Từng là tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất Trung Quốc, cuối năm ngoái, các chủ nợ của Zhongwang đã đệ đơn xin phá sản công ty. Phần lớn tài sản của người sáng lập và cổ đông lớn nhất Liu Zhongtian đã bốc hơi theo. Năm nay, ông Liu bị loại khỏi danh sách người giàu lập bởi tạp chí Forbes.
Gần đây, công ty Zhongwang đã đệ trình kế hoạch tái cơ cấu công ty sau nhiều tháng, điều được các chủ nợ mong chờ. Nhưng câu hỏi hiện nay là không rõ Zhongwang hay ông Liu Zhongtian còn lại bao nhiêu tài sản.
Một trong số các tài sản đó đang nằm lại tại Việt Nam.
Tháng 6/2020, ông Liu Zhongtian cho biết với trang tin tài chính Trung Quốc Caixin rằng đang sở hữu 4 tấn nhôm thỏi bị hải quan Việt Nam tạm giữ.
Nguồn tin của Caixin cho biết, hiện nay một số người mua Trung Quốc đang quan tâm đến việc mua lại một phần tài sản này. Tuy vậy, vẫn cần có cơ sở pháp lý rõ ràng để xác định xem tài sản này thực tế thuộc sở hữu cá nhân của ông Liu Zhongtian hay công ty Zhongwang.
Kho nhôm nói trên thuộc về Global Vietnam Aluminium (GVA) hay Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam. Trong lịch sử hoạt động tại Việt Nam, công ty này vướng vào không ít vấn đề nghiêm trọng liên quan đến gian lận thương mại, khống chi phí nhằm trốn thuế và chuyển tiền ra nước ngoài.
Cuối năm 2016, Wall Street Journal lần đầu đưa bài báo điều tra chỉ ra việc Công ty Nhôm Toàn Cầu do tập đoàn Zhongwang đứng sau chính là điểm tập kết nhôm tại Việt Nam nhằm xóa nguồn gốc hàng hóa Trung Quốc trước khi xuất sang Mỹ để né thuế chống bán phá giá.
Thời điểm đó, Zhongwang đáp trả rằng Nhôm Toàn Cầu không hề có liên quan, đồng thời cũng không phải là khách hàng của công ty Trung Quốc.
Về phía Việt Nam, giữa năm 2017, các cơ quan chức năng và Bộ Ngành liên quan đã tiến hành tổ chức kiểm tra công ty Nhôm Toàn Cầu theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
Trong báo cáo của Tổng cục Hải quan về kho nhôm ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tháng 11/2019, cơ quan này cho biết:
“Từ năm 2015 đến 30/9/2019, tổng lượng nhôm nguyên liệu nhập khẩu của Nhôm Toàn Cầu là hơn 2,44 triệu tấn, xuất khẩu 400.000 tấn. Tại thời điểm báo cáo, Nhôm Toàn Cầu đang lưu giữ hơn 1,8 triệu tấn nhôm tại các kho thuê ngoài và hơn 200.000 tấn nhôm ở nhà máy. Nhôm nguyên liệu công ty nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Mexico, Mỹ, Australia, Nga, Malaysia, Indonesia. Nhôm thành phẩm công ty xuất đi nhiều nước khác nhau như Canada, Ai Cập, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Singapore, Mỹ…”
Việc nhập khẩu nhôm ồ ạt trong giai đoạn 2015 – 2019 khiến giá trị hàng tồn kho của Nhôm Toàn Cầu tăng vọt từ mức 50.400 tỷ đồng cuối năm 2016 lên gần 97.000 tỷ đồng cuối năm 2020.
Tháng 7/2020, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (KTNN) đưa ra kết luận về việc công ty Nhôm Toàn Cầu có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.
Theo KTNN, Nhôm Toàn Cầu đã thực hiện nâng giá thuê kho bãi của đơn vị có liên quan là Công ty TNHH Dịch vụ Kho vận PTL (PTL Logistics) gấp nhiều lần so với giá thuê đầu vào nhằm mục đích chuyển giá ít nhất 2.680 tỷ đồng trong giai đoạn 2015 – 2019. Bằng các giao dịch chuyển nhượng cổ phần và phân chia lợi nhuận, PTL Logistics đã chuyển hàng trăm tỷ đồng ra nước ngoài.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, Nhôm Toàn Cầu lỗ tổng cộng hơn 14.700 tỷ đồng. Công ty này lỗ gộp trên từng năm và ghi nhận khoản lỗ rất nặng trong hai năm 2019, 2020. Vì thế, vốn chủ sở hữu của Nhôm Toàn Cầu tại thời điểm 31/12/2020 âm hơn 11.300 tỷ đồng.
Cùng lúc, trong giai đoạn 5 năm nói trên, PTL Logistics đạt tổng doanh thu 4.230 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.562 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp hoạt động dao động ở mức cao từ 75 – 80%.
Năm 2021, do ảnh hưởng của của đại dịch, việc khan hiếm nguồn cung nhôm trên toàn cầu đẩy giá mặt hàng này lên cao kỷ lục. Một lần nữa, kho nhôm ở Việt Nam được báo chí quốc tế nhắc đến với định giá ước tính thời điểm đó lên tới 5 tỷ USD. Trên thực tế, giá nhôm thế giới đã đạt đỉnh vào đầu năm 2022, cho đến nay đã giảm gần một nửa từ đỉnh.