Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC). Diễn đàn được tổ chức nhằm khích lệ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần tăng cường năng lực nội sinh của nền kinh tế, hướng tới phát triển bền vững, bao trùm.
Để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các tiêu chuẩn mới và hướng đến tính bền vững và bao trùm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID khởi động cuộc thi Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 vào tháng 11/2022. Sáng kiến áp dụng thực hành ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) đã thu hút gần 150 hồ sơ đăng ký từ các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trên cơ sở đó, Dự án đã lựa chọn 10 doanh nghiệp có sáng kiến tốt nhất để hỗ trợ đào tạo và tư vấn chuyên sâu 1-1 nhằm nâng cao năng lực và hiểu biết về ESG cũng như các mô hình kinh doanh bền vững khác, giúp các doanh nghiệp xây dựng, hoàn thiện kế hoạch triển khai ESG.
Tại diễn đàn, 3 doanh nghiệp xuất sắc nhất đã được vinh danh và trao thưởng. Đó là công ty cổ phần HHP Global, công ty cổ phần Việt Nam Food và Công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam. Các công ty này sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chuyên sâu có tổng trị giá lên tới 2 tỷ đồng từ dự án IPSC, để thí điểm triển khai hoặc nhân rộng các sáng kiến kinh doanh bền vững.
Các doanh nghiệp tham gia Chương trình đào tạo thúc đẩy kinh doanh bền vững trong khuôn khổ Sáng kiến ESG Việt Nam 2023
Tiếp tục được thực hiện tới năm 2025, Sáng kiến ESG được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư bền vững trong các doanh nghiệp, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại diễn đàn “Tiên phong tinh thần doanh nhân, kiến tạo Việt Nam bền vững”, đồng thời đã diễn ra lễ trao biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Cục Phát triển doanh nghiệp, Dự án IPSC và 22 doanh nghiệp tiên phong nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp này vươn ra thế giới.
22 doanh nghiệp tiên phong nhận thỏa thuận hợp tác từ dự án IPSC
Đây là 22 doanh nghiêp tiên phong có tiềm lực dẫn đầu chuỗi giá trị của ngành, có năng lực đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, được lựa chọn trong tổng số hơn 600 doanh nghiệp đăng ký, dựa trên các tiêu chí đánh giá minh bạch và khoa học. 22 doanh nghiệp sẽ nhận gói hỗ trợ kỹ thuật trị giá lên tới 150.000 đô la Mỹ trong vòng 2 năm, từ dự án IPSC. Gói hỗ trợ này được thiết kế theo nhu cầu, năng lực và cam kết của doanh nghiệp, với mục tiêu đồng hành xuyên suốt nhằm tăng cường động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp, từ đó tạo ra tác động tích cực về kinh tế, xã hội và môi trường.
Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID Việt Nam cho biết: “USAID cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân Việt Nam. Thông qua hợp tác chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh bền vững và áp dụng thực hành ESG, chúng tôi giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, đạt được các mục tiêu phát triển dài hạn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu nhằm kiến tạo một Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng”.
Tại sự kiện, các đại biểu tham dự cũng được lắng nghe chia sẻ của các doanh nghiệp, chuyên gia về động lực, lợi ích và giá trị để các doanh nghiệp quyết định “dấn thân”, tiên phong trong phát triển chuỗi cung ứng và dẫn dắt sự phát triển bền vững, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của khu vực tư nhân và nền kinh tế.
Trong thời gian tới, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân với tài trợ của USAID sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy tinh thần tiên phong của doanh nghiệp, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài, qua đó đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.