Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 815/QĐ-XPHC xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với trại chăn nuôi lợn thuộc hệ thống của Công ty cổ phần nông nghiệp BAF Việt Nam tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Người bị xử phạt là bà Trần Thị Thu Hương do đã có hành vi vi phạm hành chính là xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 03 lần đến dưới 05 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 60 m3/ngày (24 giờ).
Quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình cho biết mẫu nước thải sau xử lý tại điểm xả thải của trại chăn nuôi lợn có thông số Coliform vượt QCVN 62-MT:2016/BTNMT cột B 03 lần.
Với hành vi vi phạm trên, cơ sở bị phạt tăng thêm 20% của mức phạt tiền đối với thông số Tổng Nitơ vượt 1,69 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 60 m3/ngày (24 giờ).
Hình thức xử phạt chính phạt tiền với trại lợn vi phạm là 132.000.000 đồng, cộng thêm các khoản chi phí bổ sung thi hành và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, tổng số tiền phải nộp là hơn 154, 2 triệu đồng.
Trại lợn do BAF thuê lại
Theo thông tin từ UBND huyện Lương Sơn, cơ sở chăn nuôi lợn của hộ bà Trần Thị Thu Hương tại xóm Quê Sụ, xã Cao Sơn bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2012, với quy mô khoảng 10 nghìn con lợn; quá trình hoạt động đến năm 2015 bắt đầu nảy sinh tình trạng xả thải với các thông số gây ô nhiễm môi trường.
Năm 2019 hộ bà Trần Thị Thu Hương cho Công ty cổ phần nông nghiệp BAF Việt Nam thuê để chăn nuôi. Do cơ sở nằm ở vị trí thượng nguồn nên việc xả thải từ trại lợn đã gây ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến đời sống của hơn 300 hộ dân ở xóm Quê Sụ và xóm Hui, xã Cao Sơn.
Thời gian qua, mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ trại lợn, nhưng đến đầu năm 2023 vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Bức xúc trước tình trạng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, ngày 3/4/2023, người dân xóm Quê Sụ, xóm Hui tiếp tục tụ tập, ngăn cản không cho xe chở thức ăn, con giống vào trại chăn nuôi của Công ty CP nông nghiệp BAF nhằm yêu cầu cơ sở chăn nuôi dừng hoạt động, chuyển đổi mô hình hoạt động sang hình thức khác không gây ô nhiễm môi trường và đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lí, di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi địa bàn, trả lại cuộc sống bình thường cho người dân.
Ngày 8/4/2023, tại buổi làm việc với người dân và Công ty cổ phần nông nghiệp BAF Việt Nam, ông Nguyễn Anh Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Lương Sơn đã yêu cầu trại lợn BAF chấp hành nghiêm nội dung văn bản số 1350/STNMT-BVMT, ngày 6/4/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường về kết quả kiểm tra, đánh giá công tác bảo vệ môi trường trại chăn nuôi lợn xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn.
Nổi bật với thương hiệu “heo ăn chay”
Theo thông tin tự giới thiệu, thành lập từ 2017 Công ty CP Nông Nghiệp BaF Việt Nam xây dựng và ngày càng hoàn thiện mô hình khép kín Feed – Farm – Food để kiểm soát toàn diện từ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, con giống, trang trại chăn nuôi công nghệ cao, sản xuất và chế biến thịt cho đến hệ thống phân phối đến tận tay người tiêu dùng.
BaF sở hữu nhà máy đầu tiên tại Việt Nam đạt cùng lúc 2 chứng nhận GLOBALG.A.P CFM 3.0 & FSSC 22000 V5.1 – những tiêu chuẩn cao nhất trong hệ thống quản lý sản xuất thức ăn chăn nuôi được công nhận trên toàn cầu. BaF ký kết độc quyền nguồn con giống chất lượng cao với tập đoàn Genesus Canada và BaF sở hữu hệ thống nhà máy sản xuất thịt khép kín, công nghệ chế biến hiện đại.
Chủ tịch HĐQT của BAF là ông Trương Sỹ Bá, sau màn ra mắt ấn tượng với thương hiệu “heo ăn chuối” của bầu Đức, tháng 10/2022, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam của đại gia Trương Sỹ Bá cũng vào cuộc chạy đua thực phẩm sạch, công bố thương hiệu “heo ăn chay – BaF Meat”.
Theo BaF, heo ăn chay là heo chỉ ăn thức ăn được làm 100% nguyên liệu từ thực vật và gốc đạm thực vật do chính công ty này nghiên cứu, sản xuất. Dinh dưỡng từ nguồn cám chay đáp ứng đầy đủ dưỡng chất cho vật nuôi trong mọi giai đoạn sinh trưởng, phát triển.
Năm 2022, BAF đã đầu tư thêm 7 trang trại mới tại Tây Ninh và Phú Yên, nâng tổng số trang trại lên 22 so với 15 vào năm 2021. Các trang trại mới đi vào hoạt động đã nâng quy mô tổng đàn lên 200.000 con (+57 % so với cùng kỳ).
Trong năm 2023, BAF dự kiến xây dựng 3 trang trại mới gồm trang trại tại Bình Phước (công suất 6.250 lợn giống và 30.000 lợn thịt) và 2 trang trại còn lại tại Nghệ An với tổng công suất 5.000 lợn giống và 90.000 lợn thịt. Chứng khoán VNDirect ước tính quy mô tổng đàn lợn năm 2023 của BAF sẽ tăng 65,5% so với năm 2022.