Ngày 1/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiến hành khảo sát một số công trình và dự án quan trọng tại Đà Nẵng
Tại dự án Cảng Liên Chiểu, ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng cho biết, dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung đã hoàn thành 67,31% giá trị khối lượng thi công.
Cụ thể, hạng mục đê và kè chắn sóng đã đạt 66,1%, nạo vét luồng tàu và khu nước đạt 66,8%, và đường giao thông cùng hệ thống thoát nước đạt 68,4%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án Cảng Liên Chiểu đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Adani của Ấn Độ và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản. “Điều này chứng tỏ vị trí chiến lược của Cảng Liên Chiểu trong lĩnh vực logistics”, Thủ tướng nói. Ngoài ra, để triển khai dự án nhanh chóng, cần huy động cả nguồn lực trong nước và quốc tế.
Thủ tướng đánh giá cao tiến độ của dự án, cho rằng chỉ trong hơn một năm thực hiện các thủ tục, đầu tư và thi công, kết quả đạt được đã là rất nhanh. Thủ tướng kêu gọi phát huy tinh thần “thần tốc” và “hiệu quả”, đồng thời cần huy động sức mạnh tổng lực trong quá trình thi công.
Thủ tướng cũng đề nghị Đà Nẵng trong năm 2025 nên tập trung đầu tư vào các dự án lớn, còn các dự án nhỏ hơn để cho doanh nghiệp thực hiện.
>> Đà Nẵng: 62 công nhân thắng kiện buộc công ty bồi thường 1,9 tỷ đồng
Dự án Cảng Liên Chiểu được quy hoạch tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, với tổng diện tích 450ha. Dự án gồm hai hợp phần: Hợp phần A – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và thành phố, đã khởi công cuối năm 2022; Hợp phần B sẽ kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn tư nhân, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 48.304 tỷ đồng. Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Trong chuyến công tác, Thủ tướng cũng đã thị sát dự án cao tốc Hòa Liên – Túy Loan, thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Dự án này do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 9/2023 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2025, với tổng mức đầu tư gần 2.113 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư chiếm hơn 951 tỷ đồng.
Tại khu vực nghiên cứu lấn biển gần đường Nguyễn Tất Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý về chủ trương lấn biển để tạo quỹ đất mới và mở rộng không gian phát triển. Tuy nhiên, thành phố cần nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến nguyên vật liệu san lấp, và việc sử dụng diện tích đất sau khi lấn biển phải tuân thủ đúng chức năng khu thương mại tự do, với những vị trí đẹp nhất dành cho sản xuất kinh doanh.
Adani là tập đoàn chuyên về cơ sở hạ tầng, năng lượng sở hữu 14 cảng biển tư lớn nhất tại Ấn Độ, chiếm 25% năng lực cảng biển của Ấn Độ và 7 sân bay của nước này; đây cũng là tập đoàn năng lượng lớn nhất Ấn Độ. Năm 2023, doanh thu tập đoàn đạt khoảng 33 tỷ USD, lợi nhuận đạt khoảng 2,9 tỷ USD với 29.000 nhân viên trên toàn cầu. Ở thời điểm cuối năm 2023, ông Gautum Adani là tỷ phú giàu thứ 15 thế giới, sở hữu 82,5 tỷ USD, và là người giàu thứ hai tại Ấn Độ và châu Á.
>> Ga Đà Nẵng hơn 100 năm tuổi sắp di dời: Tổng công ty Đường sắt nói gì?
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/tap-doan-nang-luong-an-do-nham-den-du-an-sieu-cang-hon-50-000-ty-tai-da-nang-154962.html