Trong bối cảnh toàn cầu hóa và tiến trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, ngành công nghiệp hàng không tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian gần đây. Nhu cầu về linh kiện lắp ráp máy bay trong công nghiệp hàng không giai đoạn hiện nay cũng đang tăng rất cao.
Hiện nay, sản xuất linh kiện máy bay hiện đang là sân chơi của các doanh nghiệp FDI với sự tham gia của nhiều ông lớn. Ví dụ như Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) đã thành lập Công ty TNHH Hanwha Aero Engines đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là nhà máy sản xuất động cơ máy bay đầu tiên tại Việt Nam, với mức đầu tư trên 200 triệu USD và có kế hoạch mở rộng lên 260 triệu USD. Nhà máy được đầu tư qua 2 giai đoạn và đã đi vào hoạt động, tạo ra doanh thu 140 triệu USD (hơn 3.400 tỷ đồng) trong năm 2023.
Ngoài ra, còn có Tập đoàn Meggitt (Paris) thành lập Công ty TNHH Meggitt Việt Nam (Công ty TNHH Artus Vietnam) chuyên sản xuất các loại biến áp, thiết bị điều khiển cho ngành hàng không và sửa chữa các thiết bị hàng không, vốn đăng ký ban đầu là 17 triệu USD. Mitsubishi năm 2007 thông qua công ty con là MHI Aerospace Việt Nam đã đầu tư một nhà máy sửa chữa, sản xuất và gia công cánh máy bay cùng một số linh kiện khác tại khu công nghiệp Thăng Long với số vốn ban đầu vào khoảng 7 triệu USD trên diện tích 19 héc ta đất.
Tập đoàn UAC của Mỹ đầu tư vào nhà máy sản xuất linh kiện máy bay tại Việt Nam thông qua công ty con tại Đà Nẵng. Tổng số vốn đầu tư của dự án là 170 triệu USD và đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 từ tháng 3/2020 với diện tích lên tới 170 héc ta. Nhà máy có công suất gần 12.500 tấn thành phẩm mỗi năm, cung cấp linh kiện cho hai hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus …
Trong khi đó, chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp thuần Việt trong lĩnh vực sản xuất linh kiện máy bay là Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật hàng không (AESC). AESC được thành lập vào năm 2008 bởi một nhóm kỹ sư hàng không, đứng đầu là ông Trần Hải Đăng với ngành nghề kinh doanh chính là chế tạo sửa chữa các phụ tùng vật tư máy bay và các trang thiết bị hàng không sân bay.
Với đội ngũ ban đầu chỉ có 10 người, AESC đã không ngừng với quy mô hiện tại hơn 200 cán bộ nhân viên trải dài trên 4 vùng của Tổ quốc bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Quảng Nam cùng chi nhánh tại Campuchia. AESC cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong lĩnh vực hàng không được các Nhà chức trách hàng không hàng đầu thế giới là FAA và EASA cùng với Cục Hàng không Việt nam phê chuẩn là Tổ chức bảo dưỡng Part145 và Tổ chức Chế tạo Part 21.
Vào đầu năm 2016, AESC đã được Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải xem xét giới thiệu với Airbus trong việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ hàng không tại Việt Nam.
Tháng 8/2023, AESC đã tăng vốn điều lệ từ 60 tỷ lên 100 tỷ đồng. Chủ tịch công ty hiện nay là ông Hoàng Anh Chiến và ông Trần Hải Đăng làm Tổng giám đốc.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã đánh giá khá cao năng lực của AESC, đồng thời cho rằng, việc một công ty nội địa trở thành đối tác của Airbus sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp hàng không Việt Nam.
Về chế tạo thiết bị máy bay, AESC là tổ chức duy nhất tại Việt Nam được Cơ quan An toàn Hàng không Châu Âu trao Chứng chỉ phê chuẩn EASA Part 21G về sản xuất các thiết bị phục vụ việc thay thế, sửa chữa nội thất máy bay. Vào đầu tháng 8/2010, AESC đã nhận được phê chuẩn của Cục hàng không Việt Nam trở thành tổ chức đầu tiên tại Việt Nam thiết kế và sản xuất ra các chi tiết đơn giản trong nội thất máy bay, góp phần nội địa hóa các sản phẩm của ngành hàng không trong nước.
Các sản phẩm nội thất do AESC sản xuất đã được cung cấp cho Vietnam Airlines, VietJet, Jetstar Pacific, Lao Airlines… trong nhiều năm qua.
Với các trang thiết bị mặt đất, AESC thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng và sửa chữa các trang thiết bị mặt đất cho các khách hàng, bao gồm xe điện (GPU), xe khởi động khí (ASU), xe khí lạnh (ACU), xe đầu kéo, xe thang, xe cấp nước sach, xe vệ sinh, xe băng chuyền…
Trong dịch vụ bảo dưỡng máy bay, AESC cung cấp các dịch vụ dưỡng bánh xe và phanh, ghế máy bay, bình Oxy sử dụng trên cabin và buồng lái máy bay, các thiết bị khoang bếp, áo phao hay thuyền phao, …
Trong mảng đào tạo, AESC là cổ đông chính trong liên doanh Trường hàng không New Zealand, trường đào tạo phi công đầu tiên tại Việt Nam có trụ sở tại sân bay Chu Lai.
Nguồn tin: https://cafef.vn/giua-loat-doanh-nghiep-fdi-doanh-nghiep-thuan-viet-duy-nhat-san-xuat-linh-kien-may-bay-vua-nang-von-len-tram-ty-la-doi-tac-cua-vietnam-airlines-vietjet-188240221014712511.chn