Kết thúc Quý 3 Niên độ (NĐ) 2022-2023, Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa (TTC AgriS, Hose: SBT) đã tiêu thụ lũy kế ~ 996 ngàn tấn Đường, tăng hơn 30% so với cùng kỳ, ghi nhận Doanh thu thuần lũy kế đạt 17.946 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ, hoàn thành 100% kế hoạch năm. Sản lượng tiêu thụ của các Kênh bán hàng ghi nhận tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ, trong đó, kênh Xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc khi sản lượng bán hàng tăng 91%, kênh Công nghiệp B2B tăng 22,5% so với cùng kỳ. Đây là một dấu hiệu khởi sắc cho thấy nhu cầu tiêu thụ đường được cải thiện đáng kể trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu niên độ đạt gần 585 tỷ đồng, hoàn thành 69% kế hoạch năm, Lợi nhuận sau thuế đạt 533 tỷ.
Kết thúc Quý 3, Đường vẫn đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu Doanh thu (DT) khi các dòng sản phẩm Đường ghi nhận 16.535 tỷ đồng, chiếm 92,1% Doanh thu, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Bên cạnh sản phẩm Đường, Doanh thu mật rỉ ghi nhận 299 tỷ đồng chiếm 1,7% tăng 6,2% so với cùng kỳ và Doanh thu điện ghi nhận 203 tỷ đồng chiếm 1,1%, tăng 11,3% so với cùng kỳ, Doanh thu phân bón ghi nhận gần 158 tỷ đồng, chiếm 1%, tăng 111% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, Doanh thu khác cũng là một điểm nhấn ghi nhận gần 751 tỷ đồng, chiếm 4,1% Doanh thu, tăng 63,4% so với cùng kỳ, Doanh thu này đến từ hoạt động bán máy móc cơ giới và các sản phẩm nông nghiệp khác như: chuối, dừa, cao su…, sự dịch chuyển trong cơ cấu Doanh thu này đã chứng minh cho việc SBT đang đi đúng lộ trình hướng tới chuỗi giá trị nông nghiệp toàn diện, trở thành Công ty nông nghiệp đa quốc gia hàng đầu khu vực, vận hành và phát triển hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ liền mạch, tối đa hóa lợi nhuận.
Cơ cấu Doanh thu theo loại hình Sản phẩm 9 tháng đầu Niên độ 2022-2023
Nguồn: Báo cáo tài chính Quý 3 Niên độ 2022-2023 của SBT.
Bên cạnh kết quả kinh doanh khả quan, quy mô của SBT cũng được mở rộng với tổng tài sản tại thời điểm 31/3/2023 đạt 29.716 tỷ đồng (~1,3 tỷ USD), tăng hơn 7% so với đầu niên độ. Dự báo xu hướng thị trường còn nhiều biến động, nhưng với nền tảng quản trị thông tin tốt, SBT đã sớm dự báo được trước sức ảnh hưởng của các biến động và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, từ đó chủ động tính toán đưa ra các chỉ tiêu kinh doanh một cách phù hợp. Tiếp tục tái cấu trúc nguồn vốn, tăng tài sản, giảm nợ và đặc biệt chú trọng kế hoạch huy động 20% vốn phần từ các Nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Ngày 27/4 vừa qua, SBT đã công bố phương án lấy ý kiến Cổ đông bằng văn bản để thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức NĐ 2021-2022 và NĐ 2019-2020. Theo đó, SBT sẽ phát hành hơn 67,3 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tỷ lệ phát hành 10%. Giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 673 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trước tháng 12/2023. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối căn cứ theo BCTC năm 2021-2022 đã kiểm toán.
Bắt tay với “ông lớn” IFC và SMBC
Cuối tháng 4/2023 vừa qua, SBT đã chính thức hợp tác chiến lược với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Theo đó, IFC và SMBC sẽ cùng tham gia tài trợ vốn thương mại, tổng mức tài trợ khoản vay vốn lưu động với quy mô 40 triệu USD cho SBT. Toàn bộ số tiền huy động được Công ty sử dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng phạm vi thị trường, theo đúng định hướng hợp tác với các Nhà đầu tư chuyên nghiệp và chiến lược phát triển của Công ty.
IFC được biết đến là một trong những tổ chức tài chính hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đầu tư tư nhân và đầu tư bền vững với những tiêu chuẩn chọn lọc rất khắt khe. SMBC là một định chế tài chính hàng đầu thế giới và là thành viên cốt lõi của Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (Tập đoàn SMBC). SMBC là một trong những ngân hàng Nhật Bản lớn nhất với tổng tài sản hơn 238.700 tỷ yên Nhật (~1.748 tỷ USD), SMBC cũng có xếp hạng tín dụng cao trên mạng lưới tích hợp toàn cầu trải rộng trên 39 quốc gia và khu vực.
TTC AgriS phát triển mô hình kinh doanh kinh tế nông nghiệp thông minh, tích hợp, TTC AgriS tiến tới khẳng định vị thế là “Nhà cung cấp các Giải pháp nông nghiệp công nghệ cao trên nền tảng phát triển bền vững”.
Việc hợp tác giữa IFC, SMBC và TTC AgriS đã chứng minh việc TTC AgriS đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn xét duyệt toàn diện khắt khe của 2 đối tác trên từ khung quản trị công ty, phát triển bền vững cũng như chiến lược kinh doanh tốt. Với vị thế doanh nghiệp nông nghiệp đa quốc gia hàng đầu Việt Nam, TTC AgriS đã luôn tiên phong trong việc nâng cấp, chuẩn hoán hệ thống quản trị doanh nghiệp trên nền tảng phát triển bền vững, áp dụng tiêu chuẩn ESG vào toàn bộ các hoạt động quản trị – sản xuất – kinh doanh, tuân thủ tuyệt đối các nghĩa vụ đối với các Bên liên quan và minh bạch thông tin.
Giá Đường thế giới chạm đỉnh trong 11 năm trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu khan hiếm
Theo dữ liệu từ trang tradingeconomics, tính đến ngày 27/4, giá đường thô tăng lên 26,9 cent/pound, mức cao nhất kể từ tháng 9/2011, chạm đỉnh trong vòng 11 năm. Nguyên nhân giá đường tăng phi mã đến từ việc lo ngại về nguồn cung toàn cầu khan hiếm, đe dọa duy trì áp lực lên lạm phát lương thực toàn cầu.
Mùa ép mía ở Châu Á đã kết thúc và chứng kiến sự điều chỉnh giảm sản lượng lớn ở các nước sản xuất chính, đặc biệt là Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Pakistan. Các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) báo cáo sản lượng đường từ tháng 10/2022 đến tháng 3 giảm 3,3% so với cùng kỳ xuống gần 30 triệu tấn. Tính chung cả niên vụ, sản lượng đường của nước này ước tính 34 triệu tấn, thấp hơn con số 36,5 triệu tấn mà ISMA dự báo vào cuối năm ngoái. Đồng thời ISMA dự báo lượng đường xuất khẩu của Ấn Độ trong niên vụ 2022 – 2023 chỉ quanh mức 6,1 triệu trấn, giảm so với mức 9 triệu tấn đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng mía của Brazil niên vụ 2022 – 2023 cũng chỉ đạt khoảng 621 triệu tấn, giảm 7,5% so với niên vụ 2021-2022.
Giá đường đang đạt mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ
Nguồn: tradingeconomics.com
Theo các chuyên gia, thời tiết khắc nghiệt có thể khiến giá đường tăng hơn nữa, lo ngại thắt chặt nguồn cung xuất phát từ triển vọng xuất khẩu hạn chế của Ấn Độ khi sản lượng của nước này không như kỳ vọng do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, cũng như nguồn cung mờ nhạt từ các quốc gia khác (Pakistan, Thái Lan,…), trong khi tiêu thụ toàn cầu tăng đều đặn và dự trữ giảm. Song song đó là những lo ngại rằng giá dầu tăng cao gần đây có thể thúc đẩy các nhà máy Brazil và Ấn Độ chuyển hướng sang sản xuất ethanol. Bất chấp việc xuất hiện dấu hiệu chững lại đà tăng và rủi ro ngắn hạn gia tăng cho thấy giá Đường có khả năng bước vào chu kỳ điều chỉnh ngắn hạn, nhưng nhiều chuyên gia kỳ vọng xu hướng trung và dài hạn của giá Đường vẫn sẽ duy trì tăng trưởng và sớm chạm mức 30 cents/lb, do tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ còn kéo dài trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi.