Phiên tòa sơ thẩm giai đoạn 2 của vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã khép lại, bà Trương Mỹ Lan bị kết án tù chung thân. Ông Chu Lập Cơ hưởng mức án nhẹ nhất, 2 năm tù giam, trong khi Trương Huệ Vân, cháu gái bà Lan, bị kết án 5 năm tù.
Ngoài bản án dành cho các bị cáo, phương án khắc phục hậu quả và xử lý tài sản bị kê biên cũng thu hút sự quan tâm lớn.
Đáng chú ý là dự án Amigo do bà Lan đề cập. Tòa án nhận định rằng các tài liệu cung cấp có nhiều mâu thuẫn, nên chuyển cơ quan điều tra làm rõ.
Dự án tứ giác Bến Thành, liên quan đến Bitexco, cũng có nhiều vấn đề khi bà Lan yêu cầu thu hồi 7.000 tỷ đồng, còn phía Bitexco cho rằng đã nhận 15.700 tỷ đồng là hợp pháp và “ngay tình”. Do vậy phía Bitexco đề nghị không thu hồi. Tòa án yêu cầu tiếp tục kê biên để điều tra.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Chuyển Cơ quan điều tra về siêu dự án Amigo
Tiếp tục kê biên 18% cổ phần tại Vietcombank Bonday Bến Thành
Liên quan đến 18% vốn góp của Công ty Setra tại Vietcombank Bonday Bến Thành, phía đại diện Vietcombank đề nghị hủy bỏ kê biên để thực hiện giao dịch chuyển nhượng. Trước đó, bà Trương Mỹ Lan tính toán, giá trị chuyển nhượng số cổ phần này khoảng 920 tỷ đồng.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng Viectcombank cần nộp thêm tài liệu, chứng cứ có liên quan chứng minh giá trị chuyển nhượng đúng theo giá thị trường. Do vậy HĐXX xét thấy cần tiếp tục kê biên để đảm bảo thu hồi tài sản tối đa.
Ảnh bà Trương Mỹ Lan
>> Trương Mỹ Lan muốn dùng cổ phần khắc phục hậu quả, đại diện Vietcombank (VCB) lên tiếng
Liên quan việc chuyển nhượng cổ phần này, lời khai bị cáo Trần Văn Tuấn cho biết, đã nhận định được hiệu ứng domino với gói trái phiếu Setra phát hành, nên đã trình lên HĐQT phương án nhằm giải quyết nhanh. Tuy vậy lúc đó anh Thành vừa nghỉ việc nên bị đình trệ.
Sau đó Tuấn có làm việc với người thân bà Trương Mỹ Lan, rồi cùng ông Trương Lập Hưng lập phương án mua gói trái phiếu trước hạn sớm nhất. Phương án giải quyết là bán 18% cổ phần của Setra cho Vietcombank để có tiềnmua lại các trái phiếu hết hạn. Tuy nhiên, sự việc đi vào bế tắc vì vụ án giai đoạn 1 xảy ra và tài sản bị phong tỏa.
Tiếp tục kê biên 82% vốn cổ phần tại bảo hiểm FWD Việt Nam
Tòa án cũng quyết định tiếp tục kê biên 82% phần vốn góp tại Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam. Đây là tài sản do bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn VTP giao cho Chứng khoán TVSI và một số cá nhân, pháp nhân đứng tên. Tài sản này đã bị kê biên vào ngày 28/5/2024.
Kết luận điều tra cũng ghi thêm, 18% cổ phần còn lại tại Bảo hiểm FWD do Hồ Quốc Minh và Nguyễn Tiến Thành nắm giữ. Hồ Quốc Minh đã xuất cảnh, còn Nguyễn Tiến Thành đã chết.
TVSI tranh luận tại toà, cho rằng 10% cổ phần tại FWD là vốn của công ty và việc kê biên đã ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông. Số cổ phần này bị cho là tài sản của bà Trương Mỹ Lan và bị kê biên là không thoả đáng.
Ảnh bà Trương Mỹ Lan
>> Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Tài sản kê biên lộ diện 82% cổ phần Bảo hiểm FWD
Giao dịch cổ phần của TVSI tại bảo hiểm FWD Việt Nam bắt đầu từ tháng 3/2022. Thời điểm đó, bảo hiểm FWD công bố thông tin đã được Bộ tài chính chấp thuận về nguyên tắc việc chuyển đổi chủ sở hữu sang 1 nhóm 11 nhà đầu tư, được đại diện bởi Chứng khoán Tân Việt.
Theo xác nhận giữa FWD Assurance Vietnam Company Limited và TVSI, ngày 8/6/2022, quyền sở hữu của công ty đã được chuyển giao hoàn toàn sang các nhà đầu tư mới. Tuy vậy, vấn đề “chốt cuối” là cái phê duyệt thay đổi chủ sở hữu và điều chỉnh giấy phép hoạt động của Bộ Tài chính lại chưa có.
Trạng thái “mập mờ” này đã kéo dài hơn 2 năm, các bên vẫn đang trong quá trình “cung cấp thêm thông tin tới Bộ Tài chính về giao dịch chuyển nhượng vốn”.
Hiện 82% vốn cổ phần đang bị kê biên trong đại án Vạn Thịnh Phát, công cuộc hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng sẽ còn kéo dài.
Ngoài Vietcombank Bonday Bến Thành và bảo hiểm FWD Việt Nam, loạt tài sản khác cụng bị HĐXX đề nghị tiếp tục kê biên, như 77,89% cổ phần CTCP Dược phẩm Đông Dược 5; 84,82% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông; 13,23% cổ phần tại CTCP Đầu tư Sao Thủy…
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Lời khai của người ‘hiến kế’ chuyển nhượng 18% vốn tại Vietcombank Bonday Bến Thành
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/vu-van-thinh-phat-tiep-tuc-ke-bien-co-phan-bao-hiem-fwd-va-vietcombank-bonday-ben-thanh-168701.html