Giai đoạn 5 năm từ 2019-2023, thương hiệu quốc gia Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, đạt mức ấn tượng 102%. Cụ thể, giá trị thương hiệu quốc gia năm 2019 chỉ ở mức 247 tỷ USD, nhưng đến năm 2023 đã tăng vọt lên 498,13 tỷ USD, duy trì mức tăng trưởng phần trăm hai con số qua từng năm.
Đáng chú ý, nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa xuất hiện trong bảng xếp hạng quốc tế, thì đến năm 2022, theo thống kê của Forbes Việt Nam, tổng giá trị 50 thương hiệu hàng đầu đã đạt trên 36,6 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2021. Trong đó, các doanh nghiệp sở hữu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam chiếm hơn 60% số lượng trong Top 10.
Nhiều sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt đã chinh phục thị trường toàn cầu, khẳng định vị thế trên khu vực và thế giới.
Chỉ trong 11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 8,5 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 5,3 tỷ USD, tăng lần lượt 11% và 25% so với cùng kỳ năm trước. Hành trình từ một quốc gia nhập khẩu gạo đến vị thế nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới đã khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ của ngành lúa gạo Việt Nam, được Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) ghi nhận như một trụ cột đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Trong sự phát triển vượt bậc ấy, thương hiệu gạo ST25 nổi bật như một minh chứng điển hình. Dưới bàn tay tâm huyết của ông Hồ Quang Cua, gạo ST25 đã nhiều năm giành danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới”, không chỉ đưa thương hiệu gạo Việt vươn xa mà còn là niềm tự hào của nền nông nghiệp quốc gia. Thành công này là tiền đề để ngành lúa gạo Việt Nam tiếp tục nâng cao vị thế trên thị trường toàn cầu, khẳng định tiềm năng vượt trội trong việc xây dựng thương hiệu và chinh phục những thị trường khó tính nhất.
Không chỉ gạo, sầu riêng cũng ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường thế giới. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 3 tỷ USD, chiếm 49,11% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. Thành công này đã đưa Việt Nam trở thành đối thủ đáng gờm của Thái Lan tại thị trường Trung Quốc – nơi tiêu thụ tới 91% sản lượng sầu riêng toàn cầu.
Cụ thể, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 785.000 tấn sầu riêng từ Việt Nam, tăng 55% về lượng và 42,5% về giá trị so với năm trước. Dù giá bán trung bình của sầu riêng Việt Nam chỉ đạt 3.964 USD/tấn (tương đương khoảng 101.000 đồng/kg), thấp hơn Thái Lan, nhưng chất lượng được cải thiện và nguồn cung ổn định đã tạo lợi thế cạnh tranh đáng kể.
Nhờ đặc điểm thu hoạch rải vụ quanh năm, sầu riêng Việt Nam không chỉ duy trì nguồn cung ổn định mà còn tránh được sự cạnh tranh gay gắt với Thái Lan trong các mùa vụ chính. Bên cạnh đó, thời gian vận chuyển nhanh và giá cả cạnh tranh tiếp tục là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu.
Chỉ sau chưa đầy hai năm được mở cửa tại thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam đã chiếm 46,9% thị phần nhập khẩu, rút ngắn khoảng cách với Thái Lan – hiện chiếm 52,4%. Với đà tăng trưởng này, Việt Nam đang tạo nền móng vững chắc để sầu riêng và các sản phẩm nông nghiệp khác chinh phục nhiều thị trường khó tính trên toàn cầu.
Năm 2024 trở thành dấu mốc quan trọng trên hành trình toàn cầu hóa của VinFast, khi hãng xe điện liên tiếp xuất khẩu các lô xe đến nhiều quốc gia, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong ngành công nghiệp ô tô điện toàn cầu.
Theo Car Industry Analysis, trong 9 tháng đầu năm 2024, VinFast xếp thứ 28 thế giới về doanh số xe điện, đạt 44.260 chiếc. Thành tích này giúp hãng vượt qua những tên tuổi như Rivian (37.396 xe), Honda (30.000 xe), và Subaru (13.500 xe). Đáng chú ý, doanh số này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào mẫu xe VF 3 nổi bật tại các thị trường Việt Nam và Philippines.
VinFast cũng vừa công bố kết quả kinh doanh vượt trội trong tháng 11/2024, với hơn 16.000 ô tô điện được bàn giao – con số kỷ lục, đánh dấu sự tăng trưởng ngoạn mục. Trung bình, hơn 530 chiếc xe đã được giao mỗi ngày trong tháng, nâng tổng doanh số năm 2024 lên hơn 67.000 chiếc.
VinFast đã liên tục đánh dấu sự hiện diện của mình tại nhiều thị trường khác nhau, tại nhiều châu lục khác nhau, minh chứng cho sự vươn cao, vươn xa của thương hiệu xe Việt. VinFast đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực xe điện, ghi tên Việt Nam lên bản đồ sản xuất xe toàn cầu. Từ những bước đi chiến lược tại Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Trung Đông đến châu Âu, hãng không chỉ đưa thương hiệu Việt vươn tầm thế giới mà còn góp phần định hình tương lai bền vững của ngành giao thông.
Không chỉ tập trung vào sản xuất và kinh doanh, VinFast còn đầu tư mạnh vào mạng lưới dịch vụ hậu mãi với 120 xưởng dịch vụ trên toàn quốc, trở thành thương hiệu có mạng lưới hỗ trợ khách hàng lớn nhất tại Việt Nam. Điều này phản ánh cam kết của hãng trong việc đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng sau khi mua xe.
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng trong chiến lược chiếm lĩnh thị trường của VinFast là hệ thống cổng sạc xe điện. Trước những băn khoăn của người dùng xe điện về vấn đề trạm sạc, VinFast đã nhanh chóng trấn an người dùng bằng hành động thiết thực: Thành lập Công ty CP Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN, tách ra từ bộ phận phát triển trạm sạc của VinFast. V-GREEN đã xây dựng nên mạng lưới trạm sạc xe điện lớn nhất Việt Nam, tạo nên bước đột phá trong hành trình phổ cập xe điện trên toàn quốc.
Với tầm nhìn chiến lược dài hạn, V-GREEN đặt mục tiêu triển khai 150.000 cổng sạc trải rộng trên 63 tỉnh thành, phục vụ nhu cầu sử dụng xe ô tô điện và xe máy VinFast. Đây là dự án đầy tham vọng, phản ánh sự đầu tư mạnh mẽ của thương hiệu thuộc tập đoàn Vingroup (VIC). Song song với việc ‘tự đi’, V-GREEN còn tiên phong triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền, mở ra cơ hội hợp tác với các đối tác trên toàn quốc. Chỉ sau hơn một tháng, gần 1.000 đơn đăng ký đã được gửi về, bao gồm cả các doanh nghiệp kinh doanh trạm sạc độc lập. Nhiều đối tác đã ký kết chuyển đổi sang mô hình nhượng quyền của V-GREEN nhằm tối ưu hiệu quả kinh doanh và đồng hành cùng xu hướng chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Để nhanh chóng phủ kín trạm sạc, V-GREEN đã ký kết hợp tác với Saigon Co.op lắp đặt trạm sạc tại các cơ sở thuộc hệ thống bán lẻ này. Mới đây Vingroup tiếp tục ký kết hợp tác với PV Power nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên toàn quốc và thúc đẩy ứng dụng năng lượng tái tạo thông qua hệ thống điện mặt trời áp mái. PV Power sẽ sản xuất và cung cấp thiết bị chất lượng cao với chi phí cạnh tranh cho V-GREEN, đồng thời chuyển giao 1.000 trạm sạc quy hoạch trong giai đoạn 2025-2030 để công ty tiếp tục nghiên cứu, phát triển.
Không dừng lại ở việc ‘phủ’ trạm sạc trong nước, V-GREEN đã ký biên bản ghi nhớ với Prime Group – một tập đoàn đa ngành hoạt động tại Trung Đông và Châu Phi – để phát triển mạng lưới 100.000 trạm sạc xe điện VinFast tại Indonesia trong ba năm tới. Dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến 1,2 tỷ USD đánh dấu bước tiến lớn của V-GREEN trong hành trình quốc tế hóa.
Mở đầu năm Giáp Thìn 2024, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi dấu ấn mới khi xuất khẩu lô hàng ống thép đầu tiên đến chuỗi bán lẻ với hơn 1.200 cửa hàng tại Nhật Bản. Đây là bước tiến lớn, không chỉ khẳng định chất lượng vượt trội của sản phẩm mà còn mở ra cơ hội chinh phục một trong những thị trường khó tính nhất thế giới.
Ống thép Hòa Phát được cung cấp theo mô hình “DIY” (tự làm), mang sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng Nhật Bản. Tại đây, sản phẩm được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ làm giàn giáo, giá kệ, nhà để xe, đến các sản phẩm gia dụng. Để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe tại Nhật, sản phẩm của Hòa Phát phải đạt yêu cầu cao về độ bền, khả năng chống ăn mòn và chịu được thời tiết khắc nghiệt, kể cả khí hậu lạnh giá.
Thành công này không chỉ giúp Hòa Phát thâm nhập sâu hơn vào hệ thống bán lẻ đa dạng của Nhật Bản mà còn mở ra cánh cửa lớn hơn để mở rộng thị trường. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ và năng lực vượt trội của doanh nghiệp Việt trong việc chinh phục các thị trường quốc tế khó tính.
Đáng chú ý, nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á và thuộc Top 50 thế giới này đang đứng trước cơ hội “có một không hai” để được tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Tuyến đường sắt này được thiết kế với tốc độ tối đa 350km/h và tổng vốn đầu tư lên tới 67 tỷ USD.
Việc sản xuất thanh ray cho dự án đòi hỏi loại thép đặc biệt, có khả năng chịu lực, chịu mài mòn cao và đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về độ bền. Sau 3 năm nghiên cứu, Hòa Phát đã sẵn sàng bước vào lĩnh vực này, với cam kết cung cấp 6 triệu tấn thép các loại, bao gồm thép ray tốc độ cao và thép dự ứng lực cường độ cao.
Ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Hoà Phát) khẳng định, nếu trúng thầu, Hòa Phát sẽ cung cấp sản phẩm chất lượng cao với mức giá cạnh tranh, đảm bảo giao hàng đúng tiến độ. Đây không chỉ là cơ hội để Hòa Phát nâng tầm vị thế, mà còn là cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy ngành thép Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
Việc mong muốn tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là minh chứng rõ ràng cho năng lực của Hòa Phát trong việc đảm nhiệm các công trình mang tính chiến lược. Không chỉ tạo động lực phát triển cho ngành thép Việt Nam, Tập đoàn còn khẳng định vai trò tiên phong trong việc nâng cao năng lực sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Từ xuất khẩu ống thép đến việc tham gia dự án quy mô lớn, Hòa Phát đang vững bước trên hành trình khẳng định thương hiệu thép Việt trên bản đồ toàn cầu.
Tại Hội nghị Cà phê Quốc tế Châu Á diễn ra tại TP. HCM vào đầu tháng 12, Trung Nguyên Legend đã gây ấn tượng mạnh mẽ với các chuyên gia và tổ chức quốc tế, đặc biệt về những đóng góp trong việc đưa hạt cà phê Robusta Việt Nam trở thành biểu tượng toàn cầu. Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) nhấn mạnh: “Thành tựu của cà phê Robusta Việt Nam trên thị trường thế giới có sự đóng góp không nhỏ từ Trung Nguyên Legend”.
Được thành lập năm 1996 tại thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, từ khởi đầu khiêm tốn với một chiếc xe đạp cũ, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã biến Trung Nguyên Legend thành biểu tượng của khát vọng và sự bền bỉ. Đến nay, tập đoàn đã đưa hơn 300 sản phẩm từ những hạt cà phê Robusta chất lượng cao đến gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai, và châu Âu đều đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Nguyên Legend.
Một trong những bước tiến chiến lược của tập đoàn là việc mở rộng hệ thống quán cà phê tại Trung Quốc, với 19 không gian đã đi vào hoạt động, trong đó 10 quán là nhượng quyền. Đáng chú ý, ngày 23/10 vừa qua, Trung Nguyên Legend khai trương quán cà phê mới tại Hồ Đại Minh, Tế Nam – một địa danh văn hóa nổi tiếng thu hút hàng chục nghìn lượt check-in mỗi năm. Tính riêng trong tháng 9/2024, tập đoàn đã khai trương liên tiếp bốn không gian cà phê tại các thành phố lớn như Thượng Hải và Vũ Hán, thể hiện rõ chiến lược mở rộng mạnh mẽ với mục tiêu đạt 1.000 quán cà phê trên khắp Trung Quốc.
Không dừng lại ở đó, Trung Nguyên Legend còn chinh phục thị trường Mỹ với hai không gian “Thế giới cà phê” tại San Jose, bang California, vào tháng 7/2024, nâng tổng số quán tại đây lên bốn. Đây không chỉ là bước đi chiến lược mà còn khẳng định tầm nhìn toàn cầu của Trung Nguyên Legend, đưa hương vị cà phê Việt thăng hoa trên bản đồ thế giới.
Nếu Trung Nguyên Legend ghi dấu ấn với sự bền bỉ và chiến lược mở rộng mạnh mẽ, thì K Coffee lại mang đến một câu chuyện khác biệt về đổi mới và phát triển bền vững.
K Coffee là thương hiệu được xây dựng bởi ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh. Từ việc hợp tác với nông dân tại các vùng trồng bền vững, xây dựng nhà máy chế biến sâu đến việc áp dụng công nghệ hiện đại, K Coffee đang mang đến những sản phẩm cà phê nguyên chất, sạch và đạt chuẩn quốc tế.
Phúc Sinh đã ký kết hợp tác với LNS International Corporation để phân phối các sản phẩm của K Coffee tại những thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Úc, New Zealand và Nhật Bản. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm cà phê Việt đến người tiêu dùng toàn cầu.
Đặc biệt, cuối tháng 10/2023, cửa hàng cà phê đầu tiên của Phúc Sinh tại Kuwait đã khai trương, trở thành thương hiệu cà phê Việt Nam đầu tiên hiện diện tại quốc gia này. Quán được thiết kế độc đáo, kết hợp giữa những nét văn hóa Việt Nam mộc mạc như nón lá và hoa văn Trung Đông, tạo nên sức hút lớn đối với khách hàng địa phương.
Trong khi Trung Nguyên Legend và K Coffee tập trung vào mở rộng hệ thống quán và phát triển sản phẩm bền vững, Vinacafe tạo bước ngoặt với chiến lược đẩy mạnh cà phê chế biến sâu.
Tháng 12/2024 đánh dấu một bước ngoặt lịch sử khi Vietnam Coffee, thương hiệu chủ lực của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), chính thức xuất khẩu container đầu tiên gồm các sản phẩm cà phê chế biến sâu ra thị trường quốc tế.
Loạt sản phẩm này bao gồm cà phê hạt rang, cà phê rang xay và cà phê hòa tan. Sự kiện trên khẳng định chất lượng vượt trội và khát vọng vươn xa của một thương hiệu cà phê mang đậm bản sắc Việt Nam.
Hướng tới tương lai, doanh nghiệp đặt mục tiêu mở rộng xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời tăng tỷ trọng các sản phẩm chế biến sâu trong tổng doanh thu xuất khẩu. Doanh nghiệp không chỉ mong muốn giới thiệu những sản phẩm cà phê hảo hạng, mà còn lan tỏa câu chuyện văn hóa và tinh thần Việt Nam ra toàn thế giới.
Ngày 13/11, CTCP FPT (FPT) đã chính thức khai trương nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory) tại Nhật Bản, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược toàn cầu của tập đoàn. Nhà máy này được xây dựng trên nền tảng điện toán tăng tốc và phần mềm tiên tiến từ NVIDIA – một trong những “ông lớn” công nghệ.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm nhà sáng lập FPT, khẳng định: “Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi toàn thế giới. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác chiến lược để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây thiết yếu cho các ứng dụng AI trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Nhật Bản, theo sáng kiến toàn cầu của NVIDIA”.
Cũng trong năm 2024, FPT công bố hợp tác chiến lược với NVIDIA vào tháng 4 để thúc đẩy nghiên cứu AI, cung cấp dịch vụ và giải pháp toàn cầu. Sự hợp tác này mở ra cơ hội cho FPT vươn xa, không chỉ ở thị trường Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia khác.
Đáng chú ý, FPT vừa ký kết Thỏa thuận Dịch vụ Chính (MSA) với tập đoàn năng lượng lớn RWE của Đức, đánh dấu một bước phát triển vượt bậc trong mối quan hệ đối tác lâu dài. Sau lễ ký kết, FPT đã trao tặng Sao Chiến công hạng Nhất cho tập thể dự án RWE – FPT Software, ghi nhận thành tích xuất sắc trong việc hoàn thành hợp đồng DX và AMS lớn nhất tại châu Âu từ trước đến nay. Đây là minh chứng cho năng lực cạnh tranh quốc tế của FPT, với mục tiêu trở thành một công ty đẳng cấp thế giới.
Trước đó, tháng 11/2024, FPT lập một kỷ lục mới với hợp đồng trị giá 225 triệu USD tại Mỹ, hợp đồng lớn nhất trong lịch sử của FPT. Dự án này kéo dài 3 năm, huy động hơn 1.000 chuyên gia từ các trung tâm của FPT trên toàn cầu và đánh dấu bước chuyển mình quan trọng khi FPT chuyển sang mô hình hợp tác Managed Services.
Cùng với FPT, Viettel cũng là một biểu tượng của ngành công nghệ Việt khi mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ và viễn thông. Viettel Global – đơn vị của Viettel được thành lập vào năm 2006 – đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam ra thế giới, hiện vận hành 9 công ty viễn thông tại các thị trường đầy tiềm năng như châu Á, châu Phi và châu Mỹ, phục vụ hơn 220 triệu dân và 65 triệu khách hàng.
Trong tháng 5/2024, Viettel Global đã vươn lên dẫn đầu thị phần tại Mozambique với Movitel, duy trì mức tăng trưởng doanh thu 20% mỗi năm. Những thành tựu tại các thị trường khác như Burundi, Đông Timor, và Campuchia cũng chứng tỏ chiến lược chiếm lĩnh thị trường hiệu quả của Viettel.
Đặc biệt, vào ngày 15/10, Viettel đã chính thức trở thành nhà cung cấp dịch vụ 5G đầu tiên tại Việt Nam. Sự kiện này không chỉ đánh dấu 20 năm Viettel tham gia vào ngành dịch vụ di động mà còn kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Viettel là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam triển khai 5G trên cả nền tảng SA (Standalone) và NSA (Non-Standalone), với mạng lưới phủ sóng 5G hiện diện tại 63/63 tỉnh, thành phố, mang đến tốc độ nhanh gấp 10 lần so với 4G.
Hàng Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc vươn ra thế giới mà còn dần khẳng định vị thế riêng, trở thành niềm tự hào trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Thành công này là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ từ các doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu, đồng thời chứng minh năng lực sáng tạo, sự linh hoạt và bản lĩnh vượt khó trước những thách thức không nhỏ trên thị trường quốc tế.
Sự hiện diện của thương hiệu Việt trên các thị trường khó tính không chỉ khẳng định chất lượng sản phẩm mà còn nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia, góp phần định vị Việt Nam là một nền kinh tế năng động, sáng tạo và đáng tin cậy.
Thành quả đó còn thể hiện sự phối hợp hiệu quả giữa các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, và văn hóa, tạo nên một hình ảnh Việt Nam phát triển toàn diện và đầy sức sống trên trường quốc tế.
Đây chính là bước tiến vững chắc để thương hiệu Việt không chỉ chinh phục thị trường toàn cầu mà còn ghi đậm dấu ấn riêng biệt trong tâm trí người tiêu dùng khắp thế giới.
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/thuong-hieu-viet-vuon-tam-the-gioi-187971.html