“ Nhật Bản đã xây dựng thương hiệu thịt bò Kobe rất thành công. Từ tỉnh Kobe, loại thịt bò này không chỉ nổi tiếng trong phạm vi nước Nhật mà còn lớn mạnh hơn nữa ”, Phó Giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam Boonlap Watcharawanitchakul phát biểu trong Tọa đàm “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt” do báo Thanh Niên tổ chức.
Vấn đề được đặt ra tại buổi tọa đàm là nông sản Việt Nam chưa đem lại giá trị tương xứng với tiềm năng. Mặc dù có lợi thế lớn về nông nghiệp, có nhiều nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhưng người nông dân vẫn chưa thoát nghèo. Do đó, xây dựng thương hiệu sản phẩm để bán được giá cao hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất là việc phải làm.
Ông Boonlap chỉ ra cái khó trong vấn đề xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt nằm ở chỗ đây là loại sản phẩm rất nhiều nước trên thế giới đều sản xuất được. Do đó, mấu chốt là phải tạo ra sự khác biệt.
“ Phải biết sản phẩm của mình có gì khác biệt, tốt hơn sản phẩm của các nước khác thế nào. Nếu có, mình sẽ lấy đó làm điểm mạnh. Nếu không có, mình phải xây dựng sản phẩm cho khác biệt ”, Phó Giám đốc C.P Việt Nam cho hay.
Sau khi tìm ra điểm khác biệt, bước tiếp theo là chứng minh chất lượng sản phẩm, chẳng hạn như thế giới có tiêu chuẩn Global GAP, Việt Nam có VietGAP.
Ông Boonlap cho rằng trong tương lai, nếu có thể, nên tự xây dựng tiêu chuẩn của mình sao cho người tiêu dùng thế giới cũng chấp nhận. Ví dụ, các nước Mỹ hoặc châu Âu đã xây dựng được tiêu chuẩn mà người dân châu Á chấp nhận theo.
Trước khi bắt tay vào làm marketing, xây dựng thương hiệu, ông Boonlap nhấn mạnh đầu tiên phải phân tích rõ ràng xem khách hàng của mình là ai, thị trường như thế nào, từ đó xây dựng chiến lược marketing phù hợp.
Với kinh nghiệm 22 năm làm việc tại Việt Nam, ông Boonlap đánh giá nếu muốn xây dựng thương hiệu, chúng ta phải có bộ phận chuyên nghiệp để kể lại được một câu chuyện, chỉ ra nông sản của ta khác biệt và tốt hơn so với các nước khác thế nào.
Ông lấy ví dụ rằng bà con Việt Nam rất giỏi nuôi tôm cho năng suất cao, thậm chí đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn tôm vào năm 2025. Tuy nhiên, nhiều nước khác như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan hay Malaysia cũng nuôi được tôm. Câu hỏi đặt ra là sau khi làm ra 1 triệu tấn tôm rồi thì bước tiếp theo là gì?
“ Theo kinh nghiệm của tôi, Việt Nam đang có lợi thế là sản xuất được tôm có kích cỡ lớn. Chưa có nước nào đạt được 15 con/kg. Trong khi đó, tôm kích cỡ lớn rất có giá trị. Như vậy là đã có sản phẩm khác biệt ”, lãnh đạo công ty C.P phân tích.
“ Tôi từng trao đổi với Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Bến Tre – nơi có bà con nuôi được tôm kích cỡ lớn. Nếu tính xây dựng thương hiệu tôm, anh phải truyền đi thông điệp rằng chỉ Bến Tre mới có loại tôm lớn như vậy, ai muốn thưởng thức chỉ có thể đến đây.
Thực ra cũng có địa phương khác nuôi được tôm cỡ lớn. Nhưng tương tự câu chuyện bò Kobe, thực ra cũng có tỉnh khác ở Nhật làm được. Nếu Bến Tre đi trước, xây dựng thương hiệu trước, trong tương lai khách du lịch muốn thưởng thức tôm cỡ lớn sẽ nhớ đến Bến Tre, thay vì bất kỳ nơi nào khác ”, ông Boonlap nêu quan điểm.
Một ví dụ khác được ông đưa ra là nước mắm Phú Quốc. Theo Phó Giám đốc C.P Việt Nam, người Nhật qua Thái Lan không mua thứ gì đắt tiền để làm quà tặng bạn bè khi trở về, mà mua nước mắm.
“ Người nhận còn mừng hơn so với việc được tặng những món quà khác từ bên Thái. Tôi nghĩ cái này Việt Nam cũng làm được. Sau 22 năm ở Việt Nam, tôi thấy nước mắm Phú Quốc rất ngon, xây dựng được thương hiệu và có khách hàng ”, ông đánh giá.