CTCP Điện mặt trời KN Cam Lâm (công ty thực hiện dự án ĐMT KN Cam Lâm) được thành lập vào tháng 4/2017, vốn điều lệ ban đầu 400 tỷ đồng. Pháp nhân góp vốn bởi CTCP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành (Golf Long Thành) và một cá nhân.
Năm 2019, Hanwha Energy đã mua 70% cổ phần của doanh nghiệp dự án, trong khi nhóm cổ đông khác nắm 30% còn lại. Sau khi thương vụ chuyển nhượng hoàn tất, CTCP Điện mặt trời KN Cam Lâm có vốn điều lệ 222 tỷ đồng.
Tháng 4/2023, CTCP Điện mặt trời KN Cam Lâm công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Tỷ lệ sở hữu của Hanwha Energy Corporation Singapore Pte Ltd giảm từ 70% về còn 19%, theo đó 51% cổ phần được chuyển nhượng về lại một thành viên của Golf Long Thành.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra các khuyết điểm, vi phạm khi triển khai dự án Điện mặt trời KN Cam Lâm, tọa lạc tại xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, có tổng công suất là 50MWp. Dự án được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến 2035 (Quyết định số 424/QĐ-BCT ngày 31/1/2018).
Theo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (NLTT) thẩm định, đã không tiếp thu đầy đủ ý kiến của EVN tại văn bản số 5237/EVN-KH ngày 7/11/2017 đối với hồ sơ bổ sung dự án Nhà máy ĐMT KN Cam Lâm vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa.
Ý kiến của EVN nêu: “Có giải pháp tổng thể trong công tác Quy hoạch phát triển các nguồn điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để phù hợp với nhu cầu và cơ sở hạ tầng lưới điện, tránh gây áp lực quá lớn lên việc đầu tư hệ thống điện truyền tải và đảm bảo hiệu quả chung của toàn xã hội”.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, UBND tỉnh Khánh Hòa chưa hoàn thành việc xử lý khoản ngân sách nhà nước đã chi giải phóng mặt bằng thuộc dự án Hồ chứa nước Tà Rục trước đây với tổng số tiền 77,8 tỷ đồng (theo báo cáo của UBND huyện Cam Lâm).
Về việc này, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 592/TB-UBND ngày 26/12/2022 kết luận, chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với sở ngành để xử lý tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án thuê đất tại bãi vật liệu phục vụ thi công Hồ chứa nước Tà Rục theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính và quy định của pháp luật. Trách nhiệm đối với khuyết điểm nêu trên thuộc về UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở ngành có liên quan.
Còn Nhà máy ĐMT Sông Giang nằm trên địa bàn 2 xã Cam Thịnh Tây và Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh (Khánh Hòa). Nhà máy được xây dựng với diện tích khoảng 60ha, tổng công suất 50MW. Tổng vốn đầu tư của nhà máy gần 1.200 tỷ đồng.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, việc Cục Điện lực và NLTT trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung Dự án Nhà máy ĐMT Sông Giang, công suất 40MWp vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035, vận hành năm 2019, trong quá trình Cục Điện lực và NLTT thẩm định đã không tiếp thu ý kiến tham gia của EVN.
Đến thời điểm thanh tra, dự án vẫn đấu nối tạm, chưa chuyển về phương án đấu nối chính theo phê duyệt của Bộ Công Thương. Trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương. Cục Điện lực và NLTT trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy mô công suất Dự án Nhà máy điện mặt trời Sông Giang từ 40MWp lên 50MWp, nhưng không tổ chức thẩm định là không thực hiện đúng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 25 Thông tư số 43/2013/TT-BCT.
Dự án Nhà máy ĐMT Trung Sơn 30MW nằm ở xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm) với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án Nhà máy ĐMT Trung Sơn 30MW không đảm bảo năng lực tài chính và hồ sơ dự án không đúng quy định của Luật Đầu tư năm 2014.
Đồng thời, chủ đầu tư dự án không đủ năng lực tài chính để được thuê đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 nhưng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định chủ trương đầu tư. Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Khánh Hòa, các sở ngành có liên quan.
Nguồn tin: https://cafef.vn/golf-long-thanh-va-he-sinh-thai-kn-investment-group-dang-vay-no-khung-co-nao-188240223072007618.chn