Chiều 5/3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các bị cáo khác liên quan vụ xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB.
14h40, đại diện VKSND TP.HCM công bố cáo trạng dài 160 trang. Cáo trạng cũng nêu rõ các phương thức, thủ đoạn Trương Mỹ Lan và đồng phạm sử dụng để “rút ruột” 1 triệu tỷ đồng từ Ngân hàng SCB.
Thâu tóm cổ phần SCB
Theo cáo trạng, Trương Mỹ Lan là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với một hệ sinh thái bao gồm hơn 1.000 công ty con, công ty liên kết. Để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ thống công ty trên, cũng như việc liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, Trương Mỹ Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của Ngân hàng SCB, trong đó có hoạt động cho vay.
Bằng cách thu mua cổ phần rồi nhờ người khác đứng tên, Trương Mỹ Lan sở hữu tới 91,545% vốn điều lệ tại SCB. Số cổ phần này do 27 pháp nhân trong và ngoài nước cùng các cá nhân đứng tên giúp bà Lan. Bà Lan không ra mặt mà chỉ trực tiếp đứng tên sở hữu 4,982% vốn điều lệ.
Cài cắm nhân sự chi phối hoạt động SCB
Trương Mỹ Lan tuyển chọn, đưa các cá nhân thân tín vào những vị trí chủ chốt tại SCB; trả mức lương cao từ 200 – 500 triệu đồng/tháng hoặc tặng, thưởng tiền, cổ phần SCB. Thông qua các cá nhân này, Trương Mỹ Lan điều hành toàn bộ hoạt động của SCB, trong đó có hoạt động cho vay.
Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần, Trương Mỹ Lan đã sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân.
Lập đơn vị trực thuộc để cho vay, giải ngân theo yêu cầu
Nhằm tránh sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, từ năm 2020, Trương Mỹ Lan chỉ đạo dàn lãnh đạo cấp cao SCB thành lập 3 đơn vị cho vay, với mục đích chỉ để phục vụ cho các khoản vay theo yêu cầu của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Các đơn vị này gồm: Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale; kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối doanh nghiệp (có đơn vị trực thuộc là Hub kinh doanh trực tiếp khách hàng doanh nghiệp); kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân (có đơn vị trực thuộc là Hub cho vay bất động sản Hồ Chí Minh 2).
Cả 3 đơn vị trên có chức năng cho vay như các chi nhánh nhưng trực thuộc quản lý điều hành của Hội sở SCB, không có bộ phận kho quỹ và con dấu riêng mà sử dụng con dấu của đơn vị khác.
Từ 3/6/2020 – 24/6/2022, 3 đơn vị cho vay trên đã lập hồ sơ, giải ngân 396 khoản vay, tổng dư nợ là 212.725 tỷ đồng.
Lập hàng trăm công ty “ma” để vay vốn khống, rút tiền của SCB
Trương Mỹ Lan chỉ đạo cấp dưới thành lập loạt công ty “ma” hoặc thuê, nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo, ký hợp thức chứng từ rút, nộp tiền. Mục đích nhằm tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của SCB.
Thủ tục ra đời của một công ty “ma”, gồm: đặt tên, tìm địa chỉ trụ sở, thuê người đứng tên người đại diện theo pháp luật, cổ đông, thành viên công ty, chọn ngành nghề kinh doanh…
Kết quả điều tra xác định có 875 khách hàng gồm 440 cá nhân, 435 pháp nhân đứng tên 1.284 khoản vay, được Trương Mỹ Lan chỉ đạo thành lập, thuê hoặc nhờ người đứng tên.
Chỉ đạo chồng và cháu cùng thực hiện hành vi phạm tội
Ngoài tạo lập các công ty “ma”, Trương Mỹ Lan còn cấu kết và chỉ đạo các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật hoặc được giao quản lý các công ty thực tế có hoạt động kinh doanh để đứng tên vay vốn hoặc lập thêm nhiều công ty “ma”, tạo hồ sơ, phương án vay vốn khống, rút tiền của SCB.
Điển hình, bị cáo Trương Huệ Vân, cháu gái Trương Mỹ Lan, được giao quản lý điều hành hàng loạt công ty trong “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát. Bị cáo Chu Lập Cơ, chồng bà Lan, làm Chủ tịch Công ty CP đầu tư Times Square…
Lập hồ sơ vay vốn khống
Mỗi khi cần rút tiền, Trương Mỹ Lan chỉ đạo cấp dưới tại “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát và SCB phối hợp với nhau để tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống.
Tại mỗi hồ sơ vay, các cá nhân được thuê, nhờ đứng tên hoặc đại diện các công ty “ma” được gọi đến, ký vào các tờ giấy trắng đã được đánh dấu sẵn vị trí cần ký, để hợp thức khoản vay. Những người này đều không được thụ hưởng và sử dụng tiền, không hề biết mình vay và nợ SCB số tiền đặc biệt lớn.
Hầu hết các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan và “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát được giải ngân trước rồi mới thực hiện hợp thức sau.
Thông đồng, câu kết với công ty thẩm định giá
Để rút tiền từ SCB thông qua thủ đoạn lập hồ sơ vay vốn khống, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cán bộ SCB thông đồng, câu kết với nhiều đối tượng tại các công ty thẩm định giá, phát hành các chứng thư thẩm định giá hợp thức các hồ sơ vay vốn.
Cụ thể, các lãnh đạo SCB đã trực tiếp (hoặc qua trung gian) để liên hệ với các công ty thẩm định giá, thông đồng, nâng giá tài sản lên nhiều lần, ghi ngày, tháng phát hành các chứng thư theo yêu cầu của SCB để hợp thức thủ tục vay vốn.
SCB thuê 19 công ty thẩm định giá, trong đó có 46 đối tượng là giám đốc, phó giám đốc, thẩm định viên, nhân viên thực hiện phát hành tham gia phát hành 378 chứng thư có liên quan đến các khoản vay còn dư nợ của nhóm Trương Mỹ Lan.
Rút tiền, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân
Để hợp thức việc rút tiền từ SCB, Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhân viên lập phương án thực hiện “giải quỹ” bằng cách lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống. Mục đích của thủ đoạn này nhằm cắt đứt và che giấu dòng tiền, tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng, đồng thời né tránh việc phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Trương Mỹ Lan còn yêu cầu cấp dưới cho các cá nhân được thuê đứng tên người thụ hưởng khoản vay, đứng tên cổ phần… đến SCB ký chứng từ rút, nộp tiền, hòng xóa dấu vết hành vi phạm tội.
Bán nợ xấu
Khi các khoản vay khống tại SCB quá hạn, phải hạch toán nợ xấu nhóm 5, trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, Trương Mỹ Lan không những không trả nợ mà còn chỉ đạo đồng phạm thực hiện thủ đoạn bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và bán nợ trả chậm cho chính các công ty “ma” do nhóm Vạn Thịnh Phát thành lập.
Mua chuộc loạt quan chức để bưng bít, che giấu sai phạm
Để che giấu hành vi phạm tội khi bị thanh, kiểm tra, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các lãnh đạo chủ chốt của SCB mua chuộc cán bộ, lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tổ trưởng Tổ Giám sát tăng cường tại SCB…
Việc mua chuộc nhằm bưng bít, che giấu sai phạm tại SCB; báo cáo kết quả thanh, kiểm tra không trung thực, không đầy đủ.
Tính riêng trường hợp bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước), Trưởng đoàn Thanh tra, Trương Mỹ Lan đã chi hối lộ tới 5,2 triệu USD (118 tỷ đồng).
Trước khi phiên tòa diễn ra, người thân của 10 bị cáo đã nộp thêm gần 6,2 tỷ đồng để khắc phục cho vụ án.
Cụ thể, gia đình bị cáo Bùi Anh Dũng – cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB nộp 4,5 tỷ đồng, gia đình bị cáo Phan Tấn Trung, cựu Phó Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nộp 546 triệu đồng, Nguyễn Thanh Tùng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Dầu khí Đông Phương nộp 500 triệu đồng.
Gia đình bị cáo Trần Thị Kim Chi, cựu nhân viên Công ty CP Natural Land, Lưu Chấn Nguyên, cựu Giám đốc phòng Giao dịch Bảy Hiền SCB nộp 30 triệu đồng mỗi bị cáo.
Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc phòng Tái thẩm định SCB và Cao Việt Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tường Việt cùng nộp 200 triệu đồng/người, Bùi Nhân, cựu Phó tổng giám đốc SCB nộp 70 triệu đồng, Bùi Đức Khoa, cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP Natural Land và Trần Hoàng Giang – cựu Phó giám đốc khối phê duyệt tín dụng SCB, mỗi người nộp 50 triệu đồng.
Nguồn tin: https://cafef.vn/vks-neu-thu-doan-truong-my-lan-va-dong-pham-rut-ruot-1-trieu-ty-dong-tu-scb-1882403051904387.chn