Đó là câu hỏi thường xuyên được đưa ra trong xu hướng bán hàng livestream đang lên ngôi, đặc biệt là bùng nổ trên nền tảng TikTok.
Livestreamer ViruSs: Xu hướng chung là DN phải hạ lợi nhuận để nâng tỷ lệ bán hàng
Trong khuôn khổ Lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao 2024, livestreamer ViruSs bày tỏ quan điểm cá nhân: “Đúng là bán hàng livestream có nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng, và nhiều người cũng hỏi rằng giảm giá nhiều thì doanh nghiệp (DN) có còn lợi nhuận không? Tôi thì cho rằng bây giờ là thời điểm là DN phải chấp nhận hạ lợi nhuận cũng như biên lợi nhuận đi, để nâng tỷ lệ bán được nhiều hàng lên. Đây cũng là xu hướng chung trong bối cảnh hiện nay, bên Trung Quốc tất cả các DN tham gia bán hàng livestream họ đều làm vậy: Hạ lợi nhuận để nâng số lượng bán hàng lên”.
ViruSs cũng cho rằng các DN Việt Nam hãy cố gắng học livestream bán hàng, vì đó là phương thức rẻ và hiệu quả nhất. Để làm livestream bán hàng, các DN chỉ cần bỏ ra chi phí khoảng 40-50 triệu đồng cho tất cả các thiết bị, rẻ hơn rất nhiều so với đầu tư cửa hàng vật lý. Trong khi đó khả năng tiếp cận khách hàng của livestream bán hàng vượt trội so với tất cả các phương thức bán hàng truyền thống, chẳng hạn các báo cáo cho thấy trang livestream Tiktok thấp nhất cũng tiếp cận được đến hơn 250 người.
“Các anh chị cũng không cần phải thuê người nổi tiếng, quá đắt đỏ mà không hiệu quả. Chính các anh chị, chính nhân viên của các anh chị đứng bán hàng mới hiệu quả, đó là cách marketing 0 đồng, nhưng hiệu quả nhất hiện nay“, ViruSs nói.
Xu hướng bây giờ là shoppertainment – đó là một cuộc cách mạng đang thịnh hành ở Trung Quốc, tức là người ta vừa mua hàng (shopping), vừa giải trí (entertainment). TMĐT bắt đầu ở thị trường Trung Quốc vào năm 2005, đến năm 2016 họ đã có hai nền tảng đó là Classic E-commerce và New Generation E-commerce. Thậm chí, hiện nay trên thị trường Trung Quốc họ đã xây dựng nên những trường học, dạy livestream, họ làm gấp đến mức mời cả chuyên gia nước ngoài (bản thân ViruSs cũng là người được mời).
Trong khi đó, khi đi nói chuyện với các DN Việt Nam thì ViruSs lại nhận thấy một xu hướng ngược lại đó là cảm giác e ngại về công nghệ. “Tôi lo lắng và quan ngại cho DN Việt, đối với các xu hướng bán hàng cũ mình có thể lựa chọn, nhưng từ 2024 chúng ta không có sự lựa chọn thay thế. Nếu chúng ta không đáp ứng được với công nghệ livestream bán hàng thì chúng ta sẽ bị đào thải.”
CEO Nerman: Không phải giảm giá là sẽ bán được hàng
Ở góc độ nhà bán hàng thực tế, ông Đặng Thanh Định – CEO Nerman – DN sản phẩm dành cho nam như sữa tắm, nước hoa và cả son, cho biết là DN nhận thấy khách hàng Việt Nam đang thay đổi nhanh.
“Nhiều người nghĩ lên thương mại điện tử (TMĐT) thì giảm giá nhiều, thực ra khách hàng tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm. 3 năm qua Nerman đã tăng giá 30% và rất khi giảm, ngay cả ngày “Double day” (ngày trùng nhau trong tháng các nhà bán hàng TMĐT thường đẩy các ưu đãi khuyến mãi giảm giá dành cho khách hàng – PV), thì chúng tôi cũng chỉ giảm 5%. Thay vào đó, chúng tôi tập trung hướng đến tăng cảm xúc khách hàng, chẳng hạn như tặng quà, mang đến cho khách cảm xúc ngay từ khi mở món quà đã cảm nhận được sự chăm chút, trân quý”, ông Định nói.
Cũng theo CEO Nerman, trước đây các anh chị đi trước các DN bán hàng tại hội chợ thường nghĩ ra kết hợp ngoài bán là các chương trình giải trí, trò chơi, ca múa nhạc… phục vụ khán giả – khách mua hàng, thì ngày nay tính giải trí trong văn hóa bán hàng online cũng được đề cao như vậy.
“Qua các kênh TMĐT đang dẫn đầu xu hướng Shoppertainment như TikTok, chúng tôi thấy khách hàng ngày càng tinh tế, việc livestream bán hàng cũng phải thông tin tinh tế, chạm đến cảm xúc khách hàng”, CEO Nerman chia sẻ.
Hiện 1 tháng, có khi Nerman có đến 16.000 video. Các video nội dung trên nền tảng đều đề cao thông tin minh bạch và làm thế nào để khách hàng thấy hấp dẫn, muốn được trải nghiệm, chứ không thể… lừa khách hàng, bởi khách hàng ngày nay rất thông minh. Đôi khi, việc nói tốt sản phẩm không phải từ DN mà phải xuất phát từ người dùng thực tế. Và không phải tất cả chỉ nói tốt, người dùng có thể có người không hài lòng, có tỷ lệ tiêu cực thì khách hàng thấy các thông tin đều thật, mới tin…
L’Oreal Việt Nam: Nội dung mới là yếu tố DN cần quan tâm khi tham gia bán hàng livestream
Đồng quan điểm, ông Tiến Đặng – Phụ trách Digital Marketing chi nhánh CPD của L’Oreal Việt Nam – bày tỏ đúng là khi tham sân chơi TMĐT – sân chơi mở, có thử thách lẫn cơ hội, thì thông thường các nhà bán hàng livestream và làm nội dung (content) sẽ nghĩ khuyến mãi là yếu tố quyết. Nhưng từ góc độ của ông, đó trước hết phải là câu chuyên nội dung – mang đến những “vibe” – cảm xúc cuộc sống, từ đó liên hệ (link) đến giá trị sản phẩm.
Trong nhiều tình huống, nhà bán hàng, DN cũng được đặt câu hỏi và lựa chọn giữa “bán hàng” hay marketing, từ góc độ cá nhân, ông Tiến Đặng cho rằng không hẳn bất kỳ ai livestream cũng chỉ hướng đến mục tiêu bán hàng. Ngoài bán hàng, có doanh số, DN sẽ marketing, xây dựng thương hiệu, được có thêm nhiều giá trị…
Tại báo cáo “Báo cáo Shoppertainment 2024: Tương lai của Tiêu dùng và Thương mại châu Á – Thái Bình Dương” cũng ghi nhận: Trung bình trong khu vực, chỉ 21% người dùng bị tác động bởi các chương trình khuyến mãi khi cân nhắc quyết định mua hàng; tỷ lệ này cũng dao động theo từng quốc gia: 12% (Hàn Quốc), 27% (Nhật Bản) và 41% (Indonesia).
Nguồn tin: https://cafef.vn/livestreamer-viruss-xu-huong-chung-la-dn-phai-ha-loi-nhuan-de-nang-ty-le-ban-hang-hay-co-gang-hoc-livestream-ban-hang-vi-do-la-phuong-thuc-re-va-hieu-qua-nhat-188240315143713754.chn