Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI), thuộc top 5 dẫn đầu Đông Nam Á và top 10 thị trường logistics mới nổi thế giới. Trong 7 tháng đầu năm 2024, ngành logistics đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng 17,1% so với cùng kỳ 2023, đạt 439,88 tỷ USD, thông tin được đưa ra tại Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2024 (VILOG 2024) mới đây.
Được biết, VILOG 2024 diễn ra trong bối cảnh ngành logistics Việt Nam tiếp tục phát triển về quy mô lẫn chất lượng. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), GDP châu Á – Thái Bình Dương năm nay sẽ tăng trưởng 4,5%, cao hơn trung bình thế giới là 3,1%. Là trung tâm sản xuất, tiêu dùng và đổi mới sáng tạo năng động toàn cầu, kinh tế châu Á phục hồi phản ánh rõ nét qua dòng chảy thương mại hàng hóa, nổi trội có Việt Nam.
Chi tiết, trong đà phục hồi chung của khu vực, Việt Nam ghi nhận thành tích tăng trưởng ấn tượng 6,42% trong nửa đầu năm. Đặc biệt, vai trò là điểm đến sản xuất yêu thích của các tập đoàn đa quốc gia trong việc chuyển dịch chuỗi cung ứng ngày càng rõ nét. 6 tháng qua, cả nước thu hút hơn 1.500 dự án FDI đăng ký số vốn trên 9,5 tỷ USD, tăng 18,9% về lượng và 46,9% về vốn so với cùng kỳ năm 2023.
“Với bối cảnh kinh tế châu Á tiếp tục hồi phục và Việt Nam ngày càng giữ vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, lãnh đạo ITL chia sẻ.
Trở lại với thị trường logistics, tiềm năng còn thể hiện qua tình hình kinh doanh của các công ty trong ngành nửa đầu năm. Ghi nhận tại Báo cáo chiến lược của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá trị xuất – nhập khẩu hàng hóa container đường biển lần lượt đạt 103 tỷ USD (tăng 10% so với cùng kỳ) và 68 tỷ USD (tăng 8% so với cùng kỳ). Nhờ đó, doanh thu ghi nhận trong quý 2 của các doanh nghiệp cảng – vận tải biển tăng trưởng mạnh mẽ.
Chi tiết, Gemadept (GMD) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.181 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động cảng và logistic lần lượt đạt 985 tỷ đồng và 196 tỷ đồng. Doanh thu tăng trưởng tốt nhờ mảng xếp dỡ container, đặc biệt tại khu vực phía Nam có bước nhảy vọt về cả 2 yếu tố sản lượng và phí xếp dỡ. Ước tính, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 303 tỷ đồng, đóng góp chính đến từ cảng Gemalink (tăng 50% so với cùng kỳ sau khi loại trừ thu nhập bất thường từ thanh lý cảng Nam Hải Đình Vũ trong quý 2/2023).
Tương tự, doanh thu của Tập đoàn Container Việt Nam (VSC) trong quý 2 đạt 718 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 68 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần cùng kỳ, chủ yếu đến từ doanh thu tài chính. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi đạt 143 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.
Không kém cạnh, doanh thu và lãi sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ của Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) đạt lần lượt 949 tỷ đồng và 110 tỷ đồng, tương ứng tăng 55% và 15% cùng kỳ năm trước. Theo giải trình, doanh thu Hải An tăng trưởng mạnh mẽ đến từ sản lượng container duy trì tốc độ tăng trưởng ở 2 mảng xếp dỡ và vận tải. Thêm vào đó, Hải An cũng gia tăng tỷ trọng container xuất nhập khẩu có đơn giá cao hơn hàng nội địa, tỷ trọng container xuất nhập khẩu được cải thiện lên mức 30-35% từ mức 20% của cùng kỳ.
Dự báo nửa cuối năm, VDSC quan điểm rằng nhu cầu xuất nhập khẩu sẽ duy trì tăng trưởng dương nhưng sẽ giảm tốc do không còn hiệu ứng nền thấp của cùng kỳ, bởi dòng chảy thương mại đã cải thiện kể từ nửa cuối năm 2023.
Cập nhật mới đây, giá cước vận tải container đã giảm khi tình trạng tắc nghẽn tại một số cảng ở Châu Á đã “nguội dần”.
Nguồn tin: https://cafef.vn/viet-nam-lot-top-10-thi-truong-logistics-moi-noi-toan-cau-dn-dong-loat-tang-doanh-thu-2-chu-so-18824080712184695.chn