“ Đồng tiền đã sinh ra như thế nào?
Từ một nơi an ninh tuyệt mật, từng tờ giấy sẽ được in thành tiền. Rồi chúng sẽ ngao du thế giới này. Đến nhà băng hoặc ATM. Bạn kiếm tiền, xài, để dành và sẻ chia. Tiền sẽ xoay xoay vòng vòng thành cơn lốc chi tiêu mỗi ngày. Có thể kiếm tiền, xài, để dành và sẻ chia. Mở ra thế giới với bao tiềm năng cùng những đồng tiền ”
Đây không phải là một bài giảng cho các sinh viên tài chính, nó là bài hát mà đứa con 8 tuổi của anh Việt Hưng ngày nào cũng “biểu diễn”. Chú bé giờ đây có thể nói vanh vách về cách kiếm tiền, tiên tiền, tiết kiệm, thậm chí là đầu tư sau khi xem hết các video youtube của Cha-ching và thực hành chơi game Cha-ching Money Adventures.
Hải Nam (9 tuổi) từng khiến mẹ bất ngờ khi tiết kiệm được 50.000 đồng từ các khoản tiêu vặt bố mẹ cho, và đem số tiền này quyên góp cho một bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Phụ huynh của bé Hải Nam đánh giá, khi tiếp cận kiến thức tài chính từ sớm từ, trẻ hoàn toàn hiểu được về các kỹ năng kiếm tiền, tiết kiệm, tiêu tiền và quyên góp, rồi ứng dụng vào các tình huống trong cuộc sống.
Sự thay đổi của các em trong cách sử dụng đồng tiền là một “điểm sáng” góp vào bức tranh tích cực trong hàng chục nghìn học sinh được tiếp cận kiến thức tài chính thông qua dự án Cha-Ching được triển khai tại 210 trường Tiểu học tại Việt Nam.
Cha-Ching là chương trình giáo dục về tài chính dành cho trẻ em được hợp tác phát triển giữa Quỹ Prudence (của Prudential), Cartoon Network Asia và Tiến sĩ Alice Wilder – chuyên gia giáo dục trẻ em từng đoạt giải Emmy. Cha-Ching giáo dục cho trẻ từ 7-12 tuổi và cả người lớn về tầm quan trọng của việc quản lý tài chính, xoay quanh 4 kỹ năng: Kiếm tiền, Tiết kiệm, Tiêu tiền và Quyên góp.
Nhấn mạnh về vai trò của giáo dục tài chính sớm cho trẻ, Giám đốc điều hành Quỹ Prudence (Prudence Foundation), đơn vị sáng lập dự án Cha-Ching, Marc Fancy cho biết: “Sau cuộc khủng hoảng tài chính, chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của việc triển khai chương trình giáo dục tài chính trên phạm vi toàn cầu. Tài chính hiện diện ở rất nhiều khía cạnh trong đời sống, trong từng quyết định của chúng ta mỗi ngày nhưng chưa nhận được sự quan tâm tương xứng”.
Kết quả nghiên cứu của ADB Institute về chủ đề “Hiểu biết về tài chính và công nghệ tài chính tại Việt Nam” (Fintech and Financial Literacy in Vietnam) công bố năm 2020 cho biết: khi so sánh mức độ hiểu biết tài chính giữa các nhóm tuổi của người Việt Nam trên thang điểm chuẩn là 7, nhóm người trong độ tuổi tạo ra thu nhập chủ chốt cho xã hội (từ 30-60 tuổi) lại có mức độ nhận thức về các vấn đề quản lý tài chính ở mức 4,38 – thấp hơn so với các nước khác trong khu vực châu Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Hiểu về tầm quan trọng của quản lý tài chính, nhu cầu dạy trẻ em về kỹ năng quản lý tài chính ngày càng được ghi nhận ở nhiều bậc cha mẹ. Trong các nước khảo sát, phụ huynh Việt Nam đứng thứ ba trong nhóm phụ huynh tự tin dạy con về tiền, chỉ sau Indonesia và Thái Lan. Tuy nhiên, hơn 51% phụ huynh không biết mình đã dạy con đúng cách hay chưa và 43% phụ huynh muốn tự học thêm về kỹ năng quản lý tài chính để dạy con tốt hơn.
Đây là tiền đề để Prudential phát triển dự án Cha-Ching như một hoạt động ưu tiên mang tính dài hạn. Từ năm học 2019-2020 đến nay, Prudential Việt Nam và Quỹ Prudence đã đầu tư gần 30 tỷ đồng cho các hoạt động của Cha-Ching.
Sáng kiến mang tính quyết định tới thành công của Cha-Ching tại Việt Nam là mô hình giáo dục 360 độ, bao gồm 6 phương án tiếp cận và tối ưu trải nghiệm giáo dục.
(1) Bộ 18 phim hoạt hình ca nhạc nói về hành trình phiêu lưu của 6 thành viên ban nhạc Cha-Ching với 6 cá tính, thói quen quản lý tài chính khác nhau.
(2) Giáo trình Cha-Ching với các hoạt động vừa chơi vừa học gồm 6 bài giảng xoay quanh 4 kỹ năng quản lý tài chính cơ bản: Kiếm tiền, Tiết kiệm, Tiêu tiền, Quyên góp, được tổ chức dưới dạng các trò chơi, các hoạt động thảo luận để khám phá tri thức.
(3) Trò chơi trực tuyến “Cuộc phiêu lưu của đồng tiền Cha-Ching”. Đây là một trò chơi trên nền tảng website, bao gồm 4 chặng, tương ứng với 4 thử thách quản lý tài chính là Kiếm tiền, Tiết kiệm, Tiêu tiền và Quyên góp.
(4) Cuộc thi “Cha-Ching Bé giỏi tiền hay” và “Ngày hội Cha-Ching”, là sân chơi để các bạn nhỏ ôn tập, nâng cao và chia sẻ kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính thông minh đã học cùng Cha-Ching.
(5) Chuỗi hội thảo “Hiểu và dạy con về quản lý tài chính” dành cho phụ huynh, gồm các hoạt động tư vấn, đào tạo giúp cha mẹ đồng hành cùng con chinh phục kỹ năng quản lý tài chính.
(6) Giáo dục tài chính cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: Hỗ trợ các em có hoàn cảnh kém may mắn tiếp cận những kiến thức bổ ích về tài chính thông qua các lớp học Cha-Ching miễn phí.
Không chỉ Prudential, trong bối cảnh các doanh nghiệp ngày càng nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội, các tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư… tại Việt Nam đã thực hiện rất nhiều dự án vì cộng đồng gây tiếng vang.
MBBank đã cho ra mắt nền tảng Thiện Nguyện bao gồm 2 cấu phần là Ứng dụng Thiện nguyện và Tài khoản thanh toán minh bạch. Ứng dụng Thiện Nguyện cung cấp các tiện ích cho tổ chức, cá nhân gây quỹ và các nhà hảo tâm. Tài khoản thiện nguyện minh bạch là tài khoản thanh toán tại ngân hàng MB, chỉ có 4 chữ số và tự động công khai sao kê giúp cộng đồng tham gia giám sát và đồng hành.
Nền tảng Thiện Nguyện là sáng kiến của MBBank nhằm ứng dụng công nghệ, thúc đẩy tính minh bạch trong hoạt động nhân đạo, thiện nguyện. App Thiện Nguyện được đánh giá sẽ góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát triển phẩm chất nhân ái của người Việt Nam.
Một ngân hàng khác là ACB, rất nổi tiếng với chiến lược phát triển bền vững (ESG), được triển khai xuyên suốt và sinh động. Ngay từ những ngày đầu thành lập, 2 yếu tố Quản trị (Governance) và Xã hội (Social) đã được ACB tập trung định hướng. Nếu như yếu tố G là đương nhiên và bắt buộc cho các doanh nghiệp thì S bao hàm nhiều hơn, không chỉ đơn thuần là các chương trình an sinh xã hội. Phát triển con người, xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh là 2 nội dung trọng yếu mà ACB đang thiết lập cho yếu tố xã hội.
Riêng với yếu tố môi trường (Environment) đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc trong trong thời gian dài. Chương trình Gần Lại O do ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch HĐQT của ACB trực tiếp phát động được triển khai từ năm 2013. ACB đã kiên trì 10 năm để hiện nay, ý thức bảo vệ môi trường “thấm” đến không chỉ 15.000 nhân viên mà còn cả gia đình, người thân của họ, từ đó thúc đẩy mọi người thay đổi hành vi tác động đến môi trường.
Gắn liền với mục tiêu giảm rác thải nhựa, từ 2023 – 2025, ACB triển khai thu gom 300 tấn rác nhựa. ACB kỳ vọng thời gian tới có thể lan toả tới nhiều khách hàng và đối tác của ngân hàng để cùng trực tiếp tham gia các hoạt động.
Với việc sức mạnh của ngành tài chính ngày càng cao khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng, các tổ chức tài chính lớn như ACB, MBBank, Prudential… đã và đang tạo ra những tác động tích cực và to lớn đến cộng đồng, lan tỏa được hành trình phát triển bền vững cùng những hành động có ý nghĩa, xây dựng những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống.