề và sau này, khi làm việc, chắc chắn sẽ cần tới chúng.”
Không thể phủ nhận rằng việc học thạc sĩ đã trở thành điều vô cùng cần thiết. Nó giúp bạn nắm vững các kiến thức nâng cao về chuyên ngành, tích lũy thêm các kỹ năng xử lý công việc, có mức lương hấp dẫn hơn và cơ hội thăng tiến rộng mở hơn. Tuy nhiên, mỗi người lại có hoàn cảnh, mục đích và hoài bão khác nhau.
Nếu xác định học thạc sĩ, đồng nghĩa với việc bạn phải thực sự yêu thích chuyên ngành đó, muốn theo đuổi, gắn bó và làm việc liên quan đến nó. Việc học lên cao cũng sẽ tốn một khoản chi phí khá lớn, điều này còn tùy thuộc vào mỗi cơ sở đào tạo, dao động chung rơi vào từ 50 triệu cho đến 80 triệu cho thời gian đào tạo là hai năm. Còn nếu đào tại nước ngoài thì chi phí này còn được nâng cao lên nhiều hơn nữa.
Việc học thạc sĩ không thể đảm bảo chắc chắn cho việc bạn sẽ có một mức lương hay một công việc tốt hơn. Vậy nên, tùy vào lựa chọn và định hướng của mỗi người, mới có thể trả lời cho câu hỏi: “Có nên học thạc sĩ luôn không?”
2. Về quê
Sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều sinh viên không thể tìm được việc làm như mong muốn, họ chật vật thì phải phỏng vấn quá nhiều công ty và môi trường không phù hợp, trái ngành, nghề. Nhiều người “vỡ mộng” vì thấy tấm bằng đại học không hề có sức mạnh to lớn như họ nghĩ, loay hoay đưa ra những lựa chọn. Và bởi vì công việc không “như mơ” nên nhiều sinh viên đắn đo về quê hay bám trụ lại thành phố?
Bạn Tường Linh (22 tuổi, Nam Định): “Mình học ngành kế toán, sau khi ra trường, khi đi xin việc cũng rất chật vật. Sau khi xin nhiều công việc liên quan đến ngành nghề không được nên mình quyết định làm ngành khác, đó là đi bán hàng quần áo. Dù trái ngành nhưng lương cũng cũng đủ để mình duy trì cuộc sống tại Hà Nội. Nhiều lần bố mẹ giục về quê xin việc, dù lương thấp nhưng được ở gần gia đình, mình cũng rất phân vân.”
Tâm trạng “về hay ở” của Tường Linh cũng giống rất nhiều sinh viên khác sau khi tốt nghiệp. Khi tỉ lệ làm trái ngành, trái nghề ngày càng tăng cao, nền kinh tế suy thoái chung, khiến nhiều sinh viên ra trường chật vật không thể kiếm được một công việc tốt.
Ra trường đã 2 năm nhưng công việc của Hà Thảo Anh (25 tuổi, Nghệ An) vẫn bấp bênh: “Hà Nội là thanh xuân của em, nơi đây đã nhìn em trưởng thành và giúp em gìn giữ những ước mơ và dự định còn dang dở. Nếu phải rời xa mảnh đất này thì thực sự rất hụt hẫng, về không được mà ở cũng chẳng xong.
Rời giảng đường đúng thời điểm dịch bệnh phức tạp, em đã nhiều lần về quê rồi. Bố mẹ cũng đề cập đến việc về quê làm việc để gần nhà, công việc ổn định, sau đó lập gia đình. Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt ở quê cũng rẻ hơn so với thành phố, giúp em có khoản tiết kiệm riêng.”
Nếu các bạn trẻ đang chênh vênh đứng giữa quyết định về quê hay bám trụ lại thành phố thì hãy xác định rõ lập trường tư tưởng. Đánh giá cụ thể về môi trường bản thân mong muốn, cơ hội việc làm phù hợp, đặc biệt là vùng đất mình muốn gắn bó. Nếu đã có mục tiêu và lý tưởng, không điều gì là không thể.
3. Kinh doanh quán cafe
Với những người chưa tìm được một định hướng cụ thể, rõ ràng cho tương lai, nhưng lại được cha mẹ đầu tư cho một khoản tiền lớn cho công việc sau này, thì đa số các bạn sẽ lựa chọn mở quán cafe, có thể là ở quê, hoặc một xe đẩy dạo tại thành phố nếu chi phí không quá nhiều.
Thanh Trúc (25 tuổi, Hoài Đức) tâm sự: “Mình ra trường đã hơn hai năm, sau khi tốt nghiệp, mình cũng chật vật xin vào các công ty, nhưng vì lực học trung bình và không thích sự gò bó của môi trường công sở nên mình đã quyết định nghỉ việc. Trong hơn một năm, mình đã đổi 4 đến 5 công ty và sau đó là nghỉ hẳn. Mình xin gia đình đầu tư mở một quán cafe nho nhỏ ở quê, vừa không phải đi làm công sở, vừa có nơi để mình tập tành theo định hướng mới.
Tuy nhiên, làm gì thì cũng có những khó khăn riêng, dù mình đã học hỏi mọi người rất nhiều, nhưng vẫn còn quá mới lạ trong nghề này nên mình đã tiêu tốn không ít vào những khoản lãng phí. Hiện tại, mình vẫn đang học thêm và xây dựng để quán có định hướng phát triển hơn.”
Nếu có điều kiện mở quán, kinh doanh các mặt hàng khác nhau thì quả là một điều đáng mừng, tuy nhiên, đi kèm với điều này là không ít những rủi ro kèm theo.
Khi mà bạn chưa có kinh nghiệm, bạn sẽ không thể tính toán được những khoản chi phí không tên, những phát sinh trong quá trình mở quán. Trong thời điểm mà những quán cafe mọc lên như nấm, thì xây dựng được màu sắc riêng để thu hút khách hàng cũng là một bài toán khó. Nếu muốn xây dựng một cơ sở kinh doanh thành công, bạn cần dành thời gian học tập và trải nghiệm nhiều thêm trong công việc này.