Nghịch lý khó hiểu hàng trăm năm của ngành dược Việt Nam
Tạo hóa ban tặng cho Việt Nam khí hậu nóng, ẩm, rất thuận lợi cho các loài cây, trong đó có cây thuốc phát triển. Theo thống kê, nước ta hiện có tới gần 5000 loài cây thuốc với gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, hướng tới xuất khẩu. Với lợi thế đó, Việt Nam cũng là một trong 15 nước hiếm hoi có tên trên bản đồ dược liệu thế giới.
Vậy nhưng bao nhiêu năm qua, ngành dược Việt Nam vẫn tồn tại một nghịch lý khó hiểu: “Sống giữa một rừng cây thuốc”, đến nay nước ta mới chỉ chủ động được 25% nhu cầu, 75% phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vào Việt Nam về dược liệu. Việc nhập khẩu nhiều nguyên liệu, lại phụ thuộc vào một số ít thị trường khiến nguồn cung thuốc thành phẩm bị hạn chế, gây áp lực đến tăng chi phí sản xuất, từ đó dẫn tới tăng giá thuốc thị trường. Chưa kể nhập khẩu dược liệu quá nhiều, cộng với thiếu sự quản lý chặt chẽ cũng dẫn tới những dược liệu nhập về có thể là những dược liệu rác, kém chất lượng.
Trước thực trạng đó, năm 2009, Traphaco đã tạo nên bước ngoặt lớn tại Việt Nam với dự án Nghiên cứu, phát triển bền vững nguồn dược liệu (Green Plan). Thay vì nhập dược liệu với chất lượng khó kiểm soát, công ty đã đi đầu trong việc hợp tác với người nông dân tại nhiều vùng sâu, vùng xa để phát triển vùng trồng dược liệu.
Cụ thể, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với người nông dân từ cung cấp hạt giống, hỗ trợ kỹ thuật theo hướng dẫn của GACP-WHO, UEBT, Organic đến thu mua thành phẩm cho bà con.
Trải qua hơn 10 năm phát triển, Traphaco đã xây dựng được vùng nguyên liệu xanh hơn 36.300 ha trải dài trên 24 tỉnh thành từ Bắc vào Nam, trong đó 5 loại dược liệu (Atiso, Rau đắng đất, Bìm bìm, Đinh lăng, Chè dây) có vùng trồng/ thu hái đạt chuẩn quốc tế GACP-WHO.
Traphaco giúp dân làm giàu từ “kho báu cỏ cây”, thu nhập lên đến trăm triệu mỗi năm
Vượt lên trên lợi ích của một doanh nghiệp là tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng, Traphaco còn giúp hàng ngàn hộ nông dân vốn có cuộc sống khó khăn, bếp bênh “đổi đời”, đem lại cho họ sinh kế bền vững và nguồn thu nhập cao.
Chẳng hạn, với mô hình trồng/thu hái dược liệu từ Traphaco, các hộ dân sẽ có thu nhập từ 8,6 triệu đồng đến 16,6 triệu đồng/hecta/tháng, tương đương hơn trăm triệu/ năm. Theo lãnh đạo nhiều địa phương đánh giá, hiệu quả của việc trồng Atiso cho Traphaco cao gấp 5 lần trồng lúa và gấp 10 lần trồng ngô. Nhiều hộ gia đình đã có thể mua được “tivi atiso”, “xe máy atiso”. Con em họ có cơ hội tới trường, giảm tình trạng lao động trẻ em ở vùng sâu vùng xa.
Trong số nhiều người như thế, gia đình anh Lý Phù Páo (bản Tả Phìn, Sapa, Lào Cai) là một ví dụ. Trước khi bắt tay với Traphaco, gia đình anh khó khăn đến mức nhiều khi trong nhà không có cái gì để ăn, mấy đứa con phải bỏ học.
Vợ chồng anh Páo bảo nhau phải thay đổi và quyết tâm tham gia vào dự án GreenPlan của Traphaco để trồng cây atiso. Với giống cây, phân bón được Traphaco cung cấp, những mầm xanh lần lượt nảy nở trên 2.000 m2 đất ruộng. Qua thời gian, nhờ công việc trồng và thu hái cây thuốc sạch, cuộc sống gia đình dần khấm khá. Anh Páo đã mua thêm tivi, xe máy mới, các con trở lại với trường học.
Góp tấm bản đồ quý cho “kho báu dược liệu” của Việt Nam
Theo các chuyên gia, phát triển vùng dược liệu không chỉ tạo sinh kế bền vững giúp xóa đói giảm nghèo mà điều quan trọng hơn, nó còn giúp bảo tồn nguồn gen quý và duy trì đa dạng sinh học, hạn chế rất nhiều tác động xấu do phải sử dụng hóa chất để bảo vệ các loại cây nông nghiệp.
Hiểu được sứ mệnh quan trọng ấy, dự án GreenPlan đã không ngừng nỗ lực tạo ra nhiều đóng góp to lớn cho việc phát triển ngành dược liệu nói chung. Cụ thể, năm 2010, Ban dự án GreenPlan đã đề xuất bản đồ phát triển một số dược liệu ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nói chung và cho Traphaco nói riêng bao gồm các vùng sản xuất dược liệu đối với cây thuốc được trồng trọt và cây thuốc thu hái ngoài tự nhiên. Đây là tấm bản đồ quý, có ý nghĩa chiến lược trong việc giúp Việt Nam phát triển vùng trồng cây thuốc, nâng tầm vị thế ngành dược Việt trên thị trường quốc tế.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, nhờ có Traphaco, nước ta có một bộ nhận diện cây thuốc và vị thuốc đầy đủ “Củ mài và vị thuốc Hoài sơn” từ đặc điểm hình thái, đặc điểm hóa học đến đặc điểm sinh học phân tử. Và cũng lần đầu tiên tại Việt Nam, các hướng dẫn về trồng trọt và thu hái cây thuốc (Atiso, Đinh lăng, Chè dây,…) đã được in thành những quyển sổ tay hướng dẫn ngắn gọn, súc tích.
Hay như riêng tại Sa Pa, năm 2021, Traphaco đã được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu dự án cấp Nhà nước “Hoàn thiện quy trình sản xuất một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ nấm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) tại huyện Sa Pa – tỉnh Lào Cai”, là kết quả của 2 năm triển khai trong thời đại dịch Covid-19. Hiện tại mô hình dự án đang được triển khai nhân rộng tại Công ty cổ phần công nghệ cao Traphaco (Traphaco CNC) với việc hình thành dự án trồng Cúc hoa vàng đạt GACP tại huyện Văn Lâm, Hưng Yên.
Một ý nghĩa quan trọng khác của dự án là Traphaco đã đảm bảo trồng trọt và thu hái cây thuốc chất lượng tốt theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới WHO, từ đó giúp phát triển, bảo tồn các loại cây thuốc và môi trường nói chung, bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý, đảm bảo đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tình trạng du canh du cư, giữ đất bám đất của người dân tộc.
Mô hình dự án GreenPlan khác biệt của Traphaco được đánh giá hoàn toàn có thể triển khai ở các địa phương của Việt Nam cũng như ở một số quốc gia tương tự ở Châu Á, Châu Mỹ, Châu Phi với nhiều quy mô hợp tác và trình độ khác nhau. Điều này mở ra cơ hội lớn giúp Việt Nam phát triển ngành dược liệu tương xứng với tiềm năng to lớn mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng, phá bỏ những nghịch lý vốn đã tồn tại nhiều năm qua.
“Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng – Human Act Prize” do báo Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị mà Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng – Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm: Tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động và tính lan tỏa.
Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org