“Gã khổng lồ” ngược dòng đứng dậy Cách đây 3 năm, những gì Coteccons có là một “mớ hỗn loạn”: tranh đấu nội bộ , thay đổi thượng tầng , tổn hại thương hiệu , mất hợp đồng , doanh thu lao dốc, nợ xấu tăng vọt… Từ vị thế một “gã khổng lồ” của ngành xây dựng Việt Nam, Coteccons thậm chí đứng trước hoài nghi về năng lực tồn tại khi nhân sự liên tục rời đi.
Tuy nhiên, ngay trong hoàn cảnh khó khăn nhất, những nhà lãnh đạo mới của Coteccons đã vạch ra một kế hoạch tái thiết và quyết tâm thực thi bằng mọi giá, bắt đầu từ việc “ổn định” tiến đến “chuyển đổi” rồi “mở rộng đầu tư”.
Liên tục trong 3 năm qua, Coteccons đã thực hiện hàng loạt đổi thay quan trọng, từ mô hình kinh doanh, cấu trúc tài chính đến nguyên tắc quản trị, văn hóa doanh nghiệp… Cho đến cuối năm 2021, Coteccons đã có thể tự tin tuyên bố “chúng tôi đã trở lại cuộc đua” khi công cuộc tái thiết cho ra những thành quả đầu tiên là những công bố thắng thầu hàng chục dự án với tổng giá trị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Từ quý II/2022, dấu hiệu về một thời kỳ tăng trưởng mới đã xuất hiện. Lần đầu tiên kể từ năm 2020, Coteccons có tăng trưởng doanh thu theo quý, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Đà tăng này được nối tiếp ở quý III và quý IV/2022, lần lượt là tăng gấp 3 lần và tăng gấp 2 lần. Kết thúc năm 2022, Coteccons ghi nhận doanh thu 14.537 tỷ đồng, tăng tới 60% so với năm trước. Không chỉ là một bước “nhảy vọt” đơn thuần, kết quả này còn giúp Coteccons lấy lại ngôi vị doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam (xét theo doanh thu) từ tay Hòa Bình (HoSE: HBC) sau chỉ đúng 1 năm mất ngôi.
Bước sang năm 2023, bất chấp thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng và ngành xây dựng đối diện muôn vàn khó khăn, Coteccons vẫn tăng trưởng . Kết thúc 6 tháng 2023, tương đương năm tài chính 2023, Coteccons ghi nhận 6.744 tỷ đồng doanh thu, tăng 30% so với cùng kỳ và 52 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tới 862% so với cùng kỳ năm trước, vượt 18% kế hoạch đề ra. Dòng tiền kinh doanh dương 931 tỷ đồng, cải thiện vượt trội so với cùng kỳ năm trước.
Quý I năm tài chính 2024, tương đương quý III của năm 2023, Coteccons tiếp tục tăng trưởng 32% về doanh thu, đạt 4.124 tỷ đồng và báo lãi sau thuế 66 tỷ đồng, lớn nhất kể từ đầu năm 2021 tới nay.
Cộng dồn 9 tháng năm dương lịch 2023, Coteccons có doanh thu 10.868 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 118 tỷ đồng – đánh dấu lần đầu tiên sau 3 năm, lợi nhuận của công ty trở lại với ngưỡng trăm tỷ đồng. Trong năm 2023, Coteccons đã ký một loạt gói thầu lớn với tổng giá trị gần 18.000 tỷ đồng. Backlog để lại cho giai đoạn 2024 – 2025 là 24.000 tỷ đồng, tạo ra một cơ sở vững chắc cho hoạt động kinh doanh trong những năm tới. Điều tạo nên thành tựu. Những kết quả rực rỡ như trên không chỉ xuất phát những nỗ lực vượt khó không biết mệt mỏi mà còn đến từ những chiến thuật “thông minh” của Coteccons. Nổi bật trong số đó là “Repeat sales” (bán hàng lặp lại).
Bằng việc tái hợp tác với các đối tác, Coteccons không chỉ được mời dự gói thầu thứ 2, thứ 3 mà còn được chủ đầu tư dự án chỉ định thầu. Chẳng hạn như tại dự án tổ hợp sản xuất VinFast, chủ đầu tư đã chỉ định trực tiếp cho Coteccons (tới nay đã là Vinfast 3). Tương tự là Vinhomes với loạt các dự án tại Ocean Park, Smart City, Grand Park hay chủ đầu tư Ecopark với gói thầu Sky Forest trị giá gần 2.800 tỷ đồng. Gần đây nhất, sau khi gây ấn tượng mạnh tại Diamond Crown, Coteccons tiếp tục được chủ đầu tư Doji Land trao tay dự án Golden Crown tại Hải Phòng.
Cũng cần phải nói thêm rằng, để đạt được lòng tin chiến lược với các chủ đầu tư, Coteccons đã không ngừng nâng cao năng lực thi công của mình. Với uy tín lớn, kỹ thuật xây dựng hàng đầu, Coteccons đã đưa đến cho khách hàng những sản phẩm có chất lượng cao nhất, tiến độ tốt nhất và giá cả phù hợp nhất.
Ngoài ra, với việc triển khai “PD Empowerment” – trao quyền cho các giám đốc dự án để tự kiếm nguồn việc và kiểm soát tại dự án, Coteccons đã đẩy hiệu suất công việc lên một tầm cao mới, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí để cho ra kết quả vượt trội.
Nhìn rộng hơn ở góc độ chiến lược, những năm qua, Coteccons đã mở rộng phạm vi hoạt động ra nhiều mảng miếng khác nhau của thị trường xây dựng. Từ chuyên mảng xây dựng dân dụng, thương mại, Coteccons hiện đã trở thành thế lực trong xây dựng công nghiệp, mà tiêu biểu là việc trúng thầu xây dựng nhà máy Lego tại Bình Dương trị giá 1,3 tỷ USD vào tháng 8/2022.
Dự án này không chỉ đánh dấu cho thời kỳ tăng trưởng mới mà còn cho thấy công ty đã tiếp cận thành công với tệp khách nước ngoài, vốn được đánh giá là khó và cũng là “màu mỡ” nhất hiện nay. Nó cũng đồng thời phản ánh hiệu quả của việc tập trung vào mô hình quản trị theo ESG và công nghệ xanh của Coteccons. Được biết, tính đến cuối tháng 9/23, Coteccons và Unicons đã thực hiện 38 dự án được cấp chứng nhận LEED (trên tổng số 200 dự án đạt chuẩn LEED tại Việt Nam).
Cũng không quên nhắc thêm rằng, bên cạnh mảng xây dựng, Coteccons hiện cũng đã tiến sang lĩnh vực đầu tư bất động sản, với dự án đầu tiên là The Emerald 68 (hợp tác với tập đoàn Lê Phong) tại Bình Dương. Ngoài ra, công ty cũng đang nỗ lực mở rộng đầu tư ra nước ngoài với kỳ vọng sớm hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng: 1 tỷ USD vốn hóa và 3 tỷ USD doanh thu.
Những điều đó giải thích tại sao, trong thời gian qua, Coteccons liên tục xuất hiện tại các bảng xếp hạng danh giá: VNSI – top 20 doanh nghiệp phát triển bền vững, top 10 nhà thầu uy tín, top 50 công ty xuất sắcViệt Nam và gần đây nhất là đề cử Wechoice – đơn vị vươn mình rực rỡ.
Cùng với hành trình vươn mình trong kinh doanh, Coteccons cũng nhanh chóng “làm sạch” bảng cân đối kế toán. Cách đây 3 năm, Coteccons ngập trong nợ xấu. Thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn, với tinh thần minh bạch, ban lãnh đạo mới của Coteccons đã thẳng thắn đối diện và mạnh tay trích lập dự phòng. Đến nay, về cơ bản, nợ xấu đã được trích lập đầy đủ, khiến bảng cân đối kế toán của Coteccons trở nên sáng rõ.
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản công ty đạt 20.551 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu giảm 5% so với đầu năm, còn 11.839 tỷ đồng, tương đương 57% tổng tài sản. Nợ phải trả tại ngày 30/9/2023 đạt 12.212 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu kỳ. Trong đó, nợ vay giảm 5%, còn 1.133 tỷ đồng. Với vốn chủ sở hữu 8.338 tỷ đồng, tăng 0,8% so với đầu kỳ, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ là 1,46 lần – thấp vào hàng bậc nhất trong các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hiện nay.
Điều đáng nói hơn cả là trong bối cảnh các nhà thầu đang rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau, khát tiền nghiêm trọng, Coteccons vẫn cho thấy sức khỏe lành mạnh khi tại ngày 30/9/2023, tiền và tương đương tiền tăng mạnh lên 2.225 tỷ đồng, tương đương tăng 18% so với đầu năm. Cộng với khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn (1.538 tỷ đồng), Coteccons có lượng tiền lên tới 3.856 tỷ đồng, cao bậc nhất thị trường xây dựng. Nhờ đó, công ty không chỉ được tin tưởng giao thầu, mà còn có điều kiện triển khai các giải pháp (như finance & build), giúp chủ đầu tư tối ưu bài toán đầu tư dự án. Và cũng nhờ đó, Coteccons được FiinRatings đánh giá tín nhiệm BBB (ổn định) – một điều không phải doanh nghiệp xây dựng nào cũng làm được.
Coteccons là một doanh nghiệp lớn của ngành xây dựng Việt Nam nhưng cũng từng phải hứng chịu sự hoài nghi trong giai đoạn 2020 – 2021. Có lẽ, hơn ai hết, Coteccons hiểu sâu sắc vấn đề của ngành xây dựng Việt Nam là niềm tin giữa các đối tác, nhà thầu. Bởi vậy, suốt thời gian qua, công ty đã nỗ lực cho việc hàn gắn niềm tin trong ngành, kêu gọi và thúc đẩy sự đoàn kết của các doanh nghiệp, để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn bậc nhất này. Liên danh Hoa Lư – một tập hợp của Coteccons và các nhà thầu lừng danh: Hòa Bình, Delta, An Phong, Central Cons… không chỉ là một liên danh được lập ra để tham gia đấu thầu dự án sân bay Long Thành, mà còn là biểu hiện cho những cố gắng của Coteccons trong việc gây dựng mối quan hệ tương hỗ giữa các nhà thầu, vốn từng xem nhau là đối thủ.
Đứng trước thực trạng nợ đọng thành dây chuyền đang tàn phá ngành xây dựng Việt Nam, khiến tầng lớp công nhân – bên yếu thế nhất – chịu tổn thương sâu sắc, Coteccons đã bắt tay vào chăm lo đời sống cho “những tế bào của ngành xây dựng” này. Ông Võ Hoàng Lâm, CEO Coteccons, chia sẻ : “Ai đó có thể nói Coteccons của chúng tôi đã không còn vĩ đại, nhưng với chúng tôi, vĩ đại để làm gì nếu như Tết đến, xuân về, trên công trường thiếu vắng nụ cười của người thợ xây”.
Chương trình “Xây Tết 2024” đã được Coteccons khởi động từ ngày 23/12/2023 đến tháng 1/2024 với khoảng 17.000 phần quà Tết được trao cho công nhân lao động xa nhà và làm công việc thầm lặng tại cả 3 miền đất nước, tập trung tại các tỉnh thành như; Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, TP. HCM, Bình Dương….
“Là doanh nghiệp xây dựng đầu ngành, chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với 15.000 – 20.000 công nhân đang làm việc trong lĩnh vực này. Coteccons thấu hiểu những vất vả, nguy hiểm mà người lao động đang phải đối mặt, nhất là khi Tết đoàn viên đã cận kề, mỗi người công nhân đều gánh trên vai trách nhiệm nặng nề về kinh tế đối với gia đình. Họ xứng đáng nhận được sự biết ơn của xã hội”, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons, chia sẻ lý do tổ chức chương trình “Xây Tết 2024”.
Coteccons vẫn đang miệt mài thực thi những định hướng của mình, cả ở tầm chiến lược kinh doanh, lẫn những hành động nhỏ bé nhất. Đó có lẽ là một trong những lý do khiến doanh nghiệp này đang vĩ đại trở lại. Một năm bứt phá và đó dường như mới chỉ là khởi đầu.
Nguồn tin: https://cafef.vn/coteccons-tu-mo-hon-loan-den-cu-vuon-minh-ruc-ro-188240129141013548.chn