Chiếc xe máy điện mang tính cá nhân hóa
Chiếc xe máy điện mang tính cá nhân hóa
Những người biết tới Dat Bike có lẽ đều ấn tượng với mẫu xe máy điện được thiết kế gợi liên tưởng đến xe máy phân khối lớn, khác hẳn những mẫu xe điện thường thấy trên thị trường.
Trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3 hồi năm 2019, khi bị Shark Nguyễn Hòa Bình so sánh với “ông lớn” trong ngành với những mẫu xe có giá thành rẻ hơn nhiều, cùng thế mạnh sản xuất và mạng lưới phân phối trên toàn quốc, Co-founder & CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn đã chỉ ra điểm khác biệt của Dat Bike.
“
Hiện có nhiều người khác đang làm xe điện, nhưng thị trường họ nhắm tới là làm ra một chiếc xe quốc dân, còn xe Dat Bike ở đây bọn em hướng đến tính cá nhân hóa với người sử dụng
”, nhà sáng lập Dat Bike giải thích.
Tính cá nhân hóa mà Dat Bike theo đuổi còn được thể hiện qua câu trả lời của Cảnh Sơn khi Shark Nguyễn Mạnh Dũng đặt vấn đề đâu là lý do để khách hàng mua xe Dat Bike, giống như bên Mỹ tại sao người ta chọn mua Tesla thay vì những xe xăng khác.
“
Khi bọn em làm xe điện, lượng nhỏ khách hàng khi dùng xe phải yêu chiếc xe của mình. Đó là cách làm của bọn em
”, CEO của Dat Bike cho hay.
4 năm sau khi bị “vùi dập” trên Shark Tank bởi những nhận xét như xe không an toàn, nhầm thời điểm và nhầm sản phẩm, Dat Bike lại đạt được những thành công đáng kể.
Cuối năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu trong vòng 12 tháng tăng gấp 10 lần, tổng số vốn đã huy động được lên đến 16,5 triệu USD. Định giá Dat Bike theo đó chạm mốc 32 triệu USD, theo ước tính của Venture Cap Insights.
Tới tháng 3 năm nay, Dat Bike trở thành một trong 9 dự án được Chính phủ Anh lựa chọn tham gia chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu trị giá 11,8 triệu bảng (14,5 triệu USD). Startup này tự tin đặt mục tiêu doanh số tăng gấp 10 lần/năm và có kế hoạch mở rộng sang Indonesia.
Tuy nhiên, theo một bài viết trên Tech in Asia hồi tháng 12/2022, CEO Cảnh Sơn của Dat Bike thừa nhận thị trường Việt Nam “chưa có chiếc xe điện nào đủ sức cạnh tranh được với xe xăng nếu xét ở khả năng vận hành, mức độ tin cậy và giá cả”.
Ngoài việc nâng cao năng lực sản xuất, thách thức lớn khác của Dat Bike là mở rộng mạng lưới trạm sạc – bài toán mà ngay cả “ông lớn” VinFast cũng phải nỗ lực tìm cách giải quyết.
Đã đến lúc tiến vào thị trường “quốc dân”?
Đã đến lúc tiến vào thị trường “quốc dân”?
Mặc dù từng trình bày trước các nhà đầu tư trên Shark Tank về tính cá nhân hóa của Dat Bike, tức là hướng đến nhóm khách hàng mục tiêu nhất định, Cảnh Sơn cũng chia sẻ với truyền thông vào tháng 10/2022 rằng trong tương lai Dat Bike sẽ đưa ra những mẫu xe khác nhau, phân khúc khác nhau để phục vụ nhiều người hơn.
“
Sứ mệnh của Dat Bike là chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện cho tất cả mọi người, nên mình không muốn nghĩ đến viễn cảnh sau này mọi nhà đều đi Weaver 200, cũng như mẹ mình chẳng thể đi chiếc xe đó hàng ngày được.
Dat Bike hiểu chuyện này, nhưng trong một cuộc chơi dài hạn thì công ty phải có những bước tiến rõ ràng. Ví dụ như hiện tại mục tiêu là tập trung vào công nghệ lõi để tăng hiệu năng vận hành nhưng cũng giảm giá thành. Hệ quả là Dat Bike chỉ ra mắt một vài mẫu xe để hướng đến những đối tượng khách hàng nhất định, qua đó dồn nguồn lực phát triển công nghệ lõi trên
”, Cảnh Sơn giải thích.
Gần đây, Dat Bike dường như đang rục rịch thực hiện bước tiếp theo trong kế hoạch. Tại Quyển 2 thuộc Công báo Sở hữu Công nghiệp số 425 tập B tháng 8 do Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam đăng tải, xuất hiện một mẫu xe máy điện hoàn toàn mới được Dat Bike đăng ký bản quyền kiểu dáng công nghiệp.
Khác với phong cách “bụi bặm” của dòng xe Weaver, sản phẩm mới này mang dáng xe tay ga tiện dụng hơn, được cho là hướng tới đối tượng người dùng phổ thông thay vì nhóm khách hàng trẻ và cá tính trước đó.
Dat Bike chưa công bố thêm thông tin về mẫu xe điện này, nhưng với việc đăng ký bản quyền kiểu dáng với Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, nhiều khả năng hãng sẽ sản xuất và tung mẫu xe máy điện mới này ra thị trường trong thời gian tới.
Trong bài viết của Tech in Asia, Cảnh Sơn cũng đề cập tới tương lai phải tiến ra thị trường lớn hơn. Điều này đồng nghĩa với việc xe Dat Bike phải giống những chiếc xe máy đại trà trên đường phố Việt Nam.
CEO của Dat Bike không tin rằng việc trở nên phổ biến hơn có thể khiến họ mất đi sự hấp dẫn, bởi startup này muốn cạnh tranh dựa trên khả năng vận hành kỹ thuật thay vì thiết kế.
Hiện nay, xe điện của Dat Bike đang nhận một số ý kiến trái chiều từ người dùng, chẳng hạn như tình trạng sụt pin và khả năng leo dốc bị hạn chế. Tuy nhiên, Cảnh Sơn cho rằng đây chính là thứ Dat Bike cần để thương hiệu có thể cho ra đời những sản phẩm hoàn thiện hơn trong tương lai.