Ngày 29/6, CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Báo cáo Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 và Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 của ban lãnh đạo nhận định năm 2022 vẫn là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.
Dẫu vậy, nhờ mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh cho các đơn vị sản xuất và kinh doanh thực phẩm, duy trì hoạt động của các đơn vị kinh doanh khách sạn và dịch vụ, và tập trung tháo gỡ các vướng mắc nội tại của các dự án bất động sản… kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của OGC vẫn khả quan.
Theo đó, tổng doanh thu năm 2022 của OGC đạt hơn 1.044 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 59 tỷ đồng, đạt 151% so với mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Đáng chú ý, nhiều chỉ số tài chính của Tập đoàn được cải thiện vượt trội so với năm 2021. Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu từ âm 53% tăng lên thành dương 11%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu từ âm 27% tăng lên thành dương 11%; ROA từ âm 8,4% tăng lên thành dương 2% và ROE từ âm 25% tăng lên thành dương 5,8%.
Ngoài ra, công tác thu nợ có tín hiệu tích cực, các khoản chi phí phát sinh đã được các đơn vị thành viên kiểm soát, tiết giảm.
Tập trung vào hoạt động kinh doanh bất động sản
Về định hướng phát triển trong năm 2023, Đại hội thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 là 1.218 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 142 tỷ đồng, tăng tương ứng 17% và 141% so với thực hiện của năm 2022. Trong đó, kinh doanh bất động sản sẽ trở thành mảng kinh doanh cốt lõi được Tập đoàn OGC đặc biệt chú trọng.
Báo cáo của OGC cũng thể hiện “của để dành” của doanh nghiệp với quỹ đất có vị trí đắc địa chưa được khai thác, như: Dự án Tổ hợp văn phòng – TTTM – khách sạn và căn hộ cho thuê tại 25 Trần Khánh Dư (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Dự án tòa nhà văn phòng hạng A, 25 tầng tại số 106 đường 3-2, phường 14, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh…
“Mặc dù thị trường vẫn còn những khó khăn nhưng với OGC, các dự án bất động sản đều rất có triển vọng và tiềm năng lớn khi Tập đoàn có quỹ đất khá lớn nằm ở các vị trí đắc địa và lợi thế của OGC là không có nợ trái phiếu, dư nợ tín dụng ít và bất động sản của công ty đều có nguồn gốc rõ ràng, đã trải qua nhiều bước thẩm tra, thẩm định pháp lý trong suốt thời gian qua”, bà Lê Thị Việt Nga, Chủ tịch Hội đồng Quảng trị OGC cho biết.
Theo đó, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang hồi phục dần, Ban điều hành sẽ có những chiến lược nghiên cứu kỹ lưỡng, đi từng bước “chậm mà chắc”, và nâng cao sức cạnh tranh, năng lực quản trị điều hành, nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn về pháp lý để tái triển khai các dự án trong thời gian sớm nhất nhằm đón đầu con sóng phục hồi của thị trường, từ đó tạo ra các bước đột phá về doanh thu và lợi nhuận trong tương lai.
“Yếu tố then chốt để Tập đoàn OGC tự tin phát triển lĩnh vực kinh doanh BĐS còn nằm ở bộ máy Ban lãnh đạo tinh nhuệ, dày dặn kinh nghiệm, năng lực điều hành tốt cũng như khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư từ cổ đông chiến lược”, bà Nga nhấn mạnh.
Liên quan đến mảng sản xuất kinh doanh thực phẩm của Công ty, ông Vũ Xuân Dương, Kế toán trưởng cho biết đây vẫn sẽ là mảng có tính sinh lời cao trong năm 2023 và OGC sẽ tiếp tục mở rộng kênh bán hàng, marketing, đa dạng hoá phương thức thanh toán cho khách hàng nhằm thúc đẩy doanh số mảng kinh doanh này.
Trái lại, mảng kinh doanh doanh khách sạn dù vẫn bị ảnh hưởng do khách du lịch quốc tế không cao như kỳ vọng song tiềm năng tăng trưởng vẫn được đánh giá cao.
Sau khi ra khỏi diện hạn chế giao dịch vào cuối năm 2022, cổ phiếu OGC có những đợt tăng giá đột biến nhưng theo bà Phạm Thị Hồng Nhung, Tổng Giám đốc, OGC chưa phản ánh đúng tiềm năng và kỳ vọng của cổ đông về giá trị nội tại của OGC. Vì vậy, Ban lãnh đạo Công ty đang nỗ lực tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó từng bước cải thiện giá trị cổ phiếu OGC trên thị trường.
Theo đó, trong quản trị doanh nghiệp, Công ty sẽ tiếp tục tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh – gọn – nhẹ, vừa tăng năng suất lao động vừa đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, nhân viên. Tài chính Công ty được quản lý minh bạch, tăng cường giám sát định kỳ, công tác thu hồi công nợ được bộ phận pháp chế cùng tham gia chặt chẽ để bảo vệ lợi ích của đơn vị.
Ngoài ra, các hoạt động công bố thông tin diễn ra đúng hạn, đúng quy định của Nhà nước để đảm bảo tính công bằng, minh bạch của thị trường chứng khoán và tạo niềm tin cho nhà đầu tư.