Thị trường Mỹ – “con dấu” xác nhận thành công
Theo hãng thông tấn AP News, đến thời điểm hiện tại, VinFast đã bán được 2.009 xe điện tại Mỹ. Ở quy mô toàn cầu, tổng doanh số trong 2 quý gần đây là 19.562 xe, trong khi hãng có mục tiêu bàn giao từ 40.000 – 50.000 xe trong năm nay.
Trả lời phỏng vấn của AP, bà Lê Thị Thu Thủy – Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu cho biết, Mỹ là một thị trường cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, VinFast cam kết sẽ đồng hành cùng làn sóng các quốc gia đang nỗ lực chuyển đổi sang xe điện để giảm lượng khí thải.
“Việc ưu tiên thị trường Mỹ là quyết định có chủ ý của VinFast, mặc dù hãng phải đối mặt với những quy định nghiêm ngặt tại đây”, CEO VinFast nói.
“Chúng tôi muốn xây dựng uy tín tại thị trường đầy thử thách này. Lý do của chúng tôi rất đơn giản, khách hàng sẽ tin tưởng vào VinFast nếu hãng thành công tại thị trường Mỹ. Đây sẽ là “con dấu xác nhận” cho sự thành công của VinFast dù để đạt được điều này thực sự không dễ dàng”, hãng thông tấn AP dẫn lời bà Thủy.
Về cách thức thâm nhập thị trường Mỹ, CEO VinFast chia sẻ: “Chúng tôi nhận ra rằng xu hướng chuyển đổi sang xe điện đang diễn ra nhanh hơn so với dự kiến, chính vì vậy, chúng tôi cần phải hợp lực với các đối tác. VinFast hiện đang tập trung làm việc với các nhà phân phối tại Mỹ và Canada nhằm tận dụng hiểu biết và kinh nghiệm về thị trường địa phương của họ”.
AP dẫn lời ông Sam Abuelsamid, chuyên gia phân tích về lĩnh vực di chuyển tại Guidehouse Insights cho biết, một số hãng xe đã thâm nhập thị trường Mỹ trước đây như Hyundai hay Kia cũng làm điều tương tự bằng cách bán xe với giá rẻ hơn hoặc xây dựng danh tiếng dựa trên hiệu suất hoạt động hoặc thiết kế của xe. “Bạn phải có điều gì đó làm bạn nổi bật so với đối thủ” – ông Abuelsamid nói.
Theo ông Abuelsamid, VinFast có thể giảm chi phí sản xuất để giá xe có thể cạnh tranh hơn nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty. “Việc thành lập một công ty sản xuất ô tô đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn”, ông cho biết thêm.
VinFast bắt đầu sản xuất chiếc ô tô đầu tiên vào năm 2019 tại nhà máy ở Hải Phòng. Theo ghi nhận của AP, hầu hết các công đoạn sản xuất xe như dập khung, cửa, hàn, sơn… đều được thực hiện bởi robot và giám sát bởi các kỹ sư qua màn hình trước khi xe bước vào công đoạn kiểm thử.
AP cũng nhắc lại sự kiện VinFast niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch Nasdaq hồi giữa tháng 8 và ghi nhận có nhiều thời điểm, giá trị cổ phiếu tăng hơn gấp đôi lên mức cao nhất 82,35 USD/cổ phiếu, giúp vốn hóa của VinFast vượt qua cả General Motors Corp. và Ford Motor Co tại thời điểm đó.
Hãng thông tấn lớn nhất nước Mỹ nhận định, VinFast khẳng định cam kết mạnh mẽ với thị trường Mỹ khi hãng đang xây dựng nhà máy sản xuất xe điện trị giá hàng tỷ USD tại Tây Nam Raleigh, bang Bắc Carolina và dự kiến đi vào sản xuất trong năm 2025.
Về kế hoạch sắp tới, thông tin từ AP cho hay, VinFast bắt đầu bàn giao xe tại châu Âu trong năm nay và đang nhắm đến các thị trường mới tại Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Đông, đồng thời công bố khoản đầu tư 400 triệu USD cho nhà máy ở Indonesia và Ấn Độ. Hãng cũng đặt mục tiêu mở rộng đến 50 thị trường trên toàn cầu trong năm 2024.
“Vingroup là hậu phương vững chắc cho VinFast”
AP nhận định, mục tiêu phát triển mạnh mẽ của VinFast được cho là phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam khi biến ngành công nghiệp ô tô trở thành trụ cột của nền kinh tế. Nhà máy sản xuất của hãng tại Hải Phòng có diện tích 335ha được hoàn thiện trong vòng chưa đầy 2 năm, công suất hiện tại là 250.000 xe điện mỗi năm.
VinFast là công ty thành viên thuộc Vingroup, tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập có mức tăng trưởng doanh thu hơn gấp 50 lần trong giai đoạn 2011-2022 lên 5,5 tỷ USD.
Thân vỏ xe được hàn bằng robot tại nhà máy VinFast ở Hải Phòng – Ảnh: AP
Bình luận về nguồn lực của VinFast, ông Matthew Degen, biên tập viên cấp cao tại công ty nghiên cứu xe hơi Kelley Blue Book (Mỹ) cho rằng, Vingroup là hậu phương vững chắc cho VinFast cho các kế hoạch sắp tới.
Hiện nay, một số nhà sản xuất xe điện không có sự hậu thuẫn đang gặp khó khăn trong việc đạt được quy mô cần thiết để có lợi nhuận. Thậm chí, một số hãng như Lordstown Motors (Mỹ) đã tuyên bố phá sản vào tháng 6 năm nay. Trong tháng này, hãng xe điện WM Motor của Trung Quốc cũng đã nộp đơn xin phá sản.
Về phía VinFast, trong một thông báo gần đây, hãng cho biết dự kiến sẽ nhận được khoản đầu tư trị giá 1,2 tỷ USD từ Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và các cổ đông khác trong 6 tháng tới. VinFast hy vọng đạt được quy mô cần thiết để đảm bảo lợi nhuận thông qua việc bán xe tại thị trường châu Á. Hãng xe Việt cũng sẽ xây dựng hai nhà máy tại Indonesia và Ấn Độ, dự kiến đi vào sản xuất vào năm 2026 với công suất 50.000 xe điện mỗi năm.
Về một số ý kiến cho rằng, VinFast đã bán hơn 7.000 xe điện cho công ty taxi GSM cho thấy nhu cầu xe điện cá nhân tại Việt Nam chưa cao, AP dẫn phản hồi của bà Lê Thị Thu Thủy, nhấn mạnh chiến lược của hãng là phổ cập xe điện tới người dân Việt Nam, giúp họ dễ dàng tiếp cận xe điện. “Điều này giống như bạn chuyển từ dùng điện thoại bàn sang smartphone vậy”, bà Thủy nói thêm.
Thị trường ô tô Việt Nam có dư địa tăng trưởng lớn. Doanh số bán xe hơi tại Việt Nam đang tăng đều cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, có đến hơn 500.000 xe đã được bán tại Việt Nam trong năm 2022, giúp Việt Nam xếp thứ 24 trên thế giới về doanh số.
Trong năm 2023, VinFast đã bắt đầu bàn giao mẫu xe VF5 Plus tại thị trường Việt Nam hồi tháng 4 với giá bán khoảng 22.000 USD. Hãng cũng có kế hoạch ra mắt một mẫu xe điện mini trong năm tới. Mới đây nhất, ngày 11/10, VinFast thông báo sáp nhập VinES, công ty sản xuất pin thuộc tập đoàn Vingroup. VinFast kỳ vọng, việc tự chủ sản xuất pin sẽ tối ưu chi phí sản xuất từ 5% đến 7% và làm chủ được chuỗi sản xuất, gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.