Chuyển đổi số là một xu hướng lớn trong bối cảnh thế giới. Báo cáo từ Statista dự đoán chi tiêu toàn cầu cho chuyển đổi số dự kiến sẽ vượt tới 3.400 tỷ USD trong năm 2026.
Ở Việt Nam, Chính phủ cũng sớm thúc đẩy chuyển đổi số, khẳng định đây là xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, chuyển đổi số được cho là sẽ giúp doanh nghiệp (DN) giảm thiểu chi phí vận hành, tăng hiệu suất, cải thiện mức độ cạnh tranh DN trên thị trường, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
Nhiều chính sách bật đèn xanh được đưa ra và thể hiện quyết tâm đưa Việt Nam vào top các quốc gia tiên phong chuyển đổi số, như “Nghị quyết số 52-NQ/TW” của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” – phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia đứng đầu thế giới, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số.
Dù vậy, khảo sát từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận, 90% số DN được khảo sát đang cho thấy việc chuyển đổi số chưa thành công. Điều này đặc biệt dễ thấy trong nhóm DN vừa và nhỏ (SME) – vốn chiếm hơn 97% số DN Việt Nam hiện tại.
Có nhiều nguyên nhân đặc thù dẫn tới các thách thức trong chuyển đổi số của loại hình DN này, bao gồm:
Thứ nhất, thiếu hụt về vốn : Theo Báo cáo thường niên chuyển đổi số DN mới đây được thực hiện bởi Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) và Dự án USAID LinkSME, hơn 60% DN cho biết rào cản của họ khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ cao.
Các DN nhỏ thường không xông xênh về dòng tiền, trong khi tài chính trong chuyển đổi số là một câu chuyện khó khăn, các DN nhỏ thường phải chật vật để xoay sở giữa nguồn tiền để duy trì vận hành, tiền để đầu tư cho các dịch vụ chuyển đổi số. Đại dịch Covid-19 đã khiến tình trạng trở nên tệ hơn. Nhiều đơn vị thậm chí coi rằng chuyển đổi số là cuộc chơi của nhà giàu, chỉ dành cho các DN và tập đoàn lớn.
Thứ hai, bài toán nhân lực : Để thành công chương trình chuyển đổi, các DN cần nguồn nhân lực có tay nghề cao và chuyên môn sâu. Dù được đánh giá là một trong những thị trường công nghệ thông tin vô cùng triển vọng, Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn về nhân lực trong lĩnh vực này. Một thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam cần tới 90.000 nhân lực trong lĩnh vực kinh tế số, xã hội số, nhưng các chương trình công nghệ thông tin trong nước vẫn chưa đủ đáp ứng con số này.
Thứ ba, tư duy chuyển đổi số : Cần nhấn mạnh, công cuộc chuyển đổi số phải xuất phát từ người lãnh đạo. Tuy vậy, rất nhiều lãnh đạo cho rằng DN quy mô nhỏ thì không có nhu cầu chuyển đổi số. Cũng có trường hợp, do khó khăn tài chính nên nhiều chủ DN cho rằng, chuyển đổi số là “cuộc chơi của nhà giàu” và không có đất cho các SME.
Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo DN vẫn chưa nhìn được tổng thể quá trình chuyển đổi số, chưa xác định được kĩ càng mục tiêu chuyển đổi số. Do đó, tạo ra những dự án chuyển đổi số mang tính cục bộ, rời rạc, không có tính liên kết giữa các phòng ban, làm phân tán nguồn lực, không đem lại kết quả hoặc thậm chí còn khiến việc vận hành của DN thêm phức tạp và cồng kềnh hơn trước.
Giải pháp cho DN vừa và nhỏ trong ‘cuộc chơi’ chuyển đổi số?
Chia sẻ dưới góc nhìn người trong cuộc, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital cho rằng để khắc phục những vấn đề kể trên, DN cần chú tâm vào ba khía cạnh chính để xác định bài toán chuyển đổi số gồm thúc đẩy vận hành, cải thiện trải nghiệm khách hàng trên môi trường số và tích lũy dữ liệu để mang đến mô hình kinh doanh mới. Từ ba khía cạnh trên, lãnh đạo DN có thể xác định mục tiêu chuyển đổi số và đề ra kế hoạch chuyển đổi số.
Về vấn đề kinh phí cho chuyển đổi số, Cục chuyển đổi số Quốc gia khuyến nghị, mức chi với mỗi DN tối thiểu nên là 10% tổng chi hàng năm cho chuyển đổi số để đảm bảo hiệu quả chuyển đổi. Tuy vậy, các DN cần căn cứ vào chiến lược chuyển đổi số của mình để định ra mức chi phù hợp.
Hiện nay, mức chi trung bình của thế giới là khoảng 2 – 3% tổng chi và Việt Nam là chỉ khoảng 0,3% tổng chi. Bên cạnh đó, vào năm 2022, Chính phủ cũng đã triển khai Chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ chuyển đổi số (SMEdx), trong đó các SME cũng có thể được hỗ trợ lên tới 50% chi phí nếu thuê, mua các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số được bộ TT&TT chứng nhận, công bố.
Cuối cùng cũng là vấn đề lớn mà các DN phải đối mặt đó là nguồn lực về IT. Để giải quyết vấn đề này, một số các đơn vị IT trên thế giới đã cung cấp các giải pháp nền tảng chuyển đổi số. Có thể kể tới Zoho – một trong những kì lân công nghệ thông tin của Ấn Độ với nền tảng Zoho Creator. Đây là một nền tảng phát triển ứng dụng ít lập trình (low-code) giúp DN có thể thiết kế, phát triển và vận hành các giải pháp chuyển đổi số của mình.
Tuy vậy, điều tiên quyết cho một chương trình chuyển đổi số thành công vẫn phải xuất phát từ nhân tố con người, cụ thể là tư duy, văn hóa doanh nghiệp, cách ứng dụng của lãnh đạo và nhân viên DN trong thực hiện chuyển đổi số.