“Phi thương bất phú” – tuy vậy có những người sinh ra không phải để làm chủ. Suốt 27 năm làm thuê chưa từng vướng khoản nợ nào, nhưng Đỗ Mạnh Hùng (SN 1995, Quảng Ninh) lại “nợ trong nợ ngoài” gần 1 tỷ chỉ sau một năm kinh doanh bán quần áo. Chia sẻ về lần lập nghiệp này, Mạnh Hùng cho biết: Kinh doanh thời trang là một thách thức cực lớn!
Lấy tiền tích lũy 6 năm để khởi nghiệp
Từng trải qua khoảng thời gian làm thuê hơn 6 năm với rất nhiều công việc: “Chính phụ đều có cả. Có lúc mình làm đến 3 – 4 công việc cùng lúc để kiếm tiền. Ngoài vị trí nhân viên kinh doanh bảo hiểm, mình còn làm thêm những công việc khác như gia sư dạy đàn, tư vấn viên, bán bảo hiểm ô tô, xe máy… Hoạt động hết năng suất khiến mình có thể kiếm đỉnh điểm 40-50 triệu/tháng ở tuổi 26, 27”. Dồn được một khoản tiền nhất định, Mạnh Hùng quyết định rời ghế văn phòng để kinh doanh quần áo. Đây cũng là đam mê của anh chàng từ thời còn học đại học.
Lập nghiệp là một quá trình đầy gian khổ nhưng lại mang đến nhiều bài học vô cùng quý giá. Thức khuya, dậy sớm là chuyện bình thường. Có rất nhiều việc phải đích thân xử lý mới xong. Thời điểm dứt công việc văn phòng để lập nghiệp, Minh Hùng có suy nghĩ:
“Nếu muốn thử sức với làm chủ thì phải bắt đầu từ lúc trẻ. Tích góp kinh nghiệm từ việc làm công ăn lương vài năm, tích thêm chút vốn… Rồi tranh thủ khi còn nhiệt huyết, còn chịu được khổ, còn sáng tạo, chưa nhiều ràng buộc trong cuộc sống thì mạnh dạn làm những gì mình muốn. Để lỡ như có thất bại thì làm lại từ đầu vẫn không muộn”.
Mạnh Hùng mở một cửa hàng kinh doanh quần áo, dày dép và phụ kiện nam tại Bãi Cháy bằng tiền tích lũy và sự góp sức từ gia đình, bạn bè. Việc kinh doanh thời điểm đầu khá thuận lợi, không chỉ dùng tiền đẩy mạnh quảng cáo, livestream bán hàng, Mạnh Hùng còn làm các video để đăng tải trên khắp mạng xã hội, mạng lại được lượng khách đáng kể. Doanh thu tháng cao nhất có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.
Kinh doanh thất bại lỗ gần 1 tỷ: Quay về làm thuê, bớt đi những mơ mộng làm chủ
Thời điểm việc kinh doanh của Mạnh Hùng phát triển nhất, một ngày có thể bán gần 200 đơn hàng. Tuy vậy, sau khi trừ đi các chi phí thì lợi nhuận cũng không còn nhiều. Lúc này, anh chàng quyết định tự sản xuất hàng hóa chứ không nhập từ nhà cung cấp khác nữa. Việc này đánh dấu bước phát triển mới trong mô hình kinh doanh. Nhưng đây cũng là thử thách lớn đối với Mạnh Hùng.
Không còn gói gọn trong mặt bằng của cửa hàng nhỏ, Mạnh Hùng còn dồn tiền đầu tư vào việc sản xuất, kho chứa đồ và nhân công. Số tiền đầu tư trong 2 tháng đầu tiên độn lên 300 triệu đồng, nhưng sản phẩm đưa ra lại không được đón nhận như mong đợi: “Dù tính toán rất chi li các loại chi phí, nhưng để cho ra một sản phẩm “Made in Vietnam” lại cao hơn hẳn so với hàng nhập”. Liên tục đưa mẫu mới ra thị trường, Mạnh Hùng chia sẻ: “Đâm lao thì phải theo lao, mình tìm mọi cách để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nhưng kết quả lại chứng minh rằng mình đang ngựa non háu đá.”
Sau đó cũng không thể quay lại mô hình kinh doanh hàng nhập như trước đây, mà phải song song bán hàng thiết kế nữa, nên doanh thu của cửa hàng tụt giảm liên tục. Khoản chi phí mỗi tháng cũng ngày càng nhiều khiến Mạnh Hùng không thể chống đỡ thêm được nữa, buộc phải đóng cửa hàng.
Ngoài phần vốn bỏ ra chưa thu hồi lại được, Mạnh Hùng còn ôm thêm khoản lỗ 1 tỷ đồng hàng tồn kho và các loại chi phí sản xuất khác. Số tiền này có hơn phân nửa là tiền vay ngân hàng, nửa còn lại được hỗ trợ từ bạn bè và gia đình, nên Mạnh Hùng phải tự chịu trách nhiệm. Việc quay lại công việc làm thuê trước đây cũng là kế hoạch để Hùng trả nợ và trang trải sinh hoạt phí. “Giấc mơ làm chủ tạm gác lại, nhưng mình nghĩ vẫn luôn có cơ hội cho những người biết cố gắng!”
Trải qua khoảng thời gian làm thuê – làm chủ – làm thuê của mình, Minh Hùng cũng rút được vài bài học đáng giá:
– Thứ nhất, nếu có ý định lập nghiệp hãy nắm rõ nền tảng mà mình muốn tham gia kinh doanh: Tiếp thu những kiến thức từ nhiều nguồn như sách, báo, internet và không thể thiếu từ những người thân quen đi trước. Chỉ khi trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức về khởi nghiệp thì bạn mới nhập cuộc tốt nhất.
– Thứ hai, hãy xác định hướng lập nghiệp: Một người chỉ có thể làm tốt trong một hoặc một số lĩnh vực nhất định. Hãy chọn ra sở trường, đam mê và phát huy tốt nhất những gì bản thân có.
– Thứ ba, chấp nhận rủi ro: Quá trình lập nghiệp sẽ trải qua các giai đoạn như chuẩn bị, thử, và làm thật. Cho dù mọi kế hoạch hoàn hảo trên lý thuyết thì vẫn cần thử nghiệm ngoài thực tế trước khi tiến hành với qui mô lớn, hàng loạt. Đây cũng là giai đoạn khiến nhiều người trẻ dễ ngã xuống nhất, trong đó có Mạnh Hùng.
Dù không ngừng nỗ lực để cứu vớt việc kinh doanh của mình, thì kết quả tốt nhất mà Minh Hùng đạt được là khoản lỗ 1 tỷ đồng: “Vì quá muốn mở rộng quy mô nhanh chóng mà không tính toán chi phí cụ thể, nên bản thân mình gặp rất nhiều bất lợi trong việc cân bằng thu – chi, sau đó là mức độ đón nhận sản phẩm của thị trường. Nhưng đây cũng sẽ là một bài học đắt giá cho những người trẻ muốn đánh nhanh thắng nhanh nhưng non kinh nghiệm như mình!”.