Theo VOV, ngày 12/10, Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai có quyết định mở thủ tục phá sản với CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) vì doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Theo quyết định, trong 30 ngày từ 9/10/2023, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho quản tài viên hoặc cho thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản là ông Lê Đình Nam. Giấy đòi nợ thể hiện rõ các thông tin bắt buộc là: tổng số nợ phải trả, gồm khoản nợ, số nợ đến hạn và khoản tiền lãi đến hạn nhưng chưa thanh toán, số nợ chưa đến hạn, số nợ có bảo đảm và phương thức bảo đảm, số nợ không có bảo đảm mà Tập đoàn Đức Long Gia Lai phải trả, khoản tiền bồi thường theo hợp đồng (nếu có).
Kèm theo giấy đòi nợ là các tài liệu chứng minh về các khoản nợ. Hết thời hạn 30 ngày, Tòa án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ phá sản để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trước đó, từ tháng 7/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai theo đơn yêu cầu của CTCP Lilama 45.3 (L43).
Đối với đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Lilama 45.3, Đức Long Gia Lai cho biết Công ty đang gặp khó khăn tài chính tạm thời do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ năm 2020 – 2023, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng do xung đột Nga – Ukraine kéo dài chưa hồi kết,…
Đức Long Gia Lai cũng khẳng định trong văn bản rằng công ty không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng; nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác. Khoản nợ của Lilama 45.3 rất nhỏ, chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của công ty, hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán của công ty. Do đó, công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản.
Ngoài ra, doanh nghiệp cho biết đã làm việc, đưa ra lộ trình trả nợ và sẵn sàng trả nợ cho Lilama 45.3 sau khi hai bên thống thất lộ trình thanh toán, nhưng phía Lilama 45.3 chưa đồng ý.
Đức Long Gia Lai vốn là một trong những tập đoàn lớn của tỉnh Gia Lai với tổng tài sản thời đỉnh cao lên gần 9.000 tỷ đồng. Doanh thu Công ty đến từ nhiều nguồn gồm bán gỗ, bán đá, bán nông sản, bán phân bón, thu phí BOT, bán linh kiện, môi giới bất động sản dịch vụ bến xe – xe buýt,… đến năng lượng tái tạo. Đáng chú ý, DLG liên tục “xoay trục”, mảng đem lại doanh thu chính liên tục thay đổi.
Đến nay mảng này đang là “trụ cột” chiếm hơn 90% tổng doanh thu. Công ty đang đầu tư 3 nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, Hàn và Trung Quốc. Xếp thứ hai về tỷ trọng đóng góp cho doanh thu là mảng thu phí BOT với khoảng 26-27% tổng doanh thu hàng năm. Được biết, DLG đang quản lý 4 trạm thu phí trên tuyến QL14.
Ngoài ra, đón đầu xu thế năng lượng tái tạo, DLG còn đang và tiếp tục đầu tư mạnh vào mảng điện gió, điện mặt trời và thuỷ điện ở Gia Lai với tổng công suất gần 4.000MW. Trong đó, chỉ 600 MW đã được Chính phủ và Bộ Công Thương đồng ý đưa vào Quy hoạch điện VII, số còn lại hơn 2.500MW đang chở bổ sung quy hoạch Chính phủ.
Đầu tư phân tán khiến áp lực chi phí DLG cao, trước khi lỗ vào năm 2019 thì chỉ số sinh lời ROA ở mức thấp, chưa đến 1%. Chỉ số ROE thậm chí chỉ đạt 0,23 trong năm 2018. Liên tục thua lỗ, tính đến 30/6/2023, DLG đang lỗ luỹ kế hơn 2.041 tỷ đồng, đã gần “ăn hết” vốn chủ sở hữu.
Sau thông tin về quyết định của Tòa án, sáng 13/10, cổ phiếu DLG đã giảm sàn xuống 2.420 đồng, lượng dư bán sàn hơn 5 triệu đơn vị.