Sau nhiều năm bỏ ngỏ những cuộc đám phán về việc sáp nhập giữa Grab và GoTo – công ty mẹ Gojek, nguồn tin cho biết, 2 đối thủ cạnh tranh không đội trời chung này đang mở lại các cuộc thảo luận.
Nếu thỏa thuận đạt được, sự cạnh tranh khốc liệt, kéo dài giữa 2 công ty kể trên sẽ kết thúc. Dưới viễn cảnh đó, Grab sẽ mua lại GoTo, sử dụng cả tiền mặt và cổ phiếu. Điều này là có ý nghĩa khi mà vốn hóa thị trường của Grab đạt 13,8 tỷ USD vào ngày 16/2 hiện đang gấp đôi so với GoTo.
Tuy nhiên, trạng thái thay đổi của các công ty trong những năm gần đây cho thấy, một thỏa thuận như vậy thường “nói dễ hơn làm”.
Nhiều yếu tố khác gồm cả vị thế tài chính của 2 công ty, lo ngại của nhà chức trách và cả sự phức tạp của việc kết hợp 2 hoạt động kinh doanh khác nhau cũng tạo thêm những rào cản mới.
Hơn nữa, GoTo đã lên tiếng phủ nhận một thỏa thuận như vậy. Trong khi đó, Grab nói rằng “họ không có bình luận gì về những tin đồn kể trên”.
NÓI DỄ HƠN LÀM?
Nhìn bề ngoài, hiện có vẻ là thời điểm tốt cho GoTo để thực hiện thỏa thuận với Grab. Nhà sáng lập Gojek Kevin Aluwi đã từ chức khỏi hội đồng quản trị GoTo vào năm ngoái, và anh cũng là người cuối cùng trong nhóm 3 đồng sáng lập rời công ty.
Patrick Walujo – người đảm nhiệm vị trí CEO của GoTo vào tháng 6/2023 là đồng sáng lập của Northstar Group – một nhà đầu tư sớm vào Gojek. Không giống Andre Soelistyo, cựu CEO của GoTo, Walujo chưa bao giờ nằm trong đội ngũ quản lý ban đầu của Gojek – những người luôn coi việc nếu bán mình cho Grab sẽ chẳng khác nào là hành động đầu hàng đối thủ.
Hơn nữa, Walujo không né tránh việc thực hiện các bước đi quyết định để cải thiện triển vọng của GoTo. Ví dụ lớn nhất là việc anh đã quyết định cho TikTok kiểm soát cổ phần trong Tokopedia, tạo ra liên minh Tokopedia-TikTok mặc dù Tokopedia đang là nền tảng TMĐT hiện diện lớn hơn ở Indonesia.
Dù một số nhà phân tích lưu ý rằng Tokopedia được bán với giá “rất rẻ”, Walujo cho biết thỏa thuận này đã bảo vệ công ty khỏi sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty thương mại điện tử trong nước.
Trong khi đó, Grab có thanh khoản tiền mặt ròng hơn 5 tỷ USD tính đến tháng 9/2023.
Mặc dù điều này có thể không đủ để công ty mua lại hoàn toàn GoTo dựa trên mức định giá thị trường hiện tại của công ty này – 6,4 tỷ USD tính đến ngày 16/2 – Grab có thể tìm kiếm nguồn tài chính bổ sung và thanh toán một phần thỏa thuận bằng cổ phiếu của mình.
Mặc dù đã giảm hơn 70% kể từ khi niêm yết tại Mỹ vào tháng 12/2021, giá cổ phiếu của Grab vẫn tương đối ổn định kể từ tháng 3/2022, đây sẽ là một yếu tố quan trọng nếu một thỏa thuận liên quan đến việc thanh toán bằng cổ phiếu của công ty.
Tuy nhiên, điều này đặt ra câu hỏi tại sao Grab cần mua lại GoTo và việc sáp nhập Grab-GoTo có thể tạo ra bao nhiêu giá trị cho các cổ đông của mỗi công ty. Và, ngay cả khi giả định rằng hai câu hỏi này đã được trả lời, bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể gặp phải sự phản đối đáng kể về mặt pháp lý, do sự thống trị của một thực thể kết hợp sẽ có ở Indonesia và Singapore.
KHÔNG THIẾU TIỀN
Một năm trước, Nirgunan Tiruchelvam, nhà phân tích vốn cổ phần tại công ty tư vấn đầu tư Alethia Capital đã nêu ra khả năng GoTo có thể gặp khủng hoảng tiền mặt, với lượng tiền ròng sẽ cạn kiệt vào cuối năm 2023.
Dự đoán đó đã không thành hiện thực: GoTo và Grab đã nhận thấy tình hình tài chính của họ được cải thiện kể từ đó.
Ở cấp độ tập đoàn, Grab đã báo cáo EBITDA điều chỉnh tích cực trong ba tháng kết thúc vào tháng 9/2023.
Trong khi đó, GoTo đã đạt được điều này vào quý 4 năm ngoái, theo tiết lộ của công ty vào ngày 31/1/2024 liên quan đến việc sáp nhập với TikTok Shop. Về phía đối thủ Indonesia, họ dự kiến sẽ công bố kết quả quý chính thức vào tháng 3.
Mặc dù EBITDA được điều chỉnh không thay thế cho lợi nhuận hoạt động hoặc dòng tiền thực tế từ hoạt động kinh doanh nhưng cả hai công ty đều đã chứng minh rằng họ đang đi đúng hướng.
Về mặt tiền mặt, GoTo dường như đang ở vị thế an toàn. Họ có 1,6 tỷ USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền cũng như tiền gửi có kỳ hạn trên bảng cân đối kế toán tính đến tháng 9/2023. Trong khi đó, trong 12 tháng kết thúc vào tháng 9/2023, họ đã chi 484 triệu USD tiền mặt cho hoạt động kinh doanh.
Từ tháng 1 đến tháng 9 năm ngoái, hầu hết các khoản lỗ hoạt động của GoTo đều bắt nguồn từ Tokopedia – cùng với hoạt động kinh doanh fintech của tập đoàn. Tokopedia đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đặc biệt sau khi Sea Group cam kết đầu tư nhiều hơn vào Shopee để đối đầu với các đối thủ.
Dù vậy, mức thua lỗ của GoTo đang bắt đầu thu hẹp và thỏa thuận với TikTok đã giúp giảm bất kỳ việc đốt tiền mặt nào hơn nữa của Tokopedia khi họ loại bỏ được 1 đối thủ cạnh tranh.
Như vậy, thỏa thuận với Grab rõ ràng không được kích hoạt bởi nỗi lo sợ hết tiền.
Nailul Huda, giám đốc nền kinh tế kỹ thuật số tại Center of Economic and Law Studies đồng ý rằng không có bất kỳ sự cấp bách nào cho cả 2 công ty để sáp nhập với nhau cả.
Ông dự báo rằng việc sáp nhập giữa 2 công ty “sẽ không xảy ra trong 1 hoặc 2 năm nữa”, đặc biệt khi GoTo đã giảm được chi phí hoạt động kể từ sau thỏa thuận của Tokopedia. Dẫu vậy, Huda nói rằng tình huống có thể thay đổi nếu vị thế tài chính của GoTo trở nên tồi tệ hơn.
LỢI ÍCH TIỀM NĂNG
Dĩ nhiên, một cuộc hôn nhân của 2 đối thủ vẫn có thể mang lại lợi ích tài chính đáng kể.
Ví dụ: Từ tháng 7 đến tháng 9/2023, GoTo và Grab đã chi tổng cộng hơn 500 triệu USD cho các ưu đãi dành cho tài xế và người tiêu dùng. Một sự sáp nhập tiềm năng có thể làm giảm đáng kể số tiền này. Giả sử rằng chi phí khuyến khích giảm một nửa thì có thể tiết kiệm được 1 tỷ USD hàng năm.
Theo Roshan Raj, một đối tác tại Redseer Strategy Consultants, việc sáp nhập tiềm năng cũng có thể thay đổi quyền định giá theo hướng có lợi cho các công ty. Điều này sẽ cho phép thực thể sau kết hợp tăng giá dịch vụ của mình, cải thiện tỷ suất lợi nhuận.
Một tổ chức hợp lý sẽ có thể tiết kiệm các chi phí trùng lặp như chi phí hành chính và R&D.
Khoản tiết kiệm được sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn cho thực thể kết hợp, tạo ra tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư trên thị trường đại chúng.
Dẫu vậy, Raj cũng nói thêm rằng, việc thiếu cạnh tranh có thể làm giảm khả năng đổi mới của công ty về lâu dài.
RÀO CẢN PHÁP LÝ
Ngay cả khi điều kiện kinh doanh đã chín muồi, GoTo và Grab sẽ phải vượt qua vô số rào cản pháp lý trước khi thực hiện được thỏa thuận sáp nhập, rõ ràng nhất là việc nhận được sự đồng ý từ các cơ quan quản lý luật cạnh tranh.
Grab có mặt ở tất cả các thị trường trọng điểm ở Đông Nam Á, trong khi hoạt động kinh doanh chính của GoTo là ở Indonesia, mặc dù hãng này cũng hoạt động ở Singapore và Việt Nam.
Ở Indonesia, một thực thể được sáp nhập sẽ có quyền kiểm soát gần như hoàn toàn thị trường gọi xe nếu không tính đến dịch vụ taxi.
Kết hợp lại, cả hai công ty cũng sẽ có thị phần giao đồ ăn là 88%, dựa trên nghiên cứu của Momentum Works. ShopeeFood sẽ là đối thủ cạnh tranh lớn duy nhất khác của thực thể sau sáp nhập.
Luật sáp nhập của Indonesia áp dụng chế độ thông báo bắt buộc sau khi kết thúc hợp đồng. Điều này có nghĩa là các bên tham gia sáp nhập không cần phải thông báo cho cơ quan quản lý trước khi họ thực hiện thỏa thuận.
Trên thực tế, chỉ da ngày sau khi tin tức về một thỏa thuận Grab-GoTo tiềm năng được đưa ra, KPPU lưu ý rằng việc sáp nhập cả hai có thể dẫn đến các hoạt động độc quyền tiềm ẩn do “sự tập trung thị trường cao” của thực thể kết hợp trong một số lĩnh vực nhất định.
Người phát ngôn của KPPU nói thêm rằng Luật Cạnh tranh Kinh doanh trong nước cấm mua bán và sáp nhập cũng vì lý do này. Tuy nhiên, người phát ngôn cho biết, KPPU sẽ phải tiến hành đánh giá thích hợp trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào.
Trong khi đó, Grab hiện đang chờ quyết định từ Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS), cơ quan đang tiến hành đánh giá chuyên sâu giai đoạn hai về kế hoạch mua lại công ty taxi Trans-cab. Grab lần đầu tiên công bố kế hoạch vào tháng 7/2023.
Tháng 11 năm ngoái, sau giai đoạn xem xét đầu tiên, cơ quan quản lý đã bác bỏ đề xuất của Grab, nói rằng công ty cần giải quyết những lo ngại về cạnh tranh.
Như vậy, việc Grab mua lại hoạt động kinh doanh dịch vụ gọi xe của Gojek tại Singapore (dù chỉ đang là lời đồn) cũng sẽ khiến họ chịu sự giám sát thậm chí còn lớn hơn từ CCCS.
“NHÀ VÔ ĐỊCH QUỐC GIA INDONESIA” KHÔNG CÒN NỮA
Còn 1 vấn đề cuối cùng không kém phần quan trọng đó là, khi Gojek sáp nhập với Tokopedia vào năm 2021, thỏa thuận đã tạo ra thứ mà một số người gọi là “nhà vô địch quốc gia”.
Khi GoTo tiếp tục niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Indonesia, họ đã bán câu chuyện về sự nổi lên của mình như một biểu tượng công nghệ cây nhà lá vườn cho hàng trăm, hàng nghìn nhà đầu tư Indonesia.
Bất kể con số là bao nhiêu, quan điểm về việc một nhà vô địch công nghệ Indonesia bị một đối thủ niêm yết tại Mỹ có trụ sở tại Singapore mua lại khó có thể được lòng nhiều người dân địa phương. Điều đó càng trở nên tồi tệ hơn khi Tokopedia về cơ bản đã nằm dưới sự kiểm soát của TikTok, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc là ByteDance.
Tuy nhiên, Huda của Celios tin rằng từ góc độ của ngành, việc mua lại sẽ có lợi cho các công ty khởi nghiệp ở Indonesia. Huda cho biết, bất kỳ thỏa thuận nào, bao gồm cả thỏa thuận của các công ty nước ngoài, đều mang lại nhiều lối thoát hơn cho các công ty địa phương trong ngành.
Một vấn đề khác mà cuộc thảo luận này thậm chí còn chưa đề cập đến là làm thế nào để tích hợp hai nền văn hóa doanh nghiệp khác nhau, điều này có thể dẫn đến sự thiếu gắn kết của nhân viên, mất tinh thần, xung đột và giảm năng suất.
Việc giá cổ phiếu tương đối thấp của GoTo có thể trở thành điểm tương đối hấp dẫn với Grab, nhưng theo Techinasia, có lẽ tốt nhất nên để cho mọi thứ “nằm yên” và không nên tạo ra bất kỳ sự xáo trộn nào.
Theo: Techinasia
Nguồn tin: https://cafef.vn/grab-sap-nhap-cong-ty-me-gojek-dang-so-the-nao-tao-ra-quai-vat-khong-ai-co-the-danh-bai-se-duoc-mac-suc-ap-gia-dich-vu-cho-nhieu-thi-truong-la-thuong-vu-khong-bao-gio-nen-xay-ra-188240220091300804.chn