“Chúng ta không thể ngừng tiến bước và cần luôn cải tiến, đổi mới, mở rộng không gian phát triển để đáp ứng được các yêu cầu và thay đổi của thị trường ngày càng khắc nghiệt” – Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Hải Lý của Viettel Global vừa nêu thông điệp trong Báo cáo thường niên 2022 của Tổng công ty này.
Theo nữ Chủ tịch, lĩnh vực viễn thông trên thế giới đang dần trở nên bão hòa, không gian tăng trưởng ngày càng hạn chế. Trong khi đó, các lĩnh vực mới như CNTT, dịch vụ số, nội dung số trên thế giới tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng cao và phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ.
Rất nhiều sản phẩm, mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số phát triển nở rộ; xu thế tối ưu hóa nguồn lực (cơ cấu lại danh mục đầu tư), ưu tiên đầu tư phát triển theo chiều sâu (công nghệ mới và chuyển đổi số) được các hãng viễn thông ngày càng quan tâm, chú trọng.
Viettel Global sẽ không thể nằm ngoài xu thế đó.
Năm 2022, doanh thu hợp nhất của Viettel Global đạt hơn 27.000 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với thực hiện năm 2021. Dòng tiền về Việt Nam cao nhất từ trước đến nay đạt 442,7 triệu USD. Nhờ vậy, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư của Viettel Global đạt 69,4%. Bà Nguyễn Thị Hải Lý cũng cho biết, Viettel Global đang bám sát mục tiêu chiến lược là đến năm 2025 hoàn vốn đầu tư 100%.
Lợi thế của Viettel Global trong bối cảnh bão hoà của ngành viễn thông quốc tế là các thị trường mà doanh nghiệp này đầu tư thuộc các quốc gia kém phát triển, đi sau thị trường lớn. Ví dụ tại châu Phi, thuê bao 4G mới chiếm 20% thị trường và được dự báo tiếp tục tăng trưởng trên 30% trong 3-5 năm tới. Cố định băng rộng ở khu vực Đông Nam Á và châu Mỹ La tinh được dự báo duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 2 con số.
Do đó, theo Tổng Giám đốc Phùng Văn Cường, dư địa phát triển mảng viễn thông vẫn còn đủ cho Viettel Global tăng trưởng trong vài năm nữa.
Mặc dù vậy, mở rộng không gian ra ngoài lĩnh vực viễn thông vẫn là điều bắt buộc để giúp công ty này có thể duy trì phong độ tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Không những vậy, đó còn là điều kiện để Viettel Global thực hiện sứ mệnh dẫn dắt của một doanh nghiệp lớn.
“Một tâm huyết lớn của Viettel Global, đó là trở thành một nhà đầu tư nước ngoài hiệu quả nhất Việt Nam và dẫn dắt các công ty thị trường trở thành các đơn vị hàng đầu về dịch vụ số trong năm 2025. Và đến năm 2030, chúng tôi hy vọng Viettel Global sẽ trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, dẫn dắt các công ty thị trường trở thành các Big-tech tại các quốc gia đầu tư” – bà Nguyễn Thị Hải Lý nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Viettel Global, trong năm 2023, Tổng công ty sẽ linh hoạt tìm kiếm các cơ hội, không gian phát triển kinh doanh mới, ưu tiên đầu tư phát triển theo chiều sâu trong công nghệ số và chuyển đổi số.
Bên cạnh việc tìm kiếm mở rộng đầu tư thêm thị trường mới, Viettel Global nghiên cứu các phương án đầu tư, mua bán sáp nhập (M&A) với các công ty công nghệ phù hợp để đa dạng hoá hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ, củng cố lợi thế cạnh tranh cho các thị trường.
Chiến lược trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025 của Tập đoàn Viettel nói chung và Viettel Global nói riêng đã ghi nhận nhiều dấu ấn.
Hiện tại, Viettel đang là doanh nghiệp tiên phong cung cấp các dịch vụ số, giải pháp số cho Chính phủ, doanh nghiệp và khách hàng đại chúng. Đứng trước thách thức về mức độ trưởng thành số thấp của các thị trường, Viettel Global đã chấp nhận hy sinh lợi nhuận ngắn hạn để thực hiện việc cung cấp dịch vụ thử nghiệm, đào tạo thị trường, “gây nghiện” cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng đối với hiệu quả mà dịch vụ số mang lại.
Viettel Global đang phát triển rất mạnh ví điện tử tại nhiều thị trường, trong đó có châu Phi.
Một trong những lĩnh vực tạo được kết quả tốt nhất là ví điện tử. Năm 2022, Viettel Global đã cung cấp dịch vụ ví điện tử và siêu ứng dụng tại 08 quốc gia. 60,8% tổng số khách hàng sử dụng data với doanh thu đem lại là 1,5 tỷ USD – tăng trưởng 25,1%. Doanh thu dịch vụ ví điện tử tăng gần 90% lên 46,6 triệu USD.
Có thể kể dến một số thị trường như Myanmar, siêu ứng dụng MyID tiếp tục là ứng dụng số 1 để người dân tự chăm sóc, tương tác với nhà mạng, giải trí kết nối, đạt gần 14 triệu người dùng.
Tại Mozambique, Movitel đã bước đầu tìm được hướng đi cho kinh doanh dịch vụ ví điện tử. Thuê bao ví điện tử tăng thêm 1,3 triệu, luỹ kế đạt gần 2 triệu thuê bao, cao gấp 2,5 lần năm 2021.
Tại Burundi, ví điện tử Lumicash hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch năm khi thuê bao ví điện tử lũy kế đạt 1,6 triệu (tăng 197 nghìn); doanh thu dịch vụ ví đạt 6,5 triệu USD, hoàn thành xấp xỉ 120% kế hoạch, tăng 254% so với cùng kỳ.
Thực tế, “mở rộng không gian” là truyền thống văn hoá của Tập đoàn Viettel ngay từ ngày thành lập. Với truyền thống đó, họ đã phát triển từ một đơn vị kéo cáp thuê đến công ty viễn thông nhỏ, thành Tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam và nay là Tập đoàn đa quốc gia với 11 thị trường quốc tế, dẫn đầu trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.
Trong thông điệp của Chủ tịch HĐQT Viettel Global, 2022 là một năm đáng nhớ với nhiều sự kiện, biến cố không thể lường trước như cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, hàng loạt khủng hoảng chính trị ở các quốc gia mà Viettel Global đầu tư và khủng hoảng kinh tế toàn cầu với những hệ lụy về nguồn cung nhiên liệu bị thiếu hụt, tỷ giá leo thang, chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
“Nhưng văn hóa Viettel cũng coi khó khăn, thách thức chính là cơ hội. Chúng tôi luôn giữ vững tinh thần, nỗ lực hết mình để chứng minh với thế giới rằng Viettel Global hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp quốc tế, người Viettel Global hoàn toàn có năng lực làm việc quốc tế. Điều đó, được thể hiện qua các con số về kinh doanh và tài chính đã đạt được.
Cùng với đó chiến lược chuyển dịch kinh doanh từ dịch vụ viễn thông truyền thống sang các dịch vụ số và CNTT cũng được triển khai mạnh mẽ và thu được những kết quả nhất định, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng của Tổng Công ty” – Chủ tịch HĐQT Viettel Global nhấn mạnh.