Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/5, cổ phiếu MCH của Masan Consumer đã nối dài chuỗi “thăng hoa” của mình khi tăng 2,95% lên mức giá 185.100 đồng/cp. Đẫy cũng là mức đỉnh lịch sửa của cổ phiếu này. Kể từ đầu năm, thị giá của MCH đã tăng 112% từ mức giá 2 con số hồi đầu năm.
Với mức giá cổ phiếu như hiện tại, vốn hóa thị trường của Masan Consumer đã đặt mức 132.810 tỷ đồng (khoảng 5,2 tỷ USD), tăng hơn 70.000 tỷ so với số đầu năm. Con số này cũng giúp doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Masan Group có giá trị vượt một loạt “ông lớn” trên sàn chứng khoán như MB, ACB, Thế Giới Di Động hay chính Masan Group…
Xu hướng tăng giá của MCH đến từ những thông tin tích cực gần đây, bao gồm kết quả kinh doanh và khả năng huy động thêm vốn, IPO lên sàn HoSE mà lãnh đạo doanh nghiệp này vừa công bố tại Đại hội đồng cổ đông 2024. Masan Consumer là doanh nghiệp sản xuất nhiều loại thực phẩm và đồ uống, bao gồm gia vị, mì, tương ớt, cà phê hòa tan, bia…
Hiện tại, Masan Consumer hiện đang sở hữu 5 thương hiệu lớn (big brands) hàng tiêu dùng có mức doanh số khoảng 150-250 triệu USD với “độ phủ” lớn. Những thương hiệu đã trở nên quen thuộc với hàng triệu người dân Việt Nam như CHIN-SU, Nam Ngư, Omachi, Kokomi và Wake-Up 247. Theo ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Masan Consumer thì có hơn 98% hộ gia đình Việt Nam sở hữu ít nhất một sản phẩm của công ty này.
Nhìn về kết quả kinh doanh, trong năm 2023, Masan Consumer thiết lập mức lợi nhuận kỷ lục mới khi ghi nhận mức lãi sau thuế 7.195 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2022. EPS năm 2023 đạt 9.888 đồng/cp, tăng mạnh so với EPS năm 2022 là 7.612 đồng/cp.
Đặc biệt, biên lợi nhuận gộp của Masan Consumer lần đầu tiên tiến lên mức gần 50%. Cụ thể, lợi nhuận gộp quý 4 đạt 4.017 tỷ, biên lợi nhuận gộp 47,29%, tăng đáng kể từ mức 41,48% trong quý 4/2022.
Đến quý 1/2024, công ty này tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng về kết quả kinh doanh của mình. Theo đó, doanh nghiệp này đã mang về 6.727 tỷ đồng doanh thu, 1.505 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt tăng 7,4% và 31,5% so với cùng kỳ năm trước.
Sau năm lãi kỷ lục, Masan Consumer còn chốt chia cổ tức “khủng”. Theo đó, doanh nghiệp đã được thông qua trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 100% (1 cổ phiếu nhận 10.000 đồng). Trước đó, vào tháng 7/2023, công ty đã tạm ứng 45% và sẽ chi trả 55% còn lại trong năm 2024.
Về tiềm năng của Masan Consumer, so với các doanh nghiệp niêm yết trong ngành F&B, Chứng khoán Vietcap thống kê tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát tại MCH là 16%, vượt trội so với mức một chữ số của Sabeco và Vinamilk trong giai đoạn 2018-2023.
Trước đó, báo cáo của HSBC cũng đánh giá, Masan Consumer có tỷ suất lợi nhuận cao, tăng trưởng doanh thu ổn định và vượt xa đáng kể so với các công ty cùng ngành trong lĩnh vực FMCG và thực phẩm đóng gói trong khu vực. Theo tính toán của HSBC, tỷ suất sinh lời của MCH cao hơn 4-5% so với Vinamilk và Unilever Indonesia, vượt trội so với Nestle Malaysia và gấp đôi Universal Robina, Mayora Indah.
Theo quan điểm của HSBC, những kế hoạch có thể đã được thúc đẩy bởi sự phục hồi gần đây của MCH, với mức vốn hóa thị trường hiện cao hơn mức vốn hóa thị trường của Masan (chủ sở hữu Masan Consumer). Lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) năm 2023 của MCH là 9% cao hơn EBITDA của mảng FMCG Masan. MCH có tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 15,4%. Thu nhập trên một cổ phiếu (EPS) đạt 10,7%.
Nguồn tin: https://cafef.vn/tang-boc-dau-gia-tri-von-hoa-cua-chu-thuong-hieu-chin-su-omachi-len-hon-5-ty-usd-vuot-ca-mb-bank-the-gioi-di-dong-acb-sabeco-188240529004902577.chn