Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm – Đồ uống năm 2024 được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông đánh giá bằng phương pháp Media Coding; Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan.
Tổng quan về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Thực phẩm – Đồ uống
Ngành F&B Việt Nam không nằm ngoài vòng ảnh hưởng từ những biến động toàn cầu trong thời gian qua. Do khủng hoảng chuỗi cung ứng, chi phí nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất tăng cao đã tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và biên lợi nhuận.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp F&B vẫn kiên cường đối mặt với thách thức, điều chỉnh chiến lược và tìm kiếm giải pháp thay thế nhằm giảm thiểu tác động từ ngoại cảnh. Những nỗ lực này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà còn tạo đà cho sự tăng trưởng trong năm 2023.
Theo khảo sát của Vietnam Report, năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã đạt được kết quả tích cực. Tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng doanh thu tăng mạnh từ 66,7% lên 93,3%, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận tăng lợi nhuận đạt 86,7. Theo Statista, doanh thu thị trường thực phẩm Việt Nam đạt mức 96,47 tỷ USD, doanh thu thị trường đồ uống Việt Nam đạt mức 27,121 tỷ USD.
Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi. Môi trường kinh doanh ổn định sẽ mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình mở rộng quy mô, cải tiến sản phẩm, tăng cường sức cạnh tranh trên cả thị trường nội địa và quốc tế. Theo Vietnam Report, 62,5% doanh nghiệp kỳ vọng ngành F&B sẽ tăng trưởng từ 5-10% trong năm nay. Sự lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng của thị trường tăng từ 61,6% lên 87,6%.
Khó khăn, động lực tăng trưởng và chiến lược phục hồi của các doanh nghiệp F&B
Về khó khăn, có ¾ doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng là một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp F&B trong năm nay, tăng gấp đôi so với năm 2022. Những thay đổi này đến từ mối quan tâm của người tiêu dùng đến các sản phẩm xanh, hữu cơ, có nguồn gốc rõ ràng và xu hướng mua sắm trực tuyến.
Trong khi đó, gần ½ doanh nghiệp cho rằng lượng hàng tồn kho lớn cũng đặt ra thách thức không nhỏ. Nhiều doanh nghiệp đã dự trữ hàng hóa nhằm ứng phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và biến động tiêu dùng, dẫn đến áp lực lớn về chi phí lưu kho, quản lý hàng tồn, nguy cơ sản phẩm giảm giá trị và khó thích ứng với các xu hướng mới.
Dù vậy, sự hạ nhiệt của phần lớn khó khăn trong nửa cuối năm là cơ sở cho những kỳ vọng tích cực về thị trường trong thời gian tới với 3 động lực tăng trưởng chính được các doanh nghiệp Thực phẩm – Đồ uống ghi nhận bao gồm: Thương hiệu điện tử phát triển mạnh (69,2%); Chính sách giảm 2% thuế GTGT (61,5%); Hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ (50%).
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp trong ngành, chiến lược về tìm kiếm thị trường mới tăng 24% so với năm 2023. Nguyên nhân chính dẫn đến sự dịch chuyển này là do sự bão hòa của thị trường, nhu cầu tiêu dùng đa dạng và áp lực cạnh tranh trong nước.
Mặt khác, chiến lược về tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đánh giá uy tín truyền thông của các doanh nghiệp F&B
Kết quả phân tích truyền thông của Vietnam Report cho thấy 4 nhóm chủ đề được đề cập nhiều nhất trong ngành F&B bao gồm: Hình ảnh/ PR/ Scandals (18,5%); Sản phẩm (18,5%); Xã hội/ Trách nhiệm xã hội/ Tài trợ (13%); Tài chính/ Kết quả kinh doanh (7,9%). Các chủ đề còn lại trong tổng số 24 nhóm chỉ chiếm dưới 5%. Đặc biệt, nhóm phát triển bền vững có sự gia tăng đáng kể nhất (+5,3%) về tần suất xuất hiện, phản ánh xu hướng truyền thông mới của các doanh nghiệp hiện nay.
Về chất lượng thông tin, một doanh nghiệp được coi là “an toàn” khi tỷ lệ thông tin tích cực chênh lệch so với thông tin tiêu cực chiếm ít nhất 10% tổng lượng thông tin được mã hóa, trong khi ngưỡng “tốt nhất” là trên 20%. Trong ngành F&B, có 79,3% doanh nghiệp đạt mức chênh 10%, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước (+53,6%). Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành còn bị động trong việc kiểm soát thông tin khi phần lớn thông tin về hoạt động của doanh nghiệp vẫn do báo chí tự khai thác.
Đối với ngành hàng có đặc thù là sản phẩm dễ bị làm giả, việc theo dõi phản hồi của khách hàng và kịp thời cung cấp thông tin qua các kênh truyền thông uy tín là cơ hội để doanh nghiệp F&B củng cố niềm tin với người tiêu dùng, qua đó khẳng định vị thế và hình ảnh thương hiệu, đồng thời đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng.
(Nguồn: Vietnam Report)
>> Một địa phương sắp được ‘đại gia’ ngành thực phẩm ‘rót’ 80 triệu USD xây nhà máy chế biến cà phê hòa tan
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/top-10-cong-ty-uy-tin-nganh-thuc-pham-do-uong-nam-2024-158931.html