Theo báo cáo công bố mới đây của Hội đồng nghiên cứu Du lịch, nghiên cứu đã lý giải nguyên nhân tại sao vé máy bay tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và quốc tế. Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế và qua nghiên cứu điển hình quốc tế, có thể nêu thêm một số nguyên nhân khác thuộc cơ cấu giá vé máy bay.
Đầu tiên, miếng bánh thị phần vé máy bay tại Việt Nam hiện nay được chia bởi hai “ông lớn” là Vietnam Airlines và Vietjet nên thiếu tính cạnh tranh. Khác với Thái Lan, vé máy bay rẻ vì có nhiều hãng cùng khai thác. Năm 2024, Thái Lan mở thêm tới 9 hãng hàng không mới để tăng khả năng đáp ứng đi lại và góp phần phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, chi phí bảo trì cũng là nguyên nhân “đội” giá lên cao. Ngoài kiểm tra thông thường sau 400 đến 600 giờ bay, hoặc 200 đến 300 chuyến bay, một chiếc Boeing 737 có mức sử dụng trung bình 2.742 giờ/năm được kiểm tra sau 20 đến 24 tháng (C Check) với giá khoảng 32,18 USD mỗi giờ bay. Cứ sau 6 đến 10 năm, máy bay cần phải kiểm tra toàn bộ (D Check) khoảng hơn 100 USD mỗi giờ bay.
Ngoài ra, thời gian C Check thường kéo dài 1 đến 2 tuần, còn D Check phải mất tới 3 đến 6 tuần phần nào sẽ làm gián đoạn lịch bay của các hãng.
Thư ba, vấn đề hợp tác giữa hàng không và du lịch không chỉ cần được xem xét ở mức độ cùng quảng bá, đưa ra các gói khuyến mại mà cần được xem xét xây dựng kế hoạch tổng thể, phân kỳ để có tác động dài lâu. Điều này cần sự chung tay của doanh nghiệp hàng không – du lịch, điểm đến, chính quyền và người dân địa phương.
Thứ tư, một vấn đề mang tính vòng lặp đáng báo động là khi giá vé máy bay nội địa cao dẫn đến các điểm du lịch phải hạ giá dịch vụ, khiến chất lượng giảm sút, làm giảm sự hài lòng của khách du lịch. Hệ quả, nhu cầu đi du lịch trong nước giảm, số lượng chuyến bay giảm theo và cuối cùng là giá vé máy bay nội địa lại tiếp tục tăng cao.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không giảm bớt các chính sách khuyến mãi và giảm quan tâm vào chất lượng dịch vụ khách hàng có thể dẫn đến hệ quả giá vé máy bay sẽ tiếp tục tăng cao và chất lượng dịch vụ sẽ giảm sút. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu du lịch nội địa.
Ngoài các ý kiến của nhóm nghiên cứu, thời gian qua, đại diện Cục Hàng không hay các hãng hàng không cũng lý giải nguyên nhân khiến giá cao.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam, ông Nguyễn Bác Toán – Phó tổng giám đốc thương mại Vietjet, ông Đặng Anh Tuấn – Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines có cùng quan điểm rằng giá vé tăng có nguyên nhân chính là do chi phí nhiên liệu, chênh lệch tỷ giá, thiếu tàu bay (do nhà sản xuất Pratt&Whitney PW) triệu hồi động cơ tác động đến việc giảm đội tàu bay khai thác trên thế giới, chi phí bảo trì, cung cầu thị trường…
Bên cạnh đó, ông Trương Việt Cường – Phó tổng giám đốc Bamboo Airways, ông Lê Tiến Dũng – Phó tổng giám đốc Vietravel Airlines nhấn mạnh chi phí thuê máy bay góp phần lớn vào giá vé, chi phí này chiếm từ 55 – 60% tổng chi phí cấu thành giá vé tùy từng giai đoạn và tùy hãng hàng không.
Nhiều chuyên gia cho rằng các khoản thuế VAT, thuế nhiên liệu, phí sân bay, phí soi chiếu an ninh, phí quản trị hệ thống là những khoản chi đáng kể.
Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, giá vé máy bay đã tăng mạnh trong năm 2024, có tuyến tăng gấp rưỡi. Tổng cục Thống kê cũng cho biết chỉ số giá dịch vụ vận tải đường hàng không đã tăng 85,44% so với quý I năm 2023. Ngoài ra, theo thống kê từ Bộ Giao thông Vận tải, giá vé trung bình của Vietnam Airlines so với cùng kỳ năm trước đã tăng từ 14% đến 20%.
Nguồn tin: https://cafef.vn/chuyen-gia-ve-may-bay-tai-thai-lan-re-do-co-nhieu-hang-cung-khai-thac-viet-nam-chi-co-hai-ong-lon-chia-mieng-banh-thi-phan-188240614160955577.chn