Cùng một cái tên G7, nếu sản phẩm cà phê hoà tan góp phần đưa tới thành công cho Trung Nguyên thì ngược lại, chuỗi cửa hàng bán lẻ G7 Mart lại là “tội đồ” khiến ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng trong quá khứ.
Sau khi đã đạt được những thành công nhất định trong mảng cà phê và có tiềm lực tài chính, “Vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ đã đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc vào lĩnh vực mới là phân phối, bán lẻ hàng tiêu dùng.
Năm 2006, hệ thống phân phối bán lẻ hàng tiêu dùng mang tên G7 Mart ra đời rầm rộ với 500 cửa hàng tiện ích. G7 Mart được ông Vũ kỳ vọng sẽ hỗ trợ mạnh mẽ chiến lược phát triển thương hiệu Việt và trở thành hệ thống phân phối nội địa, làm đối trọng với các tập đoàn phân phối nước ngoài.
Theo kế hoạch, hệ thống này không chỉ dừng lại ở con số 500 cửa hàng tiện ích mà sẽ tăng gấp 10 lần chỉ sau một năm. Ngoài ra, sẽ có thêm 7.000 cửa hàng thành viên và 100 trung tâm phân phối đi vào hoạt động song song cùng 5.000 cửa hàng chính thức.
Tuy mang theo nhiều hoài bão và kỳ vọng lớn của người sáng lập Trung Nguyên nhưng mọi chuyện lại sớm đi chệch khỏi quỹ đạo. Trước những thay đổi chóng mặt của thị trường những năm sau đó cùng sự xâm chiếm của các đại gia ngoại, những biển hiệu G7 Mart dần bị gỡ xuống ở hầu hết điểm bán trên toàn quốc và gần như mất tích khỏi thị trường.
Nỗ lực của Trung Nguyên trong lĩnh vực bán lẻ tiếp tục được ghi nhận vào năm 2010 khi ông Vũ bắt tay với Ministop (công ty con của Aeon Nhật Bản) mở chuỗi G7 – Ministop, với mục tiêu mở 500 cửa hàng trong vòng 5 năm. Ministop theo mô hình cửa hàng tiện lợi, kết hợp giữa bán thức ăn nhanh và tiệm tạp hóa.
Một năm sau, hai bên tiếp tục góp vốn thành lập Công ty Thương mại và Dịch vụ G7 toàn cầu (G7 Global) với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trung Nguyên thêm một lần thất bại với mô hình này khi phải sớm chấm dứt hợp đồng với đối tác bằng lý do “muốn tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi là cà phê”.
Sau này, trong một bài viết trên báo Tiền Phong vào năm 2015, ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng chia sẻ với PV rằng: “Không phải tôi chỉ biết đến thành công, mà cũng đã nhiều phen nếm mùi thất bại. Có cú mất trắng tới mấy trăm tỷ đồng như vụ đầu tư vào chuỗi cửa hàng bán lẻ G7 Mart. Tuy nhiên, làm gì có thành công nào không pha mùi thất bại? Bài học từ các xứ sở thần kỳ xây lâu đài trên sa mạc như Dubai, Israel, Singapore cho thấy: Nếu không ước mơ, làm sao chúng ta có thể biến giấc mơ thành hiện thực? Nếu không hành động, chúng ta mong gì kết quả?”
Nguyên nhân sự thất bại của G7 Mart được các chuyên gia phân tích như việc phải đối đầu với quá nhiều đối thủ ngoại sừng sỏ, không kết nối được với các nhà sản xuất dẫn đến giá nhập đầu vào không đủ tốt… Tuy nhiên nhìn lại thị trường bán lẻ, có một thực tế là các doanh nghiệp trái ngành ở Việt Nam khi tham gia vào lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng tiêu dùng đều không dễ dàng, cho dù họ đã đạt được thành công và có nền tảng ở những lĩnh vực khác.
Như chuỗi WinMart, WinMart+, từ khi được thành lập với tên gọi VinMart, VinMart+ vào năm 2015 cho đến khi về tay Masan và trở thành đơn vị bán lẻ tạp hoá có quy mô lớn nhất Việt Nam, xét theo số lượng nhưng vẫn chỉ ngấp nghé điểm hoà vốn.
Hay như chuỗi Bách Hoá Xanh, đi vào hoạt động từ năm 2015 và lỗ (thuế) luỹ kế từ 2016 đến nay gần 8.300 tỷ đồng. Mới đây, cùng với tín hiệu khởi sắc về tăng trưởng doanh thu và biên lợi nhuận, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài tuyên bố về giai đoạn mới của Bách Hoá Xanh trong cuộc họp trực tuyến cập nhất kết quả kinh doanh quý III của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG):
“Từ khi đi vào hoạt động, mỗi tháng Thế Giới Di Động đều phải tài trợ tiền cho Bách Hóa Xanh như bố mẹ chu cấp tiền cho con ăn học. Tuy nhiên, từ cuối năm nay, Bách Hóa Xanh sẽ bước sang giai đoạn hoàn toàn khác khi có thể tự kiếm tiền, trang trải chi phí và tập đoàn không phải bù lỗ nữa”, ông Tài chia sẻ.