Ông Hảo cho biết, các hãng bay Việt Nam phải thực hiện nghiêm việc niêm yết và công khai giá bán vé máy bay theo quy định trên các kênh phân phối. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của hành khách, đặc biệt khi dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm hè 2023 cận kề.
Theo đó, các hãng hàng không cần đảm bảo triển khai bán vé theo đúng mức giá kê khai, không vượt giá trần quy định tại Thông tư 17/2019 của Bộ GTVT về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Cục Hàng không cũng khuyến cáo hành khách mua vé máy bay tại các đại lý ủy quyền, kênh phân phối chính thức. Hành khách có thể phản hồi thông tin về việc mua vé máy bay nội địa cao quá quy định tới đường dây nóng của các hãng bay.
“Chúng tôi sẽ có báo cáo thời gian tới về các hãng thực hiện bán vé máy bay. Nếu hãng làm không đúng quy định về giá vé nội địa sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Hảo nói.
Trước đó, các hãng bay đã có nhiều kiến nghị về việc nâng trần giá vé máy bay do mức giá trần theo thông tư hiện hành đã lỗi thời so với biến động giá nhiên liệu và các chi phí liên quan. Tuy nhiên, nhà chức trách chưa đồng ý đáp ứng các kiến nghị này.
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, những ngày đầu tháng 4 khởi động mùa du lịch nghỉ lễ, trên trang điện tử bán vé của các hãng hàng không, giá vé bay từ 28/4 đến 4/5 thay đổi liên tục theo từng giờ, một số chặng bay hết vé phổ thông, chỉ còn hạng thương gia.
Cụ thể, chặng bay TPHCM – Phú Quốc, giá rẻ nhất cho hành trình khứ hồi (gồm thuế phí) của Vietjet là 3,5 triệu đồng, Bamboo Airways và Vietnam Airlines dao động từ 3,6 – 4 triệu đồng.
Nếu khách bay từ Hà Nội đến Phú Quốc, giá vé cao gấp đôi, Vietnam Airlines mở bán 8,5 – 10 triệu đồng/vé khứ hồi, Vietjet Air và Bamboo Airways có giá từ 7,9 – 8,3 triệu đồng/vé. Tương tự, chặng bay TPHCM – Đà Nẵng vào dịp lễ có giá 1,5 – 2,5 triệu đồng/vé, khứ hồi hơn 5 triệu đồng/vé/khách, gấp đôi giá vé ngày thường.