Hà NộiNhững ngày cuối tháng 3, Bích Hường bận rộn quay một MV ca khúc do nhạc sĩ Nguyễn Cường phổ nhạc từ bài thơ do chính bà sáng tác.
“Đây sẽ là bài hát phát trong ngày tôi qua đời để con cháu và quan khách thưởng thức”, người phụ nữ 77 tuổi ở quận Hoàng Mai nói.
15 năm nay, bà Lê Thị Bích Hường miệt mài làm đủ mọi việc để chuẩn bị cho ngày mình nằm xuống, bắt đầu từ tìm đất “xây nhà” hay viết sẵn di chúc trao lại cho các con nêu nguyện vọng và phân chia tài sản.
“Chỉ riêng việc tìm nơi yên nghỉ của mình tôi cũng mất 7 năm. Chỗ thì người ta bảo người chết rồi mới bán, chỗ thì tôi không ưng”, bà nói. Mãi đến năm 2010, bà mới tìm được vuông đất ở một nghĩa trang tại Hòa Bình. Bà Hường cho thiết kế một khuôn viên cổ kính để ngay khi bước vào có thể cảm nhận được gia phong của gia đình và chủ có chất văn nghệ sĩ.
“Sinh tử là quy luật của đời người, không ai tránh khỏi, quan trọng là mình đón nhận nó thế nào”, bà nói.
Nhưng bà không chuẩn bị như cách thông thường người khác thường làm. Bà Hường yêu cầu các con tuyệt đối không chữ “lễ tang” trong đám ma của mình mà thay bằng “Lễ tiễn mẹ về cõi tiên”. Trong buổi đó, con trai và các cháu trai phải mặc sơ mi hoặc áo vest, con gái mặc áo dài, quần trắng, các cháu gái mặc váy đầm, trang điểm xinh đẹp.
Bà cũng dặn mọi người không đốt vàng mã, không đeo khăn trắng, không khóc. “Lúc con còn nhỏ, nó đau hay khóc mình xót lắm, mình vỗ về con, nhưng nếu mình nằm xuống, các con khóc mà không vỗ về được làm sao mình yên lòng ra đi”, bà nói lý do.
Nguyện vọng nữa của bà là khách đến dự không mang vòng hoa mà thay bằng giỏ hoa tươi hoặc cành hoa nhỏ. Toàn bộ tiền mọi người đưa tới “lễ tiễn” đều dành ủng hộ các bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo.
“Từ trẻ tôi đã sống hơi khác người như thế”, bà Hường nói.
Là con út trong gia đình có tới 9 người con, bà Bích Hường nghỉ học năm lớp 8 đi học nghề vẽ. Ở tuổi 18, bà về làm phòng kế toán cho một công ty nhà nước nhưng thu nhập thấp nên khi lấy chồng được một năm, ở tuổi 24, bà xin thôi việc, bất chấp họ hàng phản đối.
“Lúc đó lương tôi 46 đồng, lương chồng 73 đồng, không đủ nuôi con, trong khi tôi tự tin mình ra ngoài kiếm được nhiều hơn thế nên nghỉ”, bà nói.
Ở nhà, người mẹ vừa chăm con vừa thêu thùa, tự thành lập tổ hợp tác len thêu ren với 200 tổ viên đa phần là giáo viên. Lương nhà nước 30 đồng một tháng, khi nghỉ, mỗi tháng bà kiếm 200 đồng, gấp đôi lương của một giám đốc.
Ngày đất nước thống nhất, bà học may áo dài, váy đầm, rồi mở công ty với hàng trăm nhân viên. “Dù ít hay nhiều, tôi đều trích 25% thu nhập để tiết kiệm, số tiền bằng với khoản tôi tham gia bảo hiểm nếu còn làm nhà nước”, bà nói.
Cùng chồng, bà Bích Hường lo cho người con trai và hai con gái học lên bậc sau đại học, có sự nghiệp vững vàng. Khi thấy trách nhiệm đã hoàn tất, bà gọi các con lại thông báo: “Từ giờ đến lúc già, mất đi, mẹ sẽ không phụ thuộc các con về kinh tế. Mẹ chỉ xin các con cho mẹ dùng thời gian này để sống cho chính mình”.
Bà thống nhất với ông không gom tiền về một mối như trước nay mà tự chủ để có quỹ dưỡng già riêng. Mỗi người được tự do làm những điều mình muốn.
Hơn 50 tuổi, bà mẹ ba con mới bắt đầu học và thi lấy bằng lái xe ôtô. Khi tự lái xe được, bà một mình đi từ Hà Nội về Thanh Hóa tìm cách mua lại mảnh đất xưa ông bà nội sinh sống để làm nhà thờ tổ. Bà cũng nhiều lần vào Đà Lạt, Lâm Đồng tìm mua mảnh đất mà cha mẹ từng ở để lập nhà bia tưởng niệm.
Không chỉ lo việc tâm linh, bà Bích Hường sống trọn vẹn cho bản thân từng ngày với tâm niệm “không quan trọng sống bao lâu mà phải sống như thế nào”. Khi sức khỏe còn tốt, bà đi du lịch khắp các tỉnh thành ở Việt Nam và đã đặt chân sang hơn 10 quốc gia để khám phá.
Ở tuổi 67 bà lại tự lái xe đi học đàn piano, niềm đam mê mà ngày trẻ bận sự nghiệp không có thời gian theo đuổi. Sau khi học một năm, vào đúng dịp sinh nhật mình, bà tự chọn một cây đàn thuê người cẩu về nhà để làm quà cho chính mình.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thuấn, người dạy piano cho bà Bích Hường cho biết, 12 năm làm nghề, đây là lần đầu tiên anh dạy một học viên lớn tuổi như bà Hường. “Có tuổi nên các khớp tay cô cứng, hồi đầu hai thầy trò vất vả lắm. Nhưng cô kiên trì và đam mê âm nhạc nên đi học đều, gương mẫu, luôn hoàn thành bài thầy giao”, nhạc sĩ kể. Tinh thần học tập, tính cách trẻ trung, hiện đại của học viên khiến anh Thuấn đôi khi quên mất tuổi tác của bà.
Vài tháng nay, bà Bích Hường bắt đầu làm quen với môn bơi lội để tăng sức bền và độ dẻo dai cho cơ thể. Từ Hà Nội, bà một mình lái xe lên Kim Bôi, Hòa Bình, ở lại 14 ngày để tập luyện.
Người phụ nữ quan niệm phải khỏe đẹp dù ở bất kỳ đâu để thể hiện sự tự trọng và tôn trọng những người xung quanh. Phòng bà có hai tủ lớn, xếp đều tăm tắp cả trăm bộ váy, áo dài. Mỗi tối, bà lại mặc một chiếc váy đầy chất nữ, trang điểm nhẹ nhàng, ngồi chơi một bản đàn rồi quay video.
“Ngày trẻ mặc đẹp để giữ hạnh phúc, còn bây giờ mặc đẹp để nếu chẳng may nằm xuống, ngày cuối cùng ở cõi đời vẫn thật chỉn chu”, bà nói.
Chị Phạm Huyền, con dâu bà Bích Hường cho biết mãi sau này các con mới biết mẹ tìm mua đất, lên kế hoạch cho sự ra đi của mình nhưng không ai ngạc nhiên. “Bình thường mẹ đã là người trẻ trung, có lối suy nghĩ tân tiến, hiện đại rồi. Ông bà sống riêng, không can thiệp vào cuộc sống cá nhân của các con, nhưng khi gia đình nhỏ nào gặp khó khăn thì ông bà luôn tạo điều kiện giúp đỡ”, chị cho biết.
Theo bà Bích Hường, để tuổi già có thể sống cho chính mình, không phụ thuộc con cháu như mình bây giờ thì ngày trẻ phải lao động hết mình, chăm tích lũy và đầu tư.
“Những thành quả bạn có hôm nay, là hạnh phúc hay khổ đau phụ thuộc vào vào sự nỗ lực ở quá khứ của chính bạn”, bà chiêm nghiệm.
Phạm Nga
Nguồn tin: https://vnexpress.net/15-nam-chuan-bi-cho-ngay-minh-qua-doi-4727994.html