Món cà phê muối đã tạo nên một làn gió mới cho cà phê của Việt Nam, hương vị đậm đà nhưng không kén người thưởng thức đã đưa thức uống này thành lựa chọn quen thuộc của nhiều người. Cà phê muối nhanh chóng được đưa vào thực đơn của nhiều cửa hàng và sản phẩm cà phê muối hòa tan cũng ra mắt.
CNN đã từng đăng tải một bài viết giới thiệu về cà phê muối của Việt Nam được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình. Tiếp nối thành công của món đồ uống này, cà phê nước mắm đã được ra mắt.
Tối ngày 23/10, tại Lễ khai mạc Lễ hội nước mắm TP.HCM lần thứ nhất, món “cà phê nước mắm” đã chính thức được giới thiệu, thu hút sự chú ý của đông đảo khách tham quan. Món thức uống này kết hợp giữa hai sản phẩm đặc trưng của Việt Nam: Cà phê và nước mắm, mang lại sự tò mò và hứng thú nhưng cũng gây e dè cho nhiều người vì sự kết hợp quá lạ lẫm.
Trong khuôn khổ sự kiện, nhiều người tham gia đã thử món thức uống độc đáo này, nhưng không ít người tỏ ra thận trọng do sự khác biệt về hương vị. Tuy nhiên, một số khách dũng cảm trải nghiệm toàn bộ ly “cà phê nước mắm” đã chia sẻ cảm nhận về vị mặn, béo và thơm của nó. Món cà phê này được cho là kết tinh từ nghệ thuật chế biến nước mắm truyền thống, giúp tạo ra một trải nghiệm mới lạ trong ẩm thực.
>> Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ khai trương Trung Nguyên Legend đầu tiên tại thành phố biển Vũng Tàu
Theo bà Trần Thị Hồng Loan, Giám đốc Công ty TNHH Xúc tiến Thương mại Du lịch Nam Phương – đơn vị phối hợp tổ chức lễ hội – món “cà phê nước mắm” được sáng tạo bởi nghệ nhân ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh. Quy trình pha chế gồm việc sử dụng nước mắm truyền thống nguyên chất, không chứa phụ gia, được đun lên như cách làm kho quẹt để kết tinh muối trên bề mặt. Sau đó, muối này được pha vào cà phê theo tỉ lệ 1-2 hạt/ly, thêm đường để cân bằng vị. Thức uống có thể dùng nóng hoặc kèm nước đá.
Bà Loan cho biết thêm: “Cách thưởng thức tốt nhất là dùng ống hút để cảm nhận lớp bọt bề mặt trước khi khuấy đều và uống. Mặc dù mới chỉ ra mắt và chưa thương mại hóa, tôi tin rằng cà phê nước mắm sẽ tạo nên xu hướng mới trong ẩm thực vì sự độc đáo trong hương vị cũng như câu chuyện văn hóa đằng sau”.
Cà phê nước mắm được xem là sự kết hợp đầy sáng tạo, tôn vinh hai biểu tượng ẩm thực của Việt Nam – nước mắm và cà phê. Chi phí để sản xuất một ly cà phê nước mắm tương đương với cà phê truyền thống, nhưng quy trình chế biến đòi hỏi thời gian hơn do bước kết tinh nước mắm. Dù vậy, bà Loan tin rằng món cà phê nước mắm sẽ nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới trẻ và du khách.
Tại Ngày hội Di sản Văn hóa Đà Nẵng năm 2023, món “cà phê mắm” do ông Bùi Thanh Phú – chủ cơ sở sản xuất nước mắm Hương Làng Cổ – chế biến cũng từng gây chú ý, thu hút đông đảo du khách đến thưởng thức.
Sự khác biệt của cà phê mắm là việc sử dụng nước mắm nguyên chất có độ đạm cao, cô đặc giống như kho quẹt, sau đó rắc lớp bột mắm lên trên cà phê có lớp kem béo. Du khách Jessica (Mỹ) từng chia sẻ: “Mùi mắm kết hợp cùng cà phê tạo nên hương vị rất hài hòa và thú vị”. Trong khi đó, nhiều người nhận xét món này không chỉ lạ miệng mà còn ngon, giúp đưa nước mắm truyền thống đến gần hơn với giới trẻ và khách du lịch.
Mặc dù món cà phê nước mắm gây sốc với nhiều người hiện nay, nhưng thực tế, người Việt từ lâu đã có cách pha cà phê tương tự. Người Hà Nội xưa đã từng thưởng thức, trước khi mang ly cà phê ra phục vụ, người bán thường chấm đầu đũa vào nước mắm rồi khuấy vào ly cà phê, tạo nên vị đậm đà và hương thơm nhẹ. Điều này cho thấy sự sáng tạo và tính ứng dụng của nước mắm trong văn hóa ẩm thực Việt Nam từ xưa đến nay.
Sự kết hợp của nước mắm và cà phê không chỉ là điểm nhấn mới lạ mà còn là câu chuyện văn hóa đáng chú ý, góp phần làm phong phú thêm bản sắc ẩm thực Việt Nam.
>> Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Vụ ly hôn giúp nhiều người biết đến lịch sử Trung Nguyên một cách công tâm hơn
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/sau-ca-phe-muoi-noi-tieng-the-gioi-ca-phe-mam-viet-nam-chinh-thuc-ra-mat-170800.html