Là tổ chức công nghệ hàng đầu Việt Nam, Zalo đầu tư tổ chức nhiều hoạt động có độ khó cao, để truyền động lực và khuyến khích nhân viên phát triển. Kì kiểm tra năng lực hằng năm dưới hình thức bài kiểm tra IQ hoặc GMAT là một ví dụ tiêu biểu cho nét văn hóa “Embracing challenges” (sẵn sàng đón nhận thách thức) tại Zalo.
Top 20 cá nhân xuất nhất kì kiểm tra năng lực nội bộ của Zalo
Độ khó “level max” từ hoạt động trí não đến thể chất
Nhằm giúp nhân viên “luyện não”, Zalo tổ chức kì thi IQ hằng năm. Trong 2 năm gần đây, kì thi này được thực hiện dưới hình thức đề thi GMAT (Graduate Management Admission Test). Với độ khó cao, bài thi thuộc chuẩn đánh giá năng lực quốc tế dành cho sinh viên dự tuyển các chương trình Thạc sĩ, Tiến sĩ về kinh tế và kinh doanh.
Trong 90 phút, nhân viên Zalo phải vượt qua 40 câu hỏi hóc búa thuộc nhiều lĩnh vực như: toán định lượng, tiếng Anh, logic, tư duy tích hợp… Trung bình mỗi nhân viên chỉ có 135 giây/câu hỏi và không được sử dụng máy tính hay tài liệu hỗ trợ.
Mỗi năm, cuộc thi đều tạo ra bầu không khí phấn khích. Với nhiều “sĩ tử” Zalo, việc lọt top điểm số rất đáng mong ước, nhưng “chiến tích” tự hào nhất vẫn là khi vượt qua được chính bản thân mình. “Lần đầu tham gia là cách đây 10 năm. Mình hơi e ngại và khá lo lắng. Nhưng qua mỗi năm, càng tham gia, mình càng hào hứng và đón chờ thử thách cao hơn. Kích thích nhất là khi tự vượt qua được mục tiêu điểm số do chính mình đặt ra.” – chị Trần Phương Thảo Ngân, nhân viên gắn bó 10 năm tại Zalo chia sẻ. Thảo Ngân cho biết, qua cuộc thi chị cảm thấy bản thân có sự phát triển rõ rệt. Không phải chỉ ở điểm số, Zalo truyền cảm hứng thôi thúc bản thân học hỏi mỗi ngày.
Bên cạnh cuộc thi “hack não”, các chuyến leo núi có độ cao hàng nghìn mét hay đi bộ xuyên rừng với cự ly hàng chục cây số từ lâu đã trở thành “đặc sản” trong văn hóa nội bộ Zalo. Các năm qua, nhân viên Zalo đã chinh phục thành công một “bộ sưu tập” các cung trekking đầy thách thức như: đỉnh Fansipan – nóc nhà Đông Dương, công viên quốc gia Doi Suthep-Pui tại Chiang Mai (Thái Lan), hay đỉnh Poon Hill trên dãy Himalaya hùng vĩ (Nepal)…
Trần Đức Anh – Một kĩ sư trẻ tại Zalo có cơ hội tham gia chuyến trekking tại Chiang Mai (Thái Lan) năm 2023 không khỏi bồi hồi khi nhớ lại: “Quãng đường thật sự rất khó đi nhưng cuối cùng, mình vẫn tự hào về đích. Mình cảm thấy lâng lâng về điều mà mình đã làm được.” – Đức Anh chia sẻ.
Cung đường trekking độ khó cao được nhân viên Zalo yêu thích
“Embracing challenges”: Từ văn hóa nội bộ đến sản phẩm công nghệ hàng đầu
Từ khóa “Embracing challenges” (sẵn sàng đón nhận thách thức) nằm trong DNA của văn hóa Zalo và thể hiện xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm và đưa sản phẩm đến với người dùng. Cũng với tinh thần này, Zalo cho ra đời loạt sản phẩm công nghệ đủ sức vượt qua các đối thủ quốc tế.
Ngoài Zalo – ứng dụng liên lạc với hơn 76 triệu người dùng thường xuyên, hay Zing MP3 – ứng dụng nghe nhạc trực tuyến hàng đầu Việt Nam, trong những năm gần đây, tổ chức này có nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào đời sống.
Bắt đầu từ năm 2017, trong bối cảnh sự hiểu biết về AI tại Việt Nam còn hạn chế và nguồn lực cơ sở hạ tầng còn giới hạn, Zalo là tổ chức tiên phong đón nhận thách thức để nghiên cứu và ra mắt Trợ lý giọng nói “Make in Vietnam” Kiki. Sự kiện ra mắt Kiki tại Zalo AI Summit vào tháng 12/2020 là cột mốc mang lại nhiều cảm xúc khó tả cho người làm sản phẩm tại Zalo.
Sau 3 năm ra mắt, Kiki đã gặt hái những thành công đầu tiên. Mặc dù số lượng ô tô tại Việt Nam thấp hơn so với thế giới, và việc tích hợp trợ lý giọng nói tiếng Việt lên các dòng xe chính hãng là hết sức khó khăn, tính đến hết quý 1/2024, Kiki Auto đã ghi nhận hơn 700.000 lượt cài đặt, chiếm hơn 10% thị phần ô tô tại Việt Nam. Số lượt truy vấn mỗi ngày đạt hơn 230.000 lượt. Đây là cột mốc ấn tượng đối với một sản phẩm AI chỉ vừa tròn 3 tuổi.
Việc tích hợp Kiki lên ôtô mang lại trải nghiệm rảnh tay, tăng độ an toàn cho tài xế
Thách thức nối tiếp thách thức. Khi thế giới chưa hết bất ngờ trước khả năng vô hạn của ChatGPT và hàng loạt ứng dụng nở rộ từ các mô hình ngôn ngữ lớn trên thế giới như: GPT (của OpenAI), Llama (Meta), PaLM (Google)… vào tháng 12/2023, Zalo cũng đã gây bất ngờ khi chào sân thành công mô hình ngôn ngữ lớn của riêng mình – Kiki Language Model (KiLM). Đây cũng là một trong những mô hình ngôn ngữ lớn đầu tiên được chào sân tại Đông Nam Á.
Trong một thử thách dưới hình thức game Kahoot được đặt ra bởi Tinhte.vn, mô hình ngôn ngữ 7 tỷ tham số còn đang phát triển của Zalo đã trả lời đúng nhiều câu hỏi khó, và vượt qua các mô hình nổi tiếng của thế giới như GPT-3.5 (OpenAI), Llama-2 (Meta), Qwen (Alibaba), và chỉ xếp sau mỗi GPT-4 (OpenAI). Dấu ấn này càng góp phần khẳng định khả năng của kĩ sư Việt Nam trong việc huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn.
Màn chào sân của Kiki Language Model do Zalo phát triển vào tháng 12/2023
Chia sẻ về hành trình phát triển Kiki Language Model, anh Nguyễn Bá Đạt, Giám đốc sản phẩm tại Zalo cho biết “Zalo đã bắt đầu một thử thách lớn lao với nhiều sự thiếu thốn.”. Từ thiếu hạ tầng tính toán, đến thiếu dữ liệu, nguồn lực và kinh nghiệm huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn… Nếu chỉ chờ đợi và phụ thuộc vào những nguồn lực hạn chế, mà không có sự quyết tâm và nghiêm túc vượt khó từ đội ngũ lãnh đạo và kĩ sư, thì dự án huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn không thể thành công.
Anh Đạt nhớ lại thời điểm đầu năm 2023, do ảnh hưởng từ chính sách của Mỹ trong việc hạn chế xuất khẩu GPU (Bộ xử lý đồ họa có giá hàng tỷ đồng và là thành phần cơ bản trong việc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn), doanh nghiệp Việt dù muốn cũng khó mua được hạ tầng vi xử lý AI. Song, với tinh thần “Embracing challenges” và quyết tâm vượt khó, các kĩ sư Zalo đã tận dụng các GPU dân dụng nhỏ có sẵn để làm một loạt nghiên cứu trong khả năng. Mục tiêu là khi có hạ tầng tính toán lớn, đội ngũ đã có sự chuẩn bị, có hiểu biết và năng lực để tiến hành huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn ngay.
Và kết quả là Kiki Language Model được huấn luyện với tốc độ nhanh chóng và có màn chào sân đầu tiên chỉ sau 6 tháng phát triển. Mô hình này đang được Zalo tiếp tục phát triển ra nhiều phiên bản kích cỡ tham số khác nhau. Trong tương lai gần, Kiki Language Model sẽ tạo tiền đề cho sự ra đời của nhiều ứng dụng hữu ích, như: chatbox, chăm sóc khách hàng…
“Đối với tôi, mọi thách thức trong công việc không phải là những khó khăn, mà là cơ hội để làm những điều lớn lao, có ý nghĩa. Nó vừa thúc đẩy mình phát triển, cũng là tạo ra niềm vui & động lực trong quá trình làm việc.” – anh Đạt chia sẻ thêm.
Qua sự thành công của hàng loạt sản phẩm công nghệ, có thể thấy, “Embracing challenges” là văn hóa và tinh thần thiết yếu của cả đội ngũ xây dựng sản phẩm tại Zalo. Nhờ tinh thần này, nhân viên Zalo sẵn sàng trước mọi thách thức để phát triển sản phẩm hữu ích, chạm đến đẳng cấp của thế giới và phục vụ nhu cầu của người dùng.
Nguồn tin: https://cafef.vn/embracing-challenges-thach-thuc-lam-nen-ban-linh-ki-su-zalo-188240319150224278.chn