Qua gần 2 năm kiểm soát được dịch bệnh, ngành vận tải hàng không đã có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng các hãng hàng không vẫn chưa thể có lãi. Một trong những nguyên nhân là giá bán vé máy bay không đủ bù đắp chi phí, ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Vietravel Airlines, chia sẻ mới đây.
“Việc kéo chi phí di chuyển bằng máy bay về với đi tàu, đi xe là điều không tưởng”
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng sản lượng hành khách 9 tháng thông qua các cảng hàng không đạt 89 triệu lượt, tăng 20%; trong đó khách quốc tế đạt 23,7 triệu lượt, tăng 266,8%; khách nội địa 65,2 triệu lượt khác, tăng 3,6% so với cùng kỳ 2022. Ngược lại, vận tải hàng hóa giảm 15,3% khi đạt 887.500 tấn.
Hiện, 5 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và Jetstar Pacific Airlines) đang khai thác 67 đường bay với trên 650 chuyến bay mỗi ngày. Ngoài việc tăng tần suất khai thác các đường bay hiện hữu, các hãng hàng không Việt Nam cũng khai thác một số đường bay mới như Cần Thơ-Vân Đồn, Hà Nội – Cà Mau.
Đối với thị trường quốc tế, ngoài các thị trường truyền thống và một số thị trường mới ở khu vực Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, các hãng hàng không Việt Nam cũng đẩy mạnh hoạt động khai thác các đường bay đến Ấn Độ và Úc.
Dù vậy, sau gần 2 năm, đa phần các hãng hàng không vẫn lỗ. Vietnam Airlines – hãng hàng không quốc gia báo lỗ ròng hơn 1.300 tỷ đồng nửa đầu năm và cả năm 2023 có thể lỗ trước thuế 4.500 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Bamboo Airways, Vietravel Airlines cho biết nửa đầu năm còn lỗ. Riêng Vietjet Air lãi 135 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, theo ông Biên hạ tầng hàng không nói riêng của Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển nên tình trạng quá tải đang gây áp lực cho việc phục hồi và phát triển của ngành. Trong những đợt cao điểm như nghỉ lễ, Tết Nguyên Đán, nhu cầu tăng cao nhưng hạ tầng tắc nghẽn khiến cho các hãng hàng không có khách nhưng không thể phục vụ hết công suất được. Các dự án giải quyết tắc nghẽn hạ tầng đã được khởi công như nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Long Thành…, nhưng cũng cần có thời gian để đi vào vận hành và khai thác.
Về mặt tín dụng, qua 2 năm đại dịch, hoạt động kinh doanh đóng băng, không có nguồn thu nhưng vẫn phải phát sinh chi phí duy trì bộ máy, các hãng hàng không đã gần như kiệt quệ tài chính. Hiện nay, tuy tình hình có phục hồi nhưng hãng vẫn gặp các áp lực trong việc hoàn trả các khoản nợ phát sinh trước đó kèm mặt bằng lãi suất tăng cao trong thời gian qua.
Ngoài ra, điều mà đại diện ban lãnh đạo Vietravel Airlines nhấn mạnh là các hãng hàng không đang trong tình trạng giá vé máy bay bán ra không đủ bù chi phí. Khác với các lĩnh vực khác, ngoài chi phí xăng dầu, các biến phí khác như kỹ thuật, dịch vụ điều hành bay đi, đến; hạ cất cánh tàu bay; phí đậu tàu bay (parking chargers); giá thuê quầy check in, mặt bằng, kho bãi,… tại các cảng hàng không sân bay chiếm khoảng 65 – 80%. Phần định phí chiếm 20 – 35% và tùy theo mỗi hàng, vì vậy để tối ưu chi phí thì khả năng cắt giảm hoặc hiệu quả từ chi phí cũng không thay đổi được quá nhiều.
Ông Biên cho rằng: “Việc kéo chi phí di chuyển bằng máy bay về với đi tàu, đi xe là điều không tưởng. Cũng giống như đi du lịch ở khách sạn 5 sao hay khách sạn bình thường, nên có các mức phí khác nhau phù hợp với túi tiền từng khách hàng để doanh nghiệp có thể tồn tại được”.
Phải đầu tư trên 20 tàu bay mới nói đến chuyện có lãi
Nói về câu chuyện của riêng Vietravel Airlines, ông Biên chia sẻ hãng thành lập vào cuối 2020 và có chuyến bay đầu tiên vào đầu 2021. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp gần như ngủ đông nguyên năm 2021, chỉ khai thác được trọn vẹn trong tháng 4/2021. Đó là khó khăn và áp lực lớn cho ban lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ nhân viên Vietravel Airlines.
Ông cũng chia sẻ tin vui là trong tháng 9 vừa qua doanh nghiệp đã chính thức nhận được CCAR-129 từ phía Trung Quốc. CCAR-129 là quy định đảm bảo các nhà khai thác thường xuyên đến Trung Quốc tuân thủ các tiêu chuẩn và yêu cầu về vận hành và an toàn do Cục hàng không Dân dụng Trung Quốc đánh giá. Hiện chỉ có 36 hãng hàng không trên thế giới sở hữu CCAR-129, Vietravel Airlines nằm trong số 2 hãng được cấp trong năm nay.
Đến nay, trong cơ cấu khách của Vietravel Airlines chỉ có 30% chỗ cho khách du lịch (khách theo tour) và 70% khách thương mại. Trong nửa đầu năm, doanh nghiệp đã tăng 48% số chuyến bay và 43% hành khách so với cùng kỳ 2022. Tỷ lệ lấp đầy mỗi chuyến bay lên đến 80-85%.
Xét về hiệu quả, tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp chưa có lãi, song có tín hiệu tích cực là giảm dần chi phí lỗ so với giai đoạn trước đây. Hiện nay, hãng mới khai thác 3 tàu bay, con số này theo ông Biên là chưa đủ để bù đắp chi phí. Trong kế hoạch phát triển, tùy tiềm lực tài chính và sự phục hồi của thị trường, đến 2025 – 2026, Vietravel Airlines đặt mục tiêu tăng thêm số lượng tàu bay đến 20 tàu bay và nghĩ đến việc cân bằng thu chi, có lãi.
Vietravel Airlines đang có kế hoạch tăng vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển và tìm kiếm nhà đầu tư đi cùng cho quá trình phát triển trong thời gian tới.