Thương con là bản năng của cha mẹ, dạy con là phép tắc của cha mẹ.
Gần đây, có hai video lên “hot search” (từ khóa được tìm kiếm nhiều) trên mạng xã hội Trung Quốc.
Video đầu tiên được quay ở Phủ Thuận, Liêu Ninh. Trong video, người cha nắm cổ chân con gái treo ngược ra ngoài cửa sổ, cô bé vô cùng sợ hãi, vừa khóc vừa hét: “Bố, bố…”.
Ông bố làm ngơ hỏi con gái: “Tại sao con không đi tiểu trong nhà vệ sinh? Lại tiểu ở trong nhà”. Đương nhiên, cô con gái sợ hãi không trả lời được câu hỏi nên chỉ biết khóc thật to nhưng chỉ nhận được câu quát mắng “đừng làm ồn” của bố. Trạng thái này kéo dài hai, ba phút trước khi ông bố kết thúc cuộc “bạo lực” của mình giữa tiếng người qua đường ngăn cản.
Sau khi đoạn video được đăng tải, một số cư dân mạng đã phản ứng dữ dội. Họ cho rằng đây không phải là giáo dục trẻ em mà chỉ tạo ra nỗi đau và ám ảnh. Và quả thật, bé gái này sau đó phải đến phòng khám để được hỗ trợ tâm lý.
Tuy nhiên, khi con cũng mắc lỗi, bà mẹ trong video thứ hai lại có cách tiếp cận rất khác: Sau khi cả nhà ăn cơm xong, cô con gái của chị chủ động giúp mẹ dọn dẹp bàn nhưng lại vô tình làm vỡ một chiếc cốc.
Cô bé có chút sợ hãi, nhưng người mẹ không trách mắng mà quan tâm xem con gái mình có bị thương hay không, sau đó an ủi: “Không có việc gì đâu con, không phải con chỉ vô tình đụng phải sao? Con đâu có cố ý chứ”. Vừa nói chuyện, chị vừa thu dọn đống đổ nát. Buổi tối, bố sơ ý làm vỡ bát, cô con gái nghe tin chạy đến kiểm tra rồi bắt chước mẹ nói: “Không sao đâu, bố, không sao đâu”. Sau đó, cô gái cầm chổi và âm thầm dọn dẹp mọi thứ.
Cũng là một sai lầm, trong khi một số trẻ chỉ nhận về sự sợ hãi và đau đớn, những trẻ khác học được cách ân cần và khoan dung.
Như nhà trị liệu tâm lý Susan Forward từng viết trong một cuốn sách của mình: “Cha mẹ gieo những hạt giống tinh thần và cảm xúc để chúng lớn lên cùng với chúng ta. Trong một số gia đình, cha mẹ gieo trồng tình yêu thương, sự tôn trọng và sự độc lập; trong những gia đình khác, đó là sự sợ hãi, trách nhiệm hoặc cảm giác tội lỗi”.
Cha mẹ và con cái giống như một luân hồi. Cha mẹ đối xử tốt với con cái sẽ đợi con cái báo đáp, cha mẹ nhiều lần làm tổn thương con cái sẽ chờ đợi “quả báo” của chính mình.
Từng có một phân đoạn trong bộ phim hoạt hình: Một cậu bé đang bị bố đánh vào mông. Ông nội bênh cháu, thấy vậy lập tức cầm chổi lông vung về phía người bố, vừa đánh vừa chửi: “Cha đã nói bao nhiêu lần rồi, không được đánh con trai mình!”. Một cảnh khiến nhiều người vừa buồn vừa thấy… mỉa mai.
Nhiều khi, những đứa trẻ bị tổn thương đó sẽ vô tình thừa hưởng mặt xấu nhất của cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ bạo lực nuôi dạy những đứa trẻ cáu kỉnh như nhau; cha mẹ ích kỷ nuôi dạy những đứa trẻ thờ ơ như nhau.
Triết gia Plato từng nói: “Nơi giáo dục anh ta từ thời thơ ấu sẽ quyết định nơi anh ta sẽ đi sau này”. Thương con là bản năng của cha mẹ, dạy con là phép tắc của cha mẹ. Đừng đợi đến khi đứa trẻ thừa hưởng tất cả những khuyết điểm và sống một tuổi già u ám mới hối hận vì đã không hướng dẫn đứa trẻ con đường đúng đắn.
Có một “thời kỳ xi măng ẩm” trong giáo dục. Nó đề cập đến giai đoạn một người từ 3-6 tuổi, 85% tính cách, thói quen và hành vi có thể được định hình tốt ở giai đoạn này. Khi trẻ từ 7-12 tuổi sẽ bước vào “thời kỳ xi măng hóa rắn”. Lúc này, tính cách, thói quen, hành vi của trẻ đã cơ bản được hình thành và khó có thể xảy ra những thay đổi lớn trong tương lai.
Tại sao thương con nhưng con vẫn xa cách, không hiếu thảo?
Tại sao nhiều bậc cha mẹ yêu thương con cái như mạng sống, nhưng con cái lớn lên lại không có ơn nghĩa gì với họ, thậm chí có người còn thù hận cha mẹ?
Câu trả lời thực ra rất đơn giản: Cha mẹ cũng giống như thực phẩm, có “hạn sử dụng”. Một khi đã “hết thời”, cha mẹ không chỉ mất quyền giáo dục con cái mà còn bị con cái phớt lờ, ghét bỏ nếu trước đó giáo dục con sai cách.
Giáo sư Lý Mai Cẩn, người đã nghiên cứu các vấn đề tâm lý của thanh thiếu niên từ lâu, tin rằng: Khi con cái gặp vấn đề, thường không phải do lúc đó cha mẹ đã làm sai điều gì. Đó là vì “phát súng” mà cha mẹ đã bắn vào cách nuôi dạy con cái sai cách nhiều năm trước giờ đang dội lại hiện tại.
Những cha mẹ “hủy hoại” con mình có những điểm sau:
1. Để trẻ cảm thấy mình không giỏi việc gì và không ai đánh giá cao mình: Chẳng hạn như luôn chê bai trẻ học kém, ngoại hình kém, làm việc nhà hậu đậu, lười biếng, bất cẩn khiến gia đình phải khổ sở vì mình… Tóm lại là vô dụng.
2. Thường kích thích trẻ bằng cách so sánh với những người giỏi hơn: “Con nhà người ta” là một khái niệm hoàn hảo được các bậc cha mẹ tạo ra để so sánh với chính con cái của mình. Họ nhằm mục đích răn đe, đốc thúc con mình cố gắng, thế nhưng điều này không có tác dụng tích cực, thay vào đó, đôi lúc còn tạo áp lực lên sự phát triển của trẻ, khiến trẻ tổn thương.
3. Thể hiện mình như một nạn nhân: Luôn nói với con: “Từ khi có con, mẹ còn chưa rảnh rỗi để xem hết một bộ phim”; “Nếu không có sự xuất hiện của con, sự nghiệp của bố/mẹ đã có những bước tiến vượt bậc”… Điều này tạo ra cảm giác tội lỗi ở đứa trẻ, và một người tội lỗi có xu hướng dành phần đời còn lại của mình để tự chì chiết, hủy hoại bản thân.
4. Nói chuyện với con bằng giọng điệu bắt buộc: Một số bậc cha mẹ có thói quen ra lệnh cho con cái họ làm mọi việc với giọng điệu mạnh mẽ, và khi con cái phớt lờ, họ càng lên giọng hoặc nhấn mạnh giọng điệu của mình để cố gắng làm cho lời nói của mình có trọng lượng hơn. Tuy nhiên, họ quên rằng không ai thích bị ra lệnh.
Một chuyên gia đã nói: “Giọng điệu bạn nói với trẻ sẽ quyết định thái độ của trẻ đối với bạn”. Cha mẹ ăn nói gay gắt, khi còn nhỏ trẻ buộc phải vâng lời, khi lớn lên chúng sẽ cố tình chống đối. Ngược lại, nếu cha mẹ tôn trọng con cái và sử dụng giọng điệu thảo luận, gợi ý khi giao tiếp, con cái sẽ sẵn sàng bỏ qua mâu thuẫn, lắng nghe và giao tiếp cởi mở.
5. Không bao giờ cho trẻ tự do: Mọi việc liên quan đến đứa trẻ đều do cha mẹ quyết định. Nếu trẻ có nhật ký hay có thư từ, cha mẹ đều kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Trẻ như một con rối bị cha mẹ giật dây.
6. Trút giận vào con: Con cái được sinh ra trên đời là do quyết định của người lớn và chúng hoàn toàn chẳng có tội tình gì trong áp lực kiếm tiền của cha mẹ. Con cái nên là động lực để cha mẹ làm việc chứ không phải bao cát cho người lớn trút giận.
7. Làm con xấu hổ ở nơi công cộng: Làm cho con cảm thấy xấu hổ là một trong những điều tồi tệ nhất và điều này để lại ấn tượng lâu dài trong tâm trí đứa trẻ. Điều này khiến trẻ phát sinh cảm giác tự ti, giảm lòng tự trọng. Trẻ sẽ thiếu niềm tin ở cha mẹ, bướng bỉnh, chống đối.
Nếu hiện tại bạn đang đau đầu vì các vấn đề của con mình, hãy kiểm tra xem bản thân trong quá khứ có rơi vào một trong những điều trên hay không. Tìm ra nguyên nhân không phải để tự trách mình mà để thay đổi cách tiếp cận đúng đắn, để kịp thời sửa chữa những lỗi sai.
Tuổi thơ của con trẻ là chuỗi ngày kỳ diệu và cả một hành trình bạn dày công nuôi dưỡng, vun đắp. Đừng lấp đầy khoảng thời gian quý báu đó bằng những sai lầm, hằn học. Mỗi đứa trẻ được trao cho người lớn như một tờ giấy trắng, khi viết ra, đậm hay nhạt, xấu hay đẹp hoàn toàn phụ thuộc vào cách trau chuốt của gia đình trong những năm đầu tiên.