Năm 2024, Đà Nẵng đã có những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là ngành vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Thành phố đã thu hút thêm 5 công ty thiết kế vi mạch, nâng tổng số doanh nghiệp trong ngành này lên 13, qua đó khẳng định vị thế trung tâm công nghệ cao hàng đầu khu vực miền Trung.
Trong năm qua, Đà Nẵng đã ban hành 3 Nghị quyết quan trọng, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI, cùng quản lý cơ sở hạ tầng thông tin. Những chính sách này là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội, tạo tiền đề thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã ghi nhận hơn 1,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2024, chủ yếu từ các lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ. Những tập đoàn hàng đầu thế giới như Nvidia, Qualcomm, Intel, Mediatek và Foxlink (Đài Loan – Trung Quốc) đã góp mặt, tạo động lực lớn cho sự phát triển của thành phố. Trong đó, Foxlink đầu tư 135 triệu USD và đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động.
Tính đến ngày 25/12/2024, Đà Nẵng đã thu hút 243,4 triệu USD vốn FDI, tăng 33,2% so với năm trước. Thành phố đã cấp mới 71 dự án với tổng vốn đăng ký 233,6 triệu USD, tăng 54,2%; điều chỉnh vốn cho 26 dự án với mức tăng 7,9 triệu USD và ghi nhận 23 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị 1,9 triệu USD.
Đà Nẵng hút 1,5 tỷ USD vốn FDI, chủ yếu từ lĩnh vực bán dẫn. Ảnh: Internet
>> Viettel đề xuất cơ chế đặc biệt mua bí mật công nghệ cao
Trong nước, thành phố đã cấp chứng nhận cho 19 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 73.300 tỷ đồng, tăng 56,5% so với năm 2023. Tuy số lượng dự án mới giảm nhẹ, Đà Nẵng vẫn ghi nhận 4.051 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện mới thành lập trong năm 2024.
Ngày 26/1/2024, Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo Thiết kế Vi mạch và Trí tuệ Nhân tạo (DSAC) chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu vai trò tiên phong của Đà Nẵng trong lĩnh vực công nghệ cao. Thành phố đặt mục tiêu đào tạo và thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao vào năm 2030, đồng thời xây dựng hệ sinh thái vi mạch bán dẫn hoàn chỉnh.
Đặc biệt, Đà Nẵng dự kiến đưa vào hoạt động ba phòng thí nghiệm mới tại Công viên Phần mềm số 2 vào năm 2025, bao gồm hai phòng thiết kế vi mạch và một phòng trí tuệ nhân tạo. Giai đoạn hai của Công viên Phần mềm số 2 cũng sẽ được hoàn thiện, với các tòa nhà ICT2 và ICT3 sẵn sàng đi vào hoạt động.
Trong giai đoạn 2024-2027, thành phố tập trung đào tạo nhân lực và thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời chuẩn bị cho sự phát triển của doanh nghiệp nội địa và khởi nghiệp trong giai đoạn 2027-2030. Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong chiến lược phát triển công nghệ cao của Việt Nam.
Theo báo cáo Expat Insider 2022 của tổ chức InterNations, Việt Nam xếp hạng 7 trong danh sách 52 quốc gia lý tưởng nhất cho người nước ngoài sinh sống, trong đó Đà Nẵng là một trong những lựa chọn hàng đầu. Trước đó, vào năm 2018, tạp chí du lịch Live and Invest Overseas cũng đã vinh danh Đà Nẵng là một trong 10 địa điểm đáng sống nhất thế giới.
>> Hóa chất Đức Giang (DGC) được dự báo ‘hốt bạc’ từ các siêu dự án bán dẫn tỷ đô
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/thanh-pho-dang-song-nhat-viet-nam-hut-1-5-ty-usd-von-fdi-chu-yeu-tu-13-dai-bang-ban-dan-190261.html